Hà Nội: Đường Vành đai 4 rộng 120 mét sẽ có 2 tầng như đường Vành đai 3?

0:00 / 0:00
0:00
Hà Nội đang đề xuất phương án xây dựng đường Vành đai 4 có hai tầng như Vành đai 3
Hà Nội đang đề xuất phương án xây dựng đường Vành đai 4 có hai tầng như Vành đai 3
TPO - Theo tìm hiểu của Tiền Phong, thành phố Hà Nội đang đề xuất nghiên cứu thêm phương án quy hoạch phần đường cao tốc đường Vành đai 4 xây dựng trên cầu cạn, tương tự phương án đầu tư của tuyến đường Vành đai 3 hiện nay.

Theo các đồ án quy hoạch liên quan đã được Thủ tướng phê duyệt, đường Vành đai 4 và Vành đai 5 được xác định là tuyến vành đai giao thông đối ngoại có tính chất kết nối liên vùng thuộc Vùng Thủ đô và được khép kín theo tiêu chuẩn đường cao tốc để kết nối các cao tốc, quốc lộ hướng tâm để phát huy hiệu quả các tuyến đường này; góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực đô thị trung tâm của Thủ đô Hà Nội và tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng.

Theo quy hoạch, đối với tuyến đường vành đai 4, dự kiến tổng chiều dài tuyến khoảng 98km, đi qua 3 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Quy mô đường cao tốc, Bn =120 mét, gồm đường bên và dự trữ hạ tầng kỹ thuật.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, chiều dài đi qua Hà Nội khoảng 54km, đi qua 7 quận, huyện gồm Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín, Hà Đông. Quy mô mặt cắt ngang gồm 6 làn xe cao tốc có đường song hành hai bên, mặt cắt ngang điển hình từ 100 – 120 mét. Dự kiến cũng có khoảng 21 nút giao chính.

Được biết, thành phố Hà Nội mong muốn giải phóng mặt bằng một lần theo đúng chỉ giới đường dỏ (B=120m); đầu tư nối thông toàn tuyến không chia nhỏ thành các đoạn để đầu tư nhằm đảm bảo tính kết nối; cần có một cơ quan, đơn vị đứng ra chủ trì đầu tư toàn tuyến để đảm bảo khớp nối đồng bộ về quy mô cũng như các yếu tố kỹ thuật đồng nhất trên toàn tuyến.

Thành phố cũng đề xuất nghiên cứu thêm phương án quy hoạch phần đường cao tốc xây dựng trên cầu cạn thay cho việc đi dưới bằng hiện nay (với quy mô cầu đáp ứng cao tốc 4 – 6 làn xe) tương tự phương án đầu tư của tuyến đường Vành đai 3 hiện nay.

Theo thành phố Hà Nội, việc đưa làn cao tốc đi trên cao sẽ giải quyết được cơ bản được các giao cắt cùng mức đối với các tuyến đường khác (vì qua rà soát sơ bộ có khoảng 21 nút giao với các tuyến đường trục chính quan trọng). Thứ hai, sẽ tận dụng được không gian mặt đất dưới gầm cầu cạn để làm đường giao thông, phục vụ giao thông đi lại. Thứ ba, đảm bảo kết nối giao thông 2 bên tuyến đường Vành đai 4. Thứ 4, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác sử dụng quỹ đất các khu vực hai bên đường.

Qua rà soát, tính toán dự kiến sơ bộ, để đầu tư toàn tuyến Vành đai 4 (98km) theo phương án cao tốc đi bằng, tổng kinh phí khoảng 105 nghìn tỷ đồng. Nếu theo phương án cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến giống như đường Vành đai 3 hiện nay, khoảng 135.000 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.