Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng: Phải di dời khoảng 1.500 hộ dân

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, KTS Lưu Quang Huy, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt sẽ là cơ sở để chính quyền địa phương tiến hành cải tạo, chỉnh trang bộ mặt đô thị ven sông, kết nối hai bên bờ sông Hồng, tạo động lực phát triển cho thành phố.

Thưa ông, sau hàng chục năm chờ đợi, mới đây, thành phố Hà Nội đã cơ bản hoàn thiện đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Là đơn vị nghiên cứu, xây dựng đồ án, ông có thể chia sẻ thông tin về quy hoạch này?

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng khi nghiên cứu được dựa trên nền tảng cơ bản là định hướng của hai quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đó là: Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, và Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình tại Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/02/2016.

Một quy hoạch định hướng về tổ chức không gian và sử dụng đất, một quy hoạch về hệ thống đê điều, thoát lũ, đảm bảo an toàn cho khu vực. Ngoài ra, chúng tôi cũng phải rà soát thực trạng dân cư, các quỹ đất ở hai bên bờ sông, lồng ghép các quy hoạch chuyên ngành,… để đưa ra những giải pháp quy hoạch hợp lý nhất.

Về cơ bản, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng trải dài khoảng 40km dọc theo sông Hồng, đi qua địa bàn của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện, với quy mô diện tích khoảng 11.000ha (trong đó có khoảng 3.600ha mặt nước sông Hồng). Những định hướng chính của Quy hoạch này là: Đảm bảo hành lang, tuyến thoát lũ, bền vững đê điều, phù hợp Quy hoạch phòng chống lũ chi tiết và quy hoạch đê điều được duyệt;

Xây dựng hệ thống công viên cảnh quan, công viên văn hóa, công viên sinh thái, cây xanh cảnh quan, công trình văn hóa, vui chơi giải trí, nhà hàng, dịch vụ du lịch và các tiện ích đô thị phục vụ khu dân cư hiện hữu; Cải tạo khu khu dân cư hiện hữu, đảm bảo chất lượng sống khu dân cư hai bên sông; Di dời các khu nhà ở không an toàn và kém chất lượng ra bên ngoài hàng lang sông; Xây dựng các tuyến đường cảnh quan dọc hai bên sông phù hợp định hướng Quý hoạch chung Thủ đô, Luật Đê điều.

Trước đây, theo quy hoạch phòng chống lũ, có nhiều khu vực dân cư ven sông Hồng sẽ phải di dời để đảm bảo an toàn? Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng có xác định sẽ di dời bao nhiêu hộ dân không, thưa ông?

Trong quá trình nghiên cứu, về cơ bản đồ án tuân thủ theo Quyết định 257, tuy nhiên dựa trên điều kiện hiện trạng và định hướng của Quy hoạch chung Thủ đô cũng đề xuất bổ sung danh mục dân cư được tồn tại ở một số khu vực thuộc các quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, khu vực Bắc Cầu, Bồ Đề.

Các khu dân cư được tồn tại sẽ bố trí thêm hệ thống hạ tầng xã hội phục vụ cho cuộc sống của người dân, ví dụ như hệ thống trường học, nhà văn hóa, trạm y tế,… mở thêm một số tuyến đường giao thông nội bộ để người dân đi lại thuận tiện hơn. Hiện nay việc quản lý, cấp phép xây dựng của chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn vì quy hoạch chưa được duyệt. Sau khi Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt, sẽ là cơ sở để chính quyền địa phương triển khai các quy hoạch chi tiết, các dự án cụ thể, và là cơ sở để cấp phép xây dựng giúp cho người dân ổn định cuộc sống.

Về việc một số khu dân cư phải di dời để đảm bảo an toàn phòng chống lũ, Thành phố vẫn phải tuân thủ theo Quyết định 257 (khoảng 1500 hộ dân).

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn khi nói về Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng có nêu  khi có quy hoạch, thành phố sẽ quay mặt ra sông Hồng. Ông có thể trao đổi về vấn đề này?

Trước đây thành phố gần như quay lưng lại với sông Hồng vì chưa có quy hoạch nào ở hai bên sông cả. Hiện nay rất khó khăn cho chính quyền các địa phương khi quản lý các khu vực ven hai bên bờ sông Hồng, sinh ra tình trạng lấn chiếm, khai thác các quỹ đất ven sông không có kiểm soát, không thể triển khai các dự án để cải tạo chỉnh trang được.

Khi có quy hoạch, thành phố sẽ kêu gọi đầu tư, chính quyền các địa phương sẽ có cơ sở để sử dụng vốn ngân sách hoặc huy động các nguồn lực từ xã hội để tiến hành cải tạo, chỉnh trang hai bên bờ sông, lúc đó sông Hồng sẽ đẹp hơn, trở thành trung tâm của Thủ đô, kiến tạo một trục không gian cảnh quan xanh cho Thành phố.

Theo định hướng của Quy hoạch chung Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg, sẽ có 12 cầu bắc qua sông Hồng; Hiện trạng đang có 6 cây cầu, trong tương lai sẽ hình thành thêm 6 cầu nữa để kết nối bờ Bắc và bờ Nam sông Hồng, góp phần tạo động lực phát triển cho các khu vực đô thị cả hai bên sông Hồng, để Thủ đô Hà Nội sớm trở thành một thành phố "Xanh – Văn hiến – Văn minh – Hiện đại".

Xin cám ơn ông!

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.