Ông Tuấn nói: Sau khi có kết quả thanh tra và sau khi báo chí đăng tải, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo chúng tôi phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan xây dựng văn bản để chỉ đạo xuống các đơn vị, cơ sở y tế, yêu cầu thực hiện nghiêm túc vấn đề này. Văn bản sẽ chỉ rõ trách nhiệm của các cơ sở y tế trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm định, hiệu chuẩn bảo đảm chất lượng trang thiết bị y tế. Hướng dẫn việc sử dụng nguồn thu, kinh phí để thực hiện công tác này.
Cho đến nay có thể nói bước đầu cơ chế đã có để thực hiện kiểm định. Bây giờ cơ chế đã có, giám đốc các bệnh viện, người đứng đầu cơ sở y tế phải nhận thức trong việc chỉ đạo, bố trí kinh phí đầu tư cho trang thiết bị, quản lý sử dụng và sửa chữa bảo dưỡng kiểm định định kỳ theo quy định. Nếu không làm tốt công tác này, Thanh tra Bộ Y tế, Bộ KH&CN có quyền kiểm tra xử phạt và mạnh hơn nữa có thể đình chỉ hoạt động để khắc phục hậu quả. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp Bộ KH&CN có biện pháp kiểm tra chấn chỉnh các cơ sở vi phạm, thực hiện tốt các quy định về pháp luật trong quản lý trang thiết bị tế.
Trách nhiệm thuộc về đơn vị sử dụng, quản lý
Thanh tra Bộ KH&CN vừa công bố kết quả thanh tra đo lường một số thiết bị y tế như nhiệt kế, huyết áp kế, máy điện tim, máy điện não, máy chụp X-quang. Kết quả cho thấy, hàng loạt thiết bị không được kiểm định. Có địa phương kiểm tra 49 huyết áp kế thì có tới 17 huyết áp kế có sai số vượt mức cho phép. Ông đánh giá như thế nào về kết quả trên? Trách nhiệm thuộc về ai?
Trang thiết bị y tế là hàng hóa đặc biệt, muốn sử dụng tốt hay không, ngoài vấn đề đảm bảo chất lượng khi mua về còn phải đảm bảo sử dụng, vận hành đúng quy định, thường xuyên bảo hành,
kiểm định.
“Trang thiết bị y tế là một trong ba yếu tố quyết định đến việc khám chữa bệnh hiện nay cùng với yếu tố thuốc và con người. Chính vì vậy, việc thiết bị y tế không đảm bảo tiêu chuẩn thì rõ ràng ảnh hưởng đến chẩn đoán và điều trị bệnh. Về việc này, Bộ Y tế phối hợp với các đơn vị chức năng chấn chỉnh, làm tốt theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế”.
Ông Nguyễn Minh Tuấn
Việc kiểm định các trang thiết bị y tế, Thông tư 23 năm 2013 của Bộ KH&CN quy định, trách nhiệm của các cơ sở sử dụng phương tiện đo (ở đây là các bệnh viện, cơ sở y tế) phải thực hiện kiểm định định kỳ, kiểm định sau sửa chữa với các thiết bị đo (ở đây là huyết áp kế, máy điện tim, điện não, nhiệt kế, máy chụp X-quang). Việc nhiều phương tiện không được kiểm định theo kết quả thanh tra, trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ sở sử dụng phương tiện đo là bệnh viện, cơ sở y tế. Ở đây trách nhiệm cụ thể thuộc về lãnh đạo các cơ sở này bởi Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước quy định, người đứng đầu cơ sở có trách nhiệm trong việc mua sắm trang thiết bị, tổ chức sử dụng quản lý, kiểm tra, kiểm định sản phẩm.
Tuy nhiên các bệnh viện, cơ sở y tế cũng có cái khó trong triển khai thực hiện. Hiện đã có cơ chế cho việc sử dụng kinh phí để làm công tác kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị y tế nhưng nhiều nơi kinh phí hạn hẹp và phải ưu tiên cho nhiệm
vụ khác.
Với kết quả thanh tra, chúng tôi không bất ngờ lắm vì điều kiện, khả năng ở mỗi đơn vị, khu vực khác nhau. Nếu thanh tra ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng thì tỷ lệ vi phạm về kiểm định sẽ thấp hơn nhiều. Đối với vùng sâu, vùng xa kinh phí ngặt nghèo hơn và nhiều nơi hệ thống kiểm định, kiểm chuẩn cũng còn thiếu, chưa với tới được.
Ông Nguyễn Minh Tuấn.
Vậy, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế, Bộ Y tế có trách nhiệm như thế nào trong việc để xảy ra tình trạng trên?Bộ Y tế là cơ quan quản lý nhà nước, có trách nhiệm ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và điều hành thực hiện. Việc thực hiện theo phân cấp thuộc về các cơ sở y tế và chính quyền địa phương nơi có cơ sở y tế, chứ một mình Bộ Y tế không làm hết được.
Về việc quản lý, đảm bảo chất lượng trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đã có Chỉ thị 01 của Bộ trưởng Bộ Y tế, cũng có nhiều công văn chỉ đạo các cơ sở y tế, rồi tổ chức các lớp tập huấn về quản lý trong lĩnh vực khai thác, sử dụng trang thiết bị y tế. Bộ Y tế cũng đã phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định 85 xây dựng cơ chế để các bệnh viện có nguồn kinh phí thực hiện công tác này.
Vấn đề giám sát hiện nay, theo phân công giao thanh tra Bộ Y tế, thanh tra Bộ KH&CN, thanh tra tại các địa phương, sở y tế thực hiện.
Khả năng kiểm định hạn chế
Hiện nay chúng ta có đủ khả năng để kiểm định các trang thiết bị y tế theo yêu cầu hay không?
Đây là vấn đề rất lớn. Từ lâu chúng tôi đã đề xuất về việc hình thành các cơ sở kiểm định, đảm bảo trang thiết bị y tế. Các cơ sở này phải bao gồm các thiết bị đạt chuẩn, có độ chính xác gấp nhiều lần so với thiết bị được kiểm chuẩn, con người phải được đào tạo bài bản và được công nhận. Ngoài ra phải xây dựng được các quy trình kiểm chuẩn, kiểm định. Muốn vậy cần phải có sự quan tâm đầu tư kinh phí và đào tạo con người để thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi đang gặp khó khăn về kinh phí thực hiện.
Quay trở lại vai trò của Bộ KH&CN, chúng tôi cũng có mong muốn và kiến nghị Bộ KH&CN đề xuất nhà nước đầu tư các trung tâm kiểm định, kiểm chuẩn trang thiết bị y tế đạt tiêu chuẩn. Hiện nay công tác này vẫn phối hợp với các trung tâm kiểm định của các Tổng cục và Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Với Bộ Y tế, trách nhiệm kiểm định, kiểm tra thiết bị y tế giao cho một trung tâm của Viện Trang thiết bị và Công trình y tế nhưng từng ấy là chưa đủ. Quan điểm của chúng tôi là Nhà nước đứng ra đầu tư các cơ sở trung tâm kiểm định chất lượng lớn và xây dựng chính sách cơ chế để trên cơ sở đó sẽ tiến tới xã hội hóa cho các đơn vị đủ điều kiện trong công tác hiệu chuẩn, sửa chữa bảo dưỡng trang thiết bị y tế. Ít nhất phải có ba trung tâm như thế. Quan trọng nữa là phải tạo ra khung pháp lý. Đầu tiên là nhà nước làm nhưng sau đó có thể cho các đơn vị xã hội hóa. Đó là chủ trương chúng tôi hướng đến nhưng phải có thời gian và sự quan tâm đầu tư thích đáng.
Cảm ơn ông.