Sẽ có tiêu chí loại bỏ lễ hội không phù hợp

Chỉ nên giữ những lễ hội có giá trị văn hóa, nhân văn. Ảnh: Như Ý.
Chỉ nên giữ những lễ hội có giá trị văn hóa, nhân văn. Ảnh: Như Ý.
TP - Sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến nên bỏ lễ hội không phù hợp, TS Phan Đình Tân người phát ngôn, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) trao đổi với phóng viên Tiền Phong, sẽ có tiêu chí cụ thể.

Thủ tướng giao Bộ VH-TT&DL phối hợp các bộ, ngành chức năng, chính quyền địa phương làm rõ lễ hội nào không phù hợp, tiêu cực, lạc hậu để dần loại bỏ. Bộ có đưa ra những tiêu chí cụ thể, thưa ông?

Tiêu chí của lễ hội phải có tính giá trị về văn hóa, những lễ hội như chém lợn, đâm trâu, chạy lợn, cầu trâu cần phải xem xét lại.

Những lễ hội này nằm trong bối cảnh nào đó thì có thể chấp nhận được, chẳng hạn là nghi lễ, thủ tục thờ cúng thôi và hạn chế tối đa số người tham gia. Không phải để đưa ra giữa sân đình cho hàng trăm người chứng kiến cảnh đầu rơi máu chảy, nó không phù hợp với đất nước Việt Nam thanh bình, mến khách.

Trên cơ sở Thủ tướng giao Bộ VH-TT&DL phối hợp bộ ngành khác, hiện, bộ trưởng giao cơ quan chức năng rà soát toàn bộ, nghiên cứu truyền thống lễ hội, nguồn gốc để tham mưu, phối hợp với địa phương. Sau khi nghiên cứu sẽ tổ chức hội nghị, hội thảo để đánh giá lại thực chất lễ hội, cái gì cần giữ, cái gì nên bỏ. Sau mùa lễ hội này, chúng tôi sẽ lấy ý kiến của các nhà khoa học, nghiên cứu và có tiêu chí cụ thể.

Tôi đã nói rồi, thực hành nghi lễ phải là những người chuẩn mực, được tôn trọng, tiêu chí khắt khe. Đồng ý lễ hội phải đông người, nhưng đông người trong trật tự, có văn hóa khác đông người lộn xộn với khuôn mặt dữ tợn, cầm vũ khí lạnh đứng giữa đám đông.

Sẽ có tiêu chí loại bỏ lễ hội không phù hợp ảnh 1

TS Phan Đình Tân.

Ông có biết lễ cầu trâu (dùng vồ đập trâu tới chết) ở Phú Thọ? Thời gian qua nhiều nhà nghiên cứu, giáo sư tiến sĩ vẫn ủng hộ những lễ hội kiểu như thế, ủng hộ chém lợn. Quan điểm của ông thì sao?

“Trong xu thế hội nhập, chúng ta phải điều chỉnh rất nhiều. Có những điều khi xã hội lạc hậu chúng ta làm, thì nay không nên. Văn minh là chuẩn mực của lối sống. Văn hóa có thể khác nhau, nhưng văn hóa là sinh hoạt dựa trên đặc thù địa lý và trên hình thái của kinh tế xã hội quyết định, còn văn minh là sự thống nhất”.

TS Phan Đình Tân

Xem một số hình ảnh, clip tôi thấy thực sự đây là cách đối xử ác với con vật. Nhiều nước nông nghiệp khác còn tôn thờ chứ không hành hạ con trâu, nước ta nông nghiệp coi “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Lễ hội này không có ý nghĩa giáo dục,  giá trị gì cả, hoàn toàn vắng bóng yếu tố văn hóa, chỉ thấy tàn bạo. 

Một số nhà nghiên cứu ủng hộ, nhưng cũng nhiều người đồng ý phải bỏ. Nếu muốn thực hành nghi lễ đó thì phải có sự điều chỉnh như hạn chế người tham gia, xem như vẫn làm nghi lễ hiến sinh để tưởng nhớ, nhưng không làm ở nơi đông người, có những công đoạn cần phải loại bỏ, có cái cần khu biệt.

Chặt đầu lợn máu me be bét giữa thanh thiên bạch nhật ở sân đình hết sức phản cảm. Bộ không khuyến khích những hình ảnh như thế tái diễn ở đất nước thanh bình. Hình ảnh máu me như thế không gợi điều gì tốt đẹp cả. Ở góc độ nào đó, tôi cũng là nhà khoa học nghiên cứu trong lĩnh vực này, tôi không ủng hộ giữ hủ tục. Không thiếu những hình thức sinh hoạt cộng đồng vui vẻ, khuyến khích trí tuệ, sức khỏe. Còn bạo lực trong lễ hội dù ở hình thức nào cũng nên loại bỏ.

Về Ném Thượng hôm chém lợn, chúng tôi nghe đông đảo người dân nói “phép vua thua lệ làng, sang năm vẫn chém”, nghĩa là chúng ta bó tay?

Cơ quan hành chính ra mệnh lệnh hành chính cần có sự cộng hưởng, đồng thuận, nhưng một khi thấy nguy hiểm, ảnh hưởng đến an ninh, uy tín quốc gia thì cấp trên có thể chỉ đạo dừng hoặc cấm! Cộng đồng ở đó không thể bằng cộng đồng những người còn lại.

Trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL từng nói lễ hội mang tính chất tàn bạo, hủ tục cần loại bỏ, chỉ giữ lại tiêu chí văn hóa, giá trị nhân văn. Quan điểm của Bộ rất rõ ràng, nhưng để thận trọng và có sự hưởng ứng của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhân dân, Bộ sẽ lấy ý kiến rộng rãi trước khi tham mưu chính xác cho Chính phủ.

Thời gian qua, chúng ta trót phục dựng quá nhiều lễ hội. Chẳng lẽ đâm lao phải theo lao, lỡ làm sống lại thì cứ phải khăng khăng giữ lấy?

Đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần của nhân dân là trách nhiệm của nhà nước, chính quyền các cấp. Người ta có nhu cầu về lễ hội lành mạnh, lúc đưa ra các tiêu chí phục dựng nêu toàn tiêu chí văn hóa, không có lễ hội kiểu chém lợn. Lễ hội này cũng không phải tầm quốc gia, không có chuyện xin phép Bộ mà hoàn toàn do địa phương, cần kiểm tra lại.

Riêng Hội Gióng ở đền Sóc được công nhận di sản thế giới, nhưng trong tiêu chí lễ hội không có cướp bạo lực, bặm trợn như vậy. Chẳng ai phục dựng những thứ phi văn hóa thế cả. Tôi cho rằng, không phải do phục dựng tràn lan, mà do quản lý của chính quyền địa phương có vấn đề. Chính quyền địa phương, ban tổ chức không quản lý được sẽ phải chịu trách nhiệm trước tiên.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.