“Đường đắt nhất hành tinh” bị phá kỷ lục
Được khởi công và xây dựng cách đây gần 20 năm nay, nhưng hiện dự án đường Vành đai 1 vẫn đang bị cụt ở đoạn giao với đường Hoàng Cầu.
Toàn tuyến đường Vành đai 1 chỉ duy nhất đoạn từ Hoàng Cầu đến Voi Phục (Cầu Giấy) dài 2,2km là chưa giải phóng được mặt bằng để thi công hoàn thiện tuyến đường. Để có cơ chế phù hợp với thực tế, thúc đẩy dự án triển khai sớm hoàn thành, năm 2018 thành phố Hà Nội xin chủ trương của Chính phủ tách, lập dự án độc lập cho đoạn đường hơn 2 km này.
Theo đó, chỉ dài có 2,2 km nhưng theo Quyết định đầu tư số 5757 năm 2018 của UBND thành phố Hà Nội, tuyến đường có tổng mức đầu tư 7.200 tỷ đồng, với mức tiền này hiện tuyến đường Hoàng Cầu - Voi Phục đang có suất đầu tư cao nhất tại Hà Nội với 3,2 tỷ đồng/mét. Mức đầu tư này cũng khiến dự án phá kỷ lục (tăng gần gấp 3 lần) suất đầu tư 1,2 tỷ đồng/mét tại dự án thi công “đường đắt nhất hành tinh” đoạn Kim Liên - Hoàng Cầu trước đó.
Tuy vậy, đến nay nhiều hộ dân ở quận Đống Đa nằm trong phạm vi dự dự án vẫn chưa chịu di dời, khiến dự án vẫn chưa thể khởi công.
Đại diện Thành ủy Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội đã lên kế hoạch bố trí hơn 20.800 tỷ đồng cho 7 tuyến đường vành đai trong giai đoạn 2021 - 2025.
Tương tự, tuyến đường Vành đai 3,5 được kỳ vọng sẽ giảm tải cho đường Vành đai 3 đang bị quá tải đến hơn 4 lần lưu lượng xe. Hiện đoạn Phúc La (Hà Đông) đi cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - cầu Ngọc Hồi mặt bằng phần lớn là đồng ruộng, không gặp nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tuy nhiên gần 10 năm qua, do sự bùng nhùng giữa việc lựa chọn đầu tư đoạn đường này theo hình thức BT, BOT hay ngân sách vẫn chưa ngã ngũ dẫn đến dự án đường Vành đai 3,5 tại đây bị treo.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn từ 2010 đến 2020 thành phố Hà Nội sẽ xây dựng 7 dự án đường vành đai. Các dự án này bao gồm: Vành đai 1; Vành đai 2; Vành đai 2,5; Vành đai 3; Vành đai 3,5; Vành đai 4; Vành đai 5. Tuy nhiên, theo khảo sát của PV Tiền Phong, đến nay chưa có dự án đường vành đai nào tại Hà Nội đươc thực hiện xong, công trường thi công còn gây ùn tắc giao thông; Vành đai 4, Vành đai 5 chưa khởi công.
Thi công chậm, chưa theo kịp sự phát triển
Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong 7 tuyến đường vành đai theo quy hoạch thì có 5 tuyến đường vành đai đô thị và 2 tuyến đường vành đai liên vùng (Vành đai 4, Vành đai 5). Đề cập đến tiến độ các dự án này, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, đối với 5 tuyến vành đai đô thị (từ Vành đai 1 đến Vành đai 3,5), hiện mới cơ bản khép kín được tuyến Vành đai 2 đi bằng (dự án đang thi công đường trên cao đoạn Ngã Tư Vọng - Vĩnh Tuy - PV); 4 tuyến còn lại đã và đang được đầu tư hình thành từng đoạn.
Cụ thể, Vành đai 1, hiện chỉ còn đoạn: Hoàng Cầu - Voi Phục; Vành đai 2,5, hiện còn 3 đoạn: Khu đô thị mới Dịch Vọng - đường Dương Đình Nghệ; Trung Kính - Trần Duy Hưng; Ngụy Như Kon Tum - Đầm Hồng; Vành đai 3, còn một đoạn: cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Quang Minh; Vành đai 3,5, hiện còn nút giao với Đại Lộ Thăng Long và 4 đoạn tuyến: cầu Thượng Cát - Quốc lộ 32, Phúc La - Văn Phú - cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - cầu Ngọc Hồi, Bắc cầu Thượng Cát đến đường nối Vành đai 3, Vành đai 4.
Với tiến độ 2 tuyến vành đai liên vùng là Vành đai 4 và Vành đai 5, Sở GTVT Hà Nội cho biết, mới chỉ hình thành một số đoạn tuyến trên nền quốc lộ, cao tốc đã được xây dựng.
Nêu nguyên nhân tình trạng trên, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho rằng, cơ chế chính sách trong lĩnh vực đầu tư cũng như GPMB chưa ổn định, dự án bị điều chỉnh nhiều lần, dẫn đến kéo dài thời gian thi công. Trong bối cảnh đó, nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTVT luôn thiếu so với nhu cầu, đặc biệt Luật Đầu tư công được ra đời đã làm cho hình thức huy động vốn từ hình thức PPP gặp khó khăn; các dự án đường vành đai thường trải dài theo tuyến, khối lượng GPMB lớn, số lượng người tái định cư nhiều để tạo sự đồng thuận, ủng hộ mất nhiều thời gian...
Đánh giá về việc thực hiện các dự án giao thông theo quy hoạch, Ban cán sự Thành ủy Hà Nội vừa họp và ra thông báo: Tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông còn chậm; Mạng lưới các tuyến đường giao thông thuộc hệ thống hạ tầng khung vẫn chưa hình thành đồng bộ theo quy hoạch. Đại diện Thành ủy Hà Nội khẳng định, các chỉ tiêu chủ yếu về giao thông theo quy hoạch vẫn chưa đạt được, dẫn đến phát triển hạ tầng giao thông chưa theo kịp với sự phát triển của đô thị.