Vấn đề không phải là tần suất xuất hiện của từ này nhiều đến kinh ngạc mà là nó luôn đi liền với cụm từ “bữa ăn con trẻ”.
Không giật mình sao được khi người lớn đang mải miết hướng về những vấn đề vĩ mô, những quyết sách, chiến lược lớn lao như lạm phát, bất động sản chứng khoán, giá vàng, tái cơ cấu… nhiều lĩnh vực kinh tế với nguồn tiền hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng, thì phía xa sau, có khi cận kề lưng họ là con, là cháu, là thế hệ mầm non tương lai đang rất thực tế tính giá từng bữa ăn bán trú nên 7.000 đồng hay 8.000 đồng.
Những bà mẹ hiền vã mồ hôi đôn đáo ngược xuôi nát óc toan tính làm sao với đồng tiền eo hẹp ấy mà vẫn đảm bảo cho các cháu đủ định lượng và dinh dưỡng. Bài toán này quả là hóc búa! Hóc búa vì lẽ, tưởng có nhiều lời giải, cách giải nhưng cuối cùng nó bị quy về một ẩn số mà nếu chỉ riêng các bà, các chị bảo mẫu không thể nào giải được.
Họ đành giải từng phần của bài toán khó. Ngược xuôi tìm nguồn thực phẩm giá rẻ; năn nỉ phụ huynh thêm tiền, vận động doanh nghiệp chung tay phụ giúp… Những phép giải đơn lẻ ấy chỉ có thể giúp cho từ teo tóp đỡ teo tóp hơn, chứ chưa thể thay đổi nó thành đảm bảo và phong phú được.
Ngậm ngùi thay, những lớp trẻ bán trú nông thôn, phụ huynh khi đưa gửi con gửi kèm thêm một ít khoai và sắn. Khắc khoải thay, ngay nhiều lớp học ở đô thị bàn định suất ăn cho các cháu chỉ thêm 1.000 đồng thôi mà phải qua nhiều phiên họp để rồi, cái ngưỡng 1.000 đã loại hàng chục em không vượt nổi đành phải rời lớp về nhà.
Cũng là những đứa trẻ-Búp trên cành ở phố, nhiều em được hưởng 3 bữa, có nơi 5 bữa với 25-30 ngàn đồng trong một ngày bán trú. Trong khi đó, cũng có nhiều em với chỉ 10-12 ngàn đồng chật vật, toan tính nên phân bổ thành một hay hai bữa ăn?
Thông điệp bữa ăn của các em teo tóp dần, nó luôn tỉ lệ nghịch với lạm phát, có lẽ thanh âm ấy không đủ lớn, không đủ vang để người lớn ngoái nhìn? Hoặc giả, người lớn đang miệt mài với những đối sách kìm hãm lạm phát và hy vọng cặp nhân quả tất yếu ngược lại. Thế chăng? Dù sao thì trong tất cả chúng ta đọng lại dấu lặng, rằng, tại sao sự teo tóp ấy lại rơi vào con trẻ?
Chúng ta đang ở đỉnh của tỉ lệ dân số vàng. Nhưng chất lượng dân số đang báo động. Đó là thể chất, là chiều cao, cân nặng, là suy dinh dưỡng, béo phì, là mù chữ và tái mù chữ… Nguyên nhân thì nhiều, nhưng, có lẽ trước hết, cụ thể từ chất lượng trên từng bữa ăn trong ngày bán trú.
Sinh thời Bác Hồ từng nói: “Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan”. Lời căn dặn ấy vừa cụ thể, vừa thiết thực vừa là chiến lược cho một quốc gia muốn hưng thịnh.