Giải mã hiện tượng ngày càng nhiều người có bằng cấp thất nghiệp- Bài 2:

“Cùng đường” mở lối đi riêng

Ông Jesus nói chuyện với sinh viên về làm giàu trong nông nghiệp. Ảnh: Dương Triều
Ông Jesus nói chuyện với sinh viên về làm giàu trong nông nghiệp. Ảnh: Dương Triều
TP - Đối diện thất nghiệp, nhiều bạn trẻ chọn cho mình hướng đi mới- tự tạo việc làm, tự kinh doanh. Với những con người sáng tạo, chịu khó, không muốn thành người thừa thì đôi khi khó khăn càng khiến họ quyết tâm, quyết chí làm giàu, thành công theo một cách rất riêng, mở lối đi mới cho nhiều người cùng đi…

Mở lối đi riêng


Mở những shop kinh doanh trên các trang mạng, diễn đàn… hiện nay đang khá phổ biến trong một bộ phận giới trẻ. 

Trên các diễn đàn “Hội các mẹ thích mua hàng qua mạng”, “Hội những người thích kinh doanh”, “Thuận mua vừa bán”, “Buôn thúng bán mẹt”... có khoảng từ 30.000 đến 50.000 thành viên tham gia với mục tiêu chính là quảng bá sản phẩm. 

Từ giày dép, quần áo, túi xách đến sữa, đồ ăn nhanh, giường, tủ... đều được các bạn kinh doanh. Hoàng Phương Trang (Đại Từ- Thái Nguyên) chia sẻ: “Tốt nghiệp Viện Đại học Mở, không tìm được việc làm như ý, tôi quyết định tự kinh doanh ở Hài Nội và may mắn bước đầu đã thành công.

Kinh doanh trên mạng giảm được nhiều chi phí như tiền mặt bằng, nhân công nên lợi nhuận cũng tạm ổn. Bạn bè tôi nhiều người ban đầu bán hàng cho vui, rồi dần thích và tập trung cho việc kinh doanh lâu dài”.

Phương Bùi là gương sinh viên điển hình cho việc tạo dựng sự nghiệp từ việc kinh doanh. Khi đang là sinh viên Đại học Ngoại thương, Phương đã tập tành kinh doanh với việc mở 3 shop quần áo dành cho giới trẻ ở Hà Nội và Ninh Bình. Số vốn ban đầu Phương đi vay và sau thời gian ngắn đã hoàn trả và việc kinh doanh bắt đầu có lãi. Ấp ủ dự định từ lâu về một trung tâm dạy tiếng Anh của riêng mình, Phương đã dành toàn bộ số tiền có được sau 2 năm kinh doanh thời trang chuyển sang mở trung tâm tiếng Anh và một nhà hàng pizza sinh viên. Quyết định khá táo bạo, nhưng không ngờ Phương lại thành công. Phương trở thành sinh viên lương tháng nghìn đô và tiếp tục nghiệp kinh doanh sau khi tốt nghiệp.

Hoàng Thị Thúy (sinh năm 1990 ở xã Đường Âm huyện Bắc Mê, Hà Giang) chọn khởi nghiệp từ nông nghiệp và có những bước đi thành công. Bằng số tiền tích cóp được, Thúy thành lập hợp tác xã sản xuất nông sản với 3 ha trồng rong giềng, xây dựng nhà xưởng chế biến bột rong. Hướng đi mới của Thúy đã đem lại lợi nhuận 200 triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương với mức lương 3,5 triệu đồng/tháng. 

Mô hình kinh doanh miến của Nguyễn Văn Ba (sinh năm 1983) ở xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đã được T.Ư Đoàn ghi nhận và trao tặng giải thưởng Lương Định Của dành cho thanh niên nông thôn biết vươn lên, kinh doanh làm giàu chính đáng. Nguyễn Văn Ba cũng khởi đầu từ kinh doanh nhỏ lẻ, sản xuất miến bán, dần dần mở rộng quy mô. Hiện tại kinh doanh đem lại lợi nhuận hơn 700 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 50 lao động địa phương trong đó có 20 lao động thường xuyên, 30 lao động thời vụ.

Kinh tế xanh

Chuyển dịch sang nông nghiệp để khởi nghiệp đang là xu hướng hiện nay. Các chuyên gia cho rằng, đây là hướng đi khó, rủi ro nhưng lại tiềm năng và có nhiều đất để bạn trẻ khởi sự, tạo dựng cơ nghiệp,
Nguyễn Lê Na (Quỳ Hợp- Nghệ An) cũng đau đáu với thực phẩm sạch và câu chuyện kinh tế xanh. 

“Tôi biết có những bạn trẻ đã chuyển từ kinh doanh manh mún sang thành đam mê, họ có lý tưởng, suy nghĩ dành cho cộng đồng, họ cảm thấy cần phải làm gì đó để thay đổi nhận thức của người dân về thực phẩm sạch và thói quen tốt cho sức khỏe cộng đồng”

 Nguyễn Lê Na

Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Lê Na đi làm truyền thông ở nhiều công ty. Đang làm việc ở công ty Honda Việt Nam Lê Na quyết định nghỉ việc dồn sức cho việc kinh doanh nông sản sạch. Lê Na chia sẻ: Kinh doanh thực phẩm xanh là xu hướng tất yếu và bền vững, nó khuyến khích mọi người phát triển kinh tế nhưng biết quan tâm đến môi trường sống. Nếu như trước đây, các doanh nghiệp chỉ quan tâm việc sản xuất và kinh doanh để tạo ra lợi nhuận còn trọng trách bảo vệ môi trường lại giao cho các cơ quan quản lý, các tổ chức và cá nhân khác thì việc này là quá bất công. 

“Xu hướng kinh tế xanh sẽ gắn trách nhiệm xã hội với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nên tự thân doanh nghiệp đã phải có trách nhiệm bồi đắp và trả lại giá trị của phần tài nguyên mà mình khai thác để phần lợi nhuận của họ được bảo toàn lâu dài hơn. Tôi biết có những bạn trẻ đã chuyển từ kinh doanh manh mún sang bài bản, có tổ chức hơn. Họ có lý tưởng, suy nghĩ dành cho cộng đồng, họ cảm thấy cần phải làm gì đó để thay đổi nhận thức của người dân về thực phẩm sạch và thói quen tốt cho sức khỏe cộng đồng”, Lê Na nói. Cô hiện là chủ cửa hàng thực phẩm sạch Farm Food.

“Cùng đường” mở lối đi riêng ảnh 1

Mở cửa hàng thực phẩm sạch, xu hướng mới của bạn trẻ trong khởi nghiệp (trong ảnh Lê Na đang chuẩn bị hàng bày bán tại cửa hàng Farm Food).  Ảnh: Bảo Linh

Nguyễn Trung Quân, Giám đốc Công ty nông sản Phủ Quỳ (Nghệ An) cho rằng, người trẻ có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế xanh.

Nhiều bạn trẻ đang đi tiên phong trong lĩnh vực này, họ sẽ là những nhân tố để xu thế này phát triển. Hầu hết, họ đều có nhận thức về việc duy trì và phát triển một doanh nghiệp bền vững. Nhiều bạn trẻ cũng không quá quan tâm tới việc đạt được lợi nhuận, doanh thu bằng mọi giá mà họ quan tâm tới việc thay đổi nhận thức của cộng đồng về rau hữu cơ, thực phẩm an toàn và thói quen tiêu dùng. 

Trong một cuộc gặp gỡ với sinh viên, Trưởng đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tại Việt Nam Vũ Tú Thành đã chia sẻ: “Chúng ta luôn nghĩ rằng làm nông nghiệp là chậm phát triển, khó có thể kiếm ra nhiều tiền nhưng không phải như thế. Làm nông nghiệp không có nghĩa chúng ta lạc hậu, mà ngược lại chúng ta đang tiến lên, trở nên hiện đại, chúng ta giàu có”.

Ông Jesus Madrazo, Phó Chủ tịch phụ trách Đối ngoại tập đoàn Monsanto cho biết, nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trên thế giới. Ngành Nông nghiệp Việt Nam cần có một lực lượng trẻ, tài năng, quyết tâm và nhiệt huyết để phát triển ngành Nông nghiệp một cách bền vững. 

“Ngành nông nghiệp Việt Nam cần có một lực lượng trẻ, tài năng, quyết tâm và nhiệt huyết để phát triển ngành nông nghiệp một cách bền vững”.

Ông Jesus Madrazo, 

Phó Chủ tịch phụ trách Đối ngoại tập đoàn Monsanto

Ông cũng cho rằng: “Là một nước có hơn 1/2 dân số làm nông nghiệp và nền nông nghiệp vẫn còn rất nhiều cơ hội phát triển, nâng cao năng suất trở thành động lực của nền nông nghiệp thế giới, các bạn trẻ Việt Nam hãy suy nghĩ về điều này và những điều bạn muốn làm”.

Lựa chọn nông nghiệp là nơi khởi sự đang là xu hướng của bộ phận giới trẻ với mong muốn không chỉ vươn lên khẳng định bản thân mà còn góp phần vì một ngành Nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.

Bài 3: Sinh viên thất nghiệp, “đường cùng” mở lối đi riêng ở bài này là điểm sáng đáng mừng. Tuy nhiên, ở kỳ tới, tiếp mạch giải mã hiện tượng vì sao người có bằng cấp thất nghiệp ngày càng nhiều, Tiền Phong sẽ cung cấp tới bạn đọc “bi kịch” của những tấm bằng đại học qua sự thâm nhập thực tế của phóng viên.

(Còn nữa)
MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.