Hiện thực hóa 'kỳ tích sông Hồng'

Hà Nội có bước tiến vượt bậc về quy hoạch nội đô lịch sử, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng Ảnh tư liệu
Hà Nội có bước tiến vượt bậc về quy hoạch nội đô lịch sử, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng Ảnh tư liệu
TP - “Trước đây, chúng ta hay nói là thành phố quay lưng với sông Hồng, tới đây sẽ quay mặt ra sông Hồng để kiến tạo giá trị của một trục không gian, hành lang xanh quan trọng”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn nói về Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. 

Thường trực Thành ủy Hà Nội vừa nghe Ban Cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội báo cáo đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử gồm 6 đồ án quy hoạch có ký hiệu H1-1 (A, B, C), H1-2, H1-3 và H1-4, tỷ lệ 1/2.000; cho ý kiến về quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn ngày 26/2 trao đổi với phóng viên báo chí quanh vấn đề này.

Ông có thể cho biết cụ thể hơn về các đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử vừa được báo cáo Thường trực Thành ủy Hà Nội?

Ngày 25/2, Ban cán sự Đảng UBND thành phố đã báo cáo Thường trực Thành ủy nội dung 6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử triển khai trên các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Ký hiệu các quy hoạch phân khu này là quy hoạch phân khu H1-1 (A,B,C) thuộc quận Hoàn Kiếm, H1-2 thuộc quận Ba Đình, H1-3 thuộc quận Đống Đa, H1-4 thuộc quận Hai Bà Trưng. Tổng thể 6 quy hoạch phân khu nội đô lịch sử quy mô trên 3.000ha, số dân quy hoạch dự kiến gần 700.000 người. Có thể nói 6 quy hoạch phân khu nội đô lịch sử là cực kỳ quan trọng.

Như vậy, sau gần 10 năm chờ đợi, mong mỏi, tập trung trí lực, chúng ta đã triển khai một khu vực quy hoạch có chức năng, vị thế vô cùng quan trọng trong nội đô lịch sử. Tất nhiên, đây là sự kế thừa của quá trình triển khai quy hoạch theo các thời kỳ xây dựng và phát triển đô thị mà đây là khu vực trung tâm. Ban Cán sự Đảng UBND thành phố đã báo cáo, Thường trực Thành ủy cũng cơ bản thống nhất nội dung thông qua. Trên cơ sở này, theo quy trình, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố sẽ báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy. 6 quy hoạch phân khu này đã đủ điều kiện pháp lý, nhận được sự ủng hộ của các bộ, ngành, như Bộ Xây dựng, Bộ VHTT&DL, dự kiến tháng 3/2021 sẽ phê duyệt.

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống đến nay như thế nào?

Với 2 quy hoạch phân khu này, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố cũng đã cơ bản hoàn thành các nội dung chủ yếu. Đây là 2 quy hoạch có tầm quan trọng rất lớn. Theo quy hoạch chung của Thủ đô, sông Hồng là một khu vực phát triển đô thị, là một hành lang xanh, mang tính chất không gian của đô thị trung tâm, kết nối phía Bắc sông Hồng và phía Nam sông Hồng, tạo ra những đặc thù, thành không gian riêng có, và đây cũng là nội dung cơ bản của quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội. Ngày 25/2, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố đã báo cáo Thường trực Thành ủy cho ý kiến, góp ý về các nội dung nghiên cứu về 2 quy hoạch này. Thường trực Thành ủy cơ bản đồng thuận định hướng, giải pháp về tổ chức không gian chức năng và hạ tầng của khu vực đặc biệt này.

Hiện thực hóa 'kỳ tích sông Hồng' ảnh 1 Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn.

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng thực hiện trong khu vực quy mô khoảng 40km, quỹ đất khoảng 11.000 ha. Đây là một khu vực phức tạp, có nhiều tồn tại do lịch sử để lại về quản lý đất đai xây dựng, vấn đề an sinh. Đặc biệt, mục tiêu số một của đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống phải đạt được chính là giải quyết tốt mục tiêu phòng chống lũ. Khó khăn trước đây cũng chính từ nội dung này.

Chúng ta phải đảm bảo một không gian thoát lũ tốt đối với đê cấp đặc biệt tả ngạn và hữu ngạn sông Hồng. Các chỉ tiêu kỹ thuật liên quan tới khu vực này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ trong đó có sông Hồng, quy định chặt chẽ các khu vực an toàn phòng chống lũ.

Trải qua quá trình triển khai, đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và sông Đuống đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo tốt các nội dung, đồng bộ hóa triển khai quy hoạch chung Thủ đô và quy hoạch phòng chống lũ, đồng thời khai thác một vùng phát triển đô thị để kiến tạo không gian trung tâm. Trước đây chúng ta hay nói là thành phố quay lưng với sông Hồng, thì tới đây sẽ quay mặt ra sông Hồng để kiến tạo không gian giá trị của một trục không gian, hành lang xanh quan trọng.

Đồ án này Thường trực Thành ủy cũng đồng thuận để báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy. Chúng tôi sẽ xin ý kiến hoàn chỉnh đồ án, trên cơ sở đó Ban Cán sự Đảng UBND thành phố sẽ báo cáo, thông qua với Bộ NN&PTNT xử lý các vấn đề phù hợp về quy hoạch phòng chống lũ, đồng thời cũng báo cáo Bộ Xây dựng theo quy trình để sớm nhất có thể phê duyệt.

Dự kiến, tháng 3/2021 sẽ phê duyệt 6 quy hoạch phân khu nội đô lịch sử. Tháng 6/2021 sẽ phê duyệt cơ bản xong quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống để kết thúc 8 phân khu đô thị còn lại. Bao nhiêu khó khăn, gian khổ kéo dài 10 năm, làm ách tắc các điều kiện đầu tư sẽ được gỡ bỏ để kiện toàn không gian chức năng đô thị, kể cả khu vực trung tâm cũng như khu vực đô thị mới, đồng bộ để triển khai hoàn chỉnh quy hoạch chung phát triển thủ đô Hà Nội.        

MỚI - NÓNG
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
TPO - Ngày 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài – Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 đã ký ban hành Thông báo kết luận của Thường trực Ban chỉ đạo thành phố về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố.