Hai yếu tố gây nên sự bức xúc này.
Thứ nhất đó là do y đức. Đạo đức của các lương y xuống cấp,
nạn phong bao phong bì gần như phổ biến, tràn lan. Người bệnh từ nghèo đến giàu phần lớn đều cần phong bì bôi trơn để có giường nằm điều trị tưom tất, để sẵn sàng có y bác sĩ trình độ cao chăm sóc, thăm khám, để sẵn sàng chuyển tuyến khi có sự cố, và để cả “nâng khăn sửa túi”, ngay cả mũi tiêm cũng không làm đau người bệnh. Những người không lấp ló cái phong bì ma thuật kia, thì được hẹn câu giờ, bị hành xác, bị quát, mắng, hạch sách đủ thứ. Y đức đang xuống cấp. Sự thật đó đã được nhiều quan chức trong và ngoài ngành thừa nhận.
Thứ hai là do y thuật. Không hiếm những trường hợp người nhà bệnh nhân vây, quây, hành hung y bác sỹ, hộ lí. Nhiều vụ họ diễu quan tài nạn nhân quanh cổng bệnh viện gây sức ép. Có không ít trường hợp bệnh nhân tử vong tức tưởi, oan ức. Nhiều người bị tật suốt đời vì bệnh một đằng chẩn một nẻo. Những câu chuyện tưởng như tiếu lâm thời hiện đại: Gãy chân phải bó bột chân trái; viêm họng chẩn viêm tiết niệu; u tử cung cắt luôn buồng trứng; u buồng trứng cắt luôn thận…Y thuật của đội ngũ cán bộ chăm sóc sức khỏe người dân đang có vấn đề cũng được không ít hội nghị, hội thảo đề cập.
Ngoài hai yếu tố trên còn có yếu tố nào gây nên sự bức xúc, mất lòng tin của dân chúng đối với ngành y nữa không?
Mới đây, Thanh tra Bộ Khoa học và công nghệ đã công bố kết quả thanh tra chuyên đề về đo lường đối với một số thiết bị y tế như máy đo điện tim, máy đo điện não, nhiệt kế, huyết áp kế... Kết quả thanh tra công bố khiến dư luận không khỏi rùng mình. Trong tổng số 1.493 cơ sở y tế được thanh tra, có tới 385 cơ sở có vi phạm (25,8%). Trong 13.437 thiết bị y tế được kiểm tra, có 3.597 thiết bị vi phạm (26,8%). Đáng quan ngại là những thiết bị vi phạm này có vai trò rất quan trọng trong quy trình thăm khám ban đầu tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Không rùng mình sao được khi có địa phương kiểm tra 331 thiết bị y tế gồm huyết áp kế, máy đo điện tim, máy đo điện não và cân sức khỏe , có tới 327 thiết bị hết hiệu lực kiểm định (99%). Thậm chí, 17/49 huyết áp kế có sai số vượt mức cho phép. Nhiều địa phương, 100% thiết bị y tế được kiểm tra đều phát hiện sai số… Điều gì sẽ xảy ra, nếu các thông số mà thiết bị y tế này cung cấp cho các y, bác sĩ dùng làm cơ sở thăm khám, ra phác đồ điều trị cho bênh nhân, dẫu các bác sĩ sáng về đức, vững về nghề?
Sẽ không thể lường hết hậu quả nếu các thiết bị hỗ trợ vốn là đồ từ hàng đồng nát, hay hết hạn được mông má, tút tát lại. Đã có cơ quan chuyên trách và chức năng nào làm cuộc kiểm tra, thanh tra, khảo sát trong hàng trăm, hàng ngàn cái chết của bệnh nhân, có cái chết nào oan ức, tức tưởi, là nạn nhân của những thiết bị không đạt chuẩn ấy. Có lẽ là chưa!
Điều mà dư luận mấy ngày qua đặt câu hỏi, ngành y tế đang ở đâu trong chuyện này, sao họ không lên tiếng. Hay chuyện đá bóng thổi còi bấy nay, việc lên tiếng cũng “mắc quai” lắm thay.
Mới hay, người bệnh thời nay, chỉ mới điểm qua đã lộ “tam diện mai phục” rồi. Không lẽ cửa thứ tư, cuối cùng lại là cửa tử?.