Chuẩn bị thêm loạt cầu vượt sông Hồng: Hiện thực hóa thành phố 2 bên sông?

Cầu Nhật Tân được xây dựng đưa vào sử dụng đã mở rộng đô thị về phía Tây, tạo ra diện mạo mới cho phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
Cầu Nhật Tân được xây dựng đưa vào sử dụng đã mở rộng đô thị về phía Tây, tạo ra diện mạo mới cho phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
TP - Bên cạnh 7 cầu vượt sông Hồng hiện hữu của Hà Nội, thời gian tới, Thủ đô sẽ tiếp tục được đầu tư xây dựng thêm 10 cầu nữa. Trong đó, sớm nhất là 2 cầu thuộc vành đai 4. Những cây cầu này được kỳ vọng sẽ giảm tải giao thông cho nội đô, giảm mật độ dân số cho vùng lõi và kết nối liên vùng, phát triển đô thị, đặc biệt là góp phần hiện thực hóa ước mơ thành phố 2 bên sông Hồng.

Bộ GTVT cho biết, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng giao Bộ GTVT lập Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi để báo cáo Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Trên tuyến có dự kiến xây dựng cầu Mễ Sở nối huyện Thường Tín (Hà Nội) với huyện Văn Giang (Hưng Yên). Tháng 9/2020, Bộ này đã giao Ban Quản lý dự án 2, xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này, với dự kiến tổng mức đầu tư lên tới hơn 66.580 tỷ đồng.

Trong tuyến Vành đai 4, đoạn đi qua địa phận Hà Nội sẽ do địa phương lập dự án và huy động vốn đầu tư. Được biết, tới nay Hà Nội đã tiếp nhận đề xuất của một số nhà đầu tư với đoạn Vành đai 4 nối từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Pháp Vân - Cầu Giẽ, theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) và chia làm 3 dự án thành phần. Trong đó, đoạn từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 34 km, có tổng mức đầu tư hơn 16.200 tỷ đồng, nhà đầu tư đề xuất thực hiện theo hình thức BT; đoạn từ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài gần 14km (gồm cả cầu Mễ Sở), có tổng mức đầu tư đề xuất hơn 9.800 tỷ đồng, theo hình thức BOT; cầu Hồng Hà (vượt sông Hồng, nối Đan Phượng - Mê Linh) có vốn đầu tư đề xuất hơn 9.800 tỷ đồng, theo hình thức BT.

Chuẩn bị thêm loạt cầu vượt sông Hồng: Hiện thực hóa thành phố 2 bên sông? ảnh 1 Kinh tế xã hội khu vực phía Tây Hà Nội đã phát triển hơn khi có cầu  mới

Lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá, đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô là tuyến đường quan trọng kết nối các địa phương trong vùng Thủ đô, phát triển đô thị, giảm ùn tắc giao thông cho khu vực nội đô Hà Nộ. Dự án cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế các tỉnh trong vùng Thủ đô. Do đó, Bộ GTVT thấy cần thiết phải sớm đầu tư tuyến đường này và được bộ xếp vào diện ưu tiên lựa chọn đầu tư trọng điểm nhiệm kỳ tới.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, phía Bắc sông Hồng cần phát triển thành đô thị mới hiện đại, hấp dẫn, với hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, trở thành vùng đối trọng với phía Nam sông Hồng, thu hút người dân từ đô thị lõi sang phía Bắc để tạo hình ảnh mới cho Thủ đô văn minh hiện đại.

Theo quy hoạch phát triển giao thông Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngoài cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 mới khởi công, cầu Mễ Sở và cầu Hồng Hà trên tuyến Vành đai 4 đang chuẩn bị được đầu tư, còn 7 cầu vượt sông Hồng sẽ được xây dựng. Các cầu đã có trong quy hoạch gồm: cầu Thăng Long mới, cầu Tứ Liên, cầu Thượng Cát, cầu Ngọc Hồi, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên, cầu Vân Phúc. Bộ GTVT nhận định, các cầu này được quy hoạch xây dựng nhằm kết nối giao thông thuận lợi, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân hai bên bờ sông Hồng. Trước đó, cầu Vĩnh Thịnh (vượt sông Hồng, nối Sơn Tây, Hà Nội và Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) thuộc tuyến đường Vành đai 5 - vùng Thủ đô đã được Bộ GTVT đầu tư và đưa vào sử dụng.

