Từ khi bắt đầu bước chân vào cổng trường tiểu học đến khi tốt nghiệp đại học, lúc nào chị cũng đạt danh hiệu con ngoan, trò giỏi. Niềm vui của Hương là học và đạt điểm cao. Do đó chuyện thất nghiệp suốt 4 năm của Thu Hương khiến nhiều người ngạc nhiên, bố mẹ rầu rĩ vì ai cũng nghĩ hai tấm bằng loại giỏi, một của Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, một là bằng kinh tế của đại học Kinh tế Quốc dân, đáng lẽ chị đã có công việc ổn định từ lâu.
Lý do đơn giản là Hương tính nhút nhát, ngại nói về mình, chỉ biết học. Trong khi các bạn cùng trang lứa với chị nhiệt tình tham gia vào các hoạt động xã hội, tình nguyện thì chị chỉ cắm mặt vào sách vở. Bốn năm ra trường vẫn phải sống dựa vào bố mẹ cũng khiến Hương thất vọng và chán nản chính mình.
Thu Hương chia sẻ: "Cái tôi cần có thêm đó chính là sự cọ xát với thực tế công việc, là kinh nghiệm và vốn sống. Sẽ tốt hơn nếu như khi còn là sinh viên tôi chịu khó đi thực tập ở các doanh nghiệp, cơ quan cùng lĩnh vực ngành học, vừa để rèn nghề vừa để làm dày thêm kinh nghiệm của mình. Nhà tuyển dụng thường đánh giá cao những người năng động và biết việc".
Giống như Thu Hương, Thảo My cũng đang trong tình trạng thất nghiệp. Dù sở hữu tấm bằng giỏi cùng với việc đi du học thêm 2 năm nhưng Thảo My vẫn chưa được công ty nào nhận vào làm. Ban đầu, My lấy làm lạ vì bằng đẹp lại thêm tí “sính ngoại” mà vẫn bị doanh nghiệp từ chối. Nhưng sau đó tìm hiểu, tham khảo ý kiến mọi người, My biết cái mình thiếu chính là kinh nghiệm thực tế.
Thảo My tâm sự: "Đôi lúc tôi cũng thấy chán nản. Nhưng nghĩ lại thấy bằng cấp chỉ là tấm vé để bạn bước vào đời. Nếu chỉ tiếp thu những gì có trong trường mà không tự rèn luyện những kỹ năng khác, bạn sẽ chỉ có 1 tấm vé bình thường. Nhưng nếu khôn khéo học hỏi, tạo dựng những điều đó song song với quá trình học tập thì chắc chắn tấm vé ‘hạng sang’ với nhiều ưu ái hơn sẽ là dành cho bạn".
Theo thống kê của Tổng cục Thống kê và Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cả nước có 162.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Trên thực tế, yêu cầu đầu vào của các trường đại học cao và tỷ lệ chọi khắc nghiệt khiến các sĩ tử học “vắt chân lên cổ” trong suốt 3 năm học phổ thông trung học, thậm chí là từ những năm trung học cơ sở. Tuy nhiên, nhiều tân sinh viên chưa kịp vui mừng nhận giấy báo đỗ đã phải chịu cảnh thất nghiệp ngồi nhà, hoặc nhanh chóng bị nhà tuyển dụng đào thải sau 4 - 5 năm đại học. Do đó, ngày làm lễ tốt nghiệp trọng đại thường được các tân cử nhân gọi vui là “lễ thất nghiệp”.
Một nghịch lý khác trong ngành giáo dục là các bậc phụ huynh, sĩ tử khi chọn trường thường lấy chất lượng đầu vào chứ không phải đầu ra để làm tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trường. Trong khi đó, chất lượng sinh viên, tỷ lệ việc làm, hay mức lương khởi điểm trung bình của tân cử nhân sau khi tốt nghiệp mới là tiêu chí quan trọng. Điều này vô hình chung còn gây nên tính “tự phụ” và sức “ì” cho nhiều sinh viên.
Câu chuyện gần đây về nữ cử nhân gửi email đáp trả lại nhà tuyển dụng cũng là một ví dụ về việc một bộ phận sinh viên Việt Nam còn “ảo tưởng” về bản thân và thiếu hụt kỹ năng mềm.
Chương trình đào tạo tại đa số các trường đại học Việt Nam truyền thống được đánh giá là nặng và thuần lý thuyết. Thời gian dành cho các tiết học sách vở nhiều hơn khoảng 50% so với ở Mỹ, trong khi những tiết học thực hành có tính cọ xát lại bị bỏ bê (Theo TS. Peter Gray, Giám đốc đánh giá đào tạo của Trung tâm Bồi dưỡng giảng viên - Học viện Hải quân Mỹ).
Nền giáo dục mà GS Hoàng Tụy - cha đẻ của toán học tối ưu toàn cục cho là “đang lạc điệu với thế giới văn minh” đã tạo một bộ phận nhân lực thiếu chất lượng. Kết quả là sinh viên hoặc bị nhà tuyển dụng lắc đầu từ chối, phải làm trái ngành, hoặc được doanh nghiệp đào tạo lại từ đầu nếu may mắn.
Trong khi đó, nhiều sinh viên các trường đại học có xuất phát điểm từ doanh nghiệp lại được nhà tuyển dụng đánh giá cao hơn, một phần là do chương trình học cung cấp kiến thức thực tế, thậm chí tạo điều kiện cho sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp ngay trong thời gian học, phần khác là do các yếu tố ngoại ngữ và kỹ năng mềm được chú trọng trong chương trình học chính khoá.
Thực tế đào tạo - tuyển dụng này khiến không ít sĩ tử đổi hướng chọn trường dựa vào các chỉ số đáng tin cậy thay vì dựa vào danh tiếng “truyền đời” của các trường như trước.
“Mình mất một thời gian để định hướng nghề nghiệp xem muốn học kinh tế hay công nghệ thông tin hơn. Sau đó thì đơn giản là Google vài cụm từ đáng tin cậy như tỷ lệ việc làm sau khi ra trường, mức lương khởi điểm trung bình... để lọc ra những ngôi trường phù hợp”, Tuấn Anh, SV năm 3 ĐH FPT, đồng thời đang làm Quản trị dự án tại một công ty phần mềm có tiếng ở Hà Nội nói về cách cậu chọn trường.
Sau học kỳ thực tập tại doanh nghiệp, Tuấn Anh được công ty ký hợp đồng và làm trưởng nhóm, rồi quản trị dự án luôn, dù chưa lấy bằng tốt nghiệp. Lĩnh vực phần mềm khá cởi mở và cũng coi trọng nhân sự chất lượng cao.
Theo TS. Phan Quốc Việt, Ủy viên thường vụ Hội khoa học Phát triển Nhân lực và Nhân tài Việt Nam, do cách đào tạo của nhà trường vẫn lấy thi viết là chính để đánh giá kết quả học tập, nên hiện nay, sinh viên ra trường đa phần chỉ biết học thuộc.
Giáo dục “đọc chép” khiến đa phần sinh viên bị thụ động, mà cuộc sống thì cần chủ động sáng tạo và nhiều khi cần sự mạo hiểm nữa”. Vì vậy, sinh viên Việt Nam sau khi ra trường thường bị nhà tuyển dụng lắc đầu từ chối, phải làm trái ngành, hoặc được doanh nghiệp đào tạo lại từ đầu nếu may mắn.
Trong khi đó, sinh viên trường tư, trường quốc tế hoặc các trường liên kết nước ngoài lại được nhà tuyển dụng đánh giá cao hơn, một phần là do chương trình và phương pháp học gắn liền với thực tiễn, phần khác là do các yếu tố ngoại ngữ và kỹ năng mềm tốt hơn.
Cũng theo TS. Phan Quốc Việt, giáo dục đang khủng hoảng thì sinh viên phải tự cứu mình. Chủ động, sáng tạo, mạo hiểm! Phải chủ động tự nghiên cứu thị trường việc làm, tham gia thị trường lao động “làm thêm” và điều chỉnh cách học để khi ra trường vững tin lập nghiệp.
Trong nguy có cơ, khi mọi người thụ động thì sinh viên chủ động sẽ có rất nhiều cơ hội. Vì vậy, cần phải định hướng ngay từ trên ghế nhà trường rằng mình học để làm chủ chứ không phải học như cỗ máy để làm thuê.
Số liệu thực tế từ Đại học FPT cho thấy: 98% sinh viên trường này có việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp với mức lương khởi điểm trung bình là 8,3 triệu đồng một tháng. Không chỉ Đại học FPT mà sinh viên một số trường đại học khối NCL có uy tín khác cũng đang được nhà tuyển dụng dần ưa thích, bởi các yếu tố năng lực, kiến thức thực tế, ngoại ngữ, kỹ năng mềm và đặc biệt là thái độ tốt của “sản phẩm đầu ra” từ các trường này.
Một số chuyên gia trong ngành giáo dục cho rằng, phụ huynh và học sinh cần bỏ qua tâm lý truyền thống khi chọn trường. Theo Phó GS. Trần Xuân Nhĩ, thí sinh phải đặt ra mục đích thi để làm gì chứ không phải thi để lấy bằng, thi phải đánh giá đúng trình độ, phản ánh đúng chất lượng, từ đó để xác định chất lượng đại học, hay cao đẳng. Qua rồi thời vào đại học để “lấy danh”, nên lấy việc học thật thi thật, năng lực thực tế, chất lượng đầu ra và tỷ lệ sinh viên có việc làm căn cứ chọn trường.
Theo Đồng An - Phương Thảo