Xin Bộ trưởng cho biết về việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ VHTT&DL phối hợp các bộ, ngành chức năng và địa phương làm rõ xem lễ hội nào không còn phù hợp, giá trị văn hóa không thiết thực, tiêu cực để dần loại bỏ?
Bộ giao Cục Văn hóa cơ sở, Cục Di sản văn hóa, Thanh tra Bộ đi kiểm tra, rà soát và nghiên cứu lễ hội, nguồn gốc lễ hội để tham mưu, tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện thông tin đại chúng. Hội thảo dự kiến diễn ra sau khi kết thúc mùa lễ hội để có tương đối đầy đủ thông tin đưa ra tranh luận. Chúng ta phải phân tích, cân nhắc hiệu quả lễ hội, cũng như ảnh hưởng xấu từ lễ hội tác động đến cộng đồng, hình ảnh quốc gia, loại bỏ dần những yếu tố dù truyền thống nhưng không phù hợp theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Hiện nay tôi thấy nhiều ý kiến các nhà nghiên cứu, khoa học và cả người dân đồng tình loại bỏ hành vi phản cảm trong các lễ hội. Chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế, rằng có những khâu tổ chức chưa chặt chẽ, người tham gia tổ chức và thực hành lễ chưa đúng, nhận thức người đi lễ với niềm tin mù quáng, tham vọng thái quá. Ngoài ra, việc tổ chức lễ hội là quyền lợi của nơi tổ chức nên phải hết sức thận trọng. Nhưng như thế không có nghĩa là cơ quan hành chính nhà nước không can thiệp.
Có chuyên gia nói rằng chúng ta phải chăng quá vị truyền thống, nhân danh truyền thống, di sản để làm sống lại nhiều thứ không phù hợp, thậm chí đẩy lùi sự phát triển của xã hội. Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này?
Không phải cái gì truyền thống xa xưa cũng phù hợp bây giờ, không phải cái gì truyền thống chúng ta cũng phải theo.
Chúng ta phải thích nghi với văn minh nhân loại, sự phát triển của loài người, tiếp thu và chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại. Có người biết không phù hợp, nhưng cố tình bảo thủ thậm chí có động cơ cá nhân, thương mại hóa, trục lợi nên mượn danh nghĩa truyền thống xa xưa. Như chém lợn ở Ném Thượng có nhiều nguồn nói Lý Đoàn Thượng chém lợn rừng khao quân, có nguồn Lý Công chết giờ thiêng được tôn làm thành hoàng làng, có nguồn lại cho rằng thả bốn con lợn vào sân đình không cho người xem, sau đó đuổi chém... Dù là nguồn gốc nào, việc chém giữa sân đình như hiện nay đều là sắp đặt sau này, thẩm mỹ không có, truyền thống cũng không phù hợp.
Ông Hoàng Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.
Dư luận vẫn quan tâm tới Quy hoạch tổng thể lễ hội giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030. Liệu ý tưởng giảm tần suất tổ chức lễ hội và giao cho địa phương kiểm soát quy mô lễ hội có khả thi không, bởi rõ ràng địa phương nào cũng muốn hoành tráng?
Việc mở rộng quy mô lễ hội như đánh giá của một số nhà khoa học, nhà nghiên cứu là nhu cầu, thậm chí động cơ của những người đứng ra tổ chức. Bộ được Thủ tướng giao nghiên cứu đề xuất quy hoạch lễ hội, Bộ sẽ tham mưu theo hướng trả lại tính thiêng, nét đẹp văn hóa, giá trị truyền thống cần bảo tồn của lễ hội, loại bỏ những hành vi và biểu hiện không còn phù hợp. Tham mưu theo hướng giảm tần suất tổ chức lễ hội vào năm chẵn 5 năm, 10 năm tổ chức lớn, năm lẻ thường kỳ quy mô nhỏ, hạn hẹp, giới hạn trong làng, xã, tránh việc tổ chức không tốt đến khi xảy ra chuyện lại đùn đẩy.
Tôi nghĩ Quy hoạch lễ hội cần chỉ ra được những lễ hội nào cần lược bớt hoặc bỏ một phần, hoặc tách biệt những công đoạn không để người dân tham gia. Lễ hội hiến sinh chẳng hạn, không nên để người dân thấy những hình ảnh không đẹp. Tôi hy vọng sau khi lấy ý kiến đầy đủ và có sự đồng thuận, căn cứ vào quy hoạch này Bộ tham mưu để trình Thủ tướng quyết định lập lại trật tự lễ hội- nơi vui chơi giải trí của người dân, giữ lại những giá trị tốt đẹp, chứ không phải là nơi tranh cướp máu me như thế.
Một trong những điểm mới của mùa lễ hội này là Bộ ban hành bộ tiêu chí để chấm điểm. Bộ trưởng thấy sao khi đa phần mọi người đều cho rằng chấm điểm chỉ mang tính hình thức?
Nói là mang tính hình thức chỉ là cách suy diễn, còn đã đưa tiêu chí là căn cứ trên nội dung tổ chức lễ hội của các tỉnh/thành. Trong số này có tiêu chí do cơ quan báo chí đánh giá, có cả hội đồng chấm điểm bình xét. Trên cơ sở đó, những tỉnh/thành nào vi phạm tiêu chí đó sẽ bị trừ điểm, cắt thi đua khen thưởng.
Cụ thể hội đồng chấm gồm những thành phần nào? Bộ có tiêu chí nào để kiểm soát các địa phương trong quá trình tự chấm điểm?
Hội đồng gồm các nhà chuyên môn, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, những người tham gia trực tiếp lễ hội và chắc chắn có ý kiến của một số đại diện phóng viên để kết quả đánh giá khách quan.
Địa phương tự chấm điểm chỉ là kênh thông tin để hội đồng sau này cân nhắc, đánh giá, vì chẳng địa phương nào tự nhận mình kém, hạ thấp mình. Báo cáo của địa phương, địa phương tự chấm điểm cũng là cách biết năng lực quản lý nhà nước về lễ hội của từng địa phương, xem tính trung thực của từng nơi. Trong một thế giới phẳng, không phải ai nói gì ta cũng tin hết, phải biết nghe nhiều kênh thông tin.
Với những địa phương tổ chức lễ hội không tốt, đạt điểm không cao chỉ có thể đánh vào thi đua hay còn những hình thức nào mạnh tay hơn, thưa Bộ trưởng?
Nhẹ hay nặng là vấn đề nhận thức. Tôi biết có những người chỉ nhắc nhẹ đã cảm thấy xấu hổ lắm rồi, có những người thậm chí bị xử phạt vẫn trơ ra.
Đối với công tác quản lý nhà nước mà cắt thi đua khen thưởng cũng không hề nhẹ đâu. Ai cũng có lòng tự trọng, không ai muốn tổn thương và bị đánh giá kém. Chúng ta có thể yên tâm, vì tưởng là hình phạt nhẹ, nhưng không hề nhẹ. Một vài địa phương bị báo chí nước ngoài đánh giá năng lực, môi trường đầu tư kém mà đã xôn xao rồi. Hơn nữa, nhận thức là cả quá trình, tôi nghĩ không thể cầu toàn ngay lập tức. Không phải ai cũng có tâm thế, chuẩn bị điều kiện tốt ngay, nên mọi hình phạt đều hướng đến răn đe, giáo dục, nhắc nhở. Nhất là cơ quan văn hóa thì khen, chê thưởng phạt phải có văn hóa, để mọi người tâm phục khẩu phục. Mọi đánh giá cần có quy trình, đúng căn cứ quy định nhà nước. Đúng là nhiều tình huống bức xúc thật, nhưng không phải cứ xử như chúng ta mong muốn, mà cần tuân theo pháp luật.
Cảm ơn Bộ trưởng!
Thanh tra Bộ khá tích cực kiểm tra lễ hội, dù năm nay giao phần lớn cho địa phương chủ động. Có vẻ chúng ta xử lý không được bao nhiêu vi phạm trong lễ hội, dù thực tế bày ra nhiều mặt trái. Bộ trưởng thấy sao về điều này?
Mọi hình thức răn đe đều hướng đến giáo dục, thay đổi theo hướng tốt hơn. Những đoàn thanh tra đi không phải cứ đi là xử phạt, có hành vi chỉ dừng lại ở nhắc nhở, để họ thay đổi làm tốt hơn. Chẳng ai mong muốn thanh tra cứ phạt thật nhiều, như thế thành ra xã hội bất ổn nhiều.