Tại lễ khánh thành dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, theo quy hoạch tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050, Thủ đô sẽ phát triển sang cả phần phía Bắc sông Hồng. Sắp tới, theo chỉ đạo của Thủ tướng, phía Bắc sông Hồng cần phát triển thành đô thị mới hiện đại, hấp dẫn, với hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, trở thành vùng đối trọng với phía Nam sông Hồng, thu hút người dân từ đô thị lõi sang phía Bắc để tạo hình ảnh mới cho Thủ đô văn minh hiện đại. Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT phối hợp với Hà Nội thực hiện quy hoạch đô thị dọc theo sông Hồng, với việc đầu tư xây dựng các cầu qua sông Hồng theo quy hoạch giao thông đã được duyệt.

Kết nối vùng từ các cây cầu bắc qua sông

 Trước đây, tại Hà Nội, từng diễn ra hội thảo bàn về việc phát triển thành phố hai bên sông Hồng, tương tự như mô hình của một số nước, chẳng hạn như thành phố hai bên bờ sông Hàn (Hàn Quốc). Trước thực tế ngày càng có nhiều cây cầu nối qua sông Hồng và còn rất nhiều đề xuất xây cầu mới, ông Hồ Chí Quang, Vụ phó Vụ Quy hoạch Kiến trúc (Bộ Xây dựng) phân tích, không thể áp dụng mô hình phát triển thủ đô giữa nước này với nước khác.

“Chúng ta không thể xây dựng cây cầu tạo ra đô thị giống Seoul (Hàn Quốc), bởi sông Hồng hung dữ và từ xưa đến nay người dân không ở bờ đê sông Hồng, bởi đất thấp, trũng. Đặc biệt, Hà Nội có 2 bờ sông Hồng cách xa nhau, không thể làm như cầu ở Hàn Quốc. Sông ở thủ đô của Hàn Quốc đứng bên này có thể thấy bên kia còn sông Hồng đứng bên này khó thấy bờ bên kia”, ông Quang nói.

Tuy nhiên, ông Quang cho rằng, việc xây dựng thêm nhiều cây cầu bắc qua Sông Hồng là đúng, bởi Hà Nội phát triển về phía Gia Lâm, phụ thuộc vào quy hoạch Bộ Giao thông Vận tải từ đó mới xác định mật độ dân số, cân đối lưu lượng con đường trục chính như trục số 1, vành đai 1,2,3 người ta mới làm cầu.

“Với Hà Nội hiện nay, chỉ làm các cây cầu là chưa đủ. Muốn kết nối đô thị hiện đại mạnh mẽ không thể bỏ phương tiện giao thông. Trên thế giới, họ tính số học, thứ 2 là dùng vệ tinh đo được lưu lượng xe cộ và số người lưu thông. Từ đó, người ta đưa ra dự báo, căn cứ để xây cầu. Cầu để thông thương phần Hà Nội này với phần Hà Nội khác và một loạt đô thị sau này sẽ phát triển. Ngoài kết nối sân bay, cầu còn kết nối các tỉnh”, ông Quang nói.

Theo ông Quang, quy hoạch Hà Nội hiện nay đang thực hiện lấy Hồ Gươm làm tâm điểm, sau đó đến 4 quận nội đô lịch sử rồi vành đai 2, 3, 4. “Tâm của Hà Nội nằm ngay sát sông Hồng nên khi phát triển sang bên kia sông như gốc cây bị chặn ra. Thông thường, sông ở các nước nhỏ song sông Hồng lại lớn. Phát triển quy hoạch của mình về 2 bên bờ sông rất khó khăn. Chúng ta quy hoạch phải có sự kết nối giữa vùng Thủ đô. Trong thời gian tới, các tỉnh có quy hoạch phải xem xét kết nối với vùng Thủ đô, phối hợp quy hoạch tỉnh tạo ra liên kết kinh tế. Thành phố sông Hồng phải phục vụ cho cả vùng thay vì chỉ phục vụ cho Hà Nội”, ông Quang nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Quang cho rằng, thực tế thời gian qua, các cây cầu xây mới bắc qua sông Hồng như Vĩnh Tuy, Thanh Trì đều tạo ra bộ mặt đô thị mới 2 bên cầu. Các dự án phát triển mạnh mẽ hơn, giá đất tăng lên.

Xây cầu chỉ phục vụ ô tô lưu thông?

PGS. KTS Hồng Thục thì cho rằng, từ trước tới nay, cầu Vĩnh Tuy, Nhật Tân chỉ phục vụ cho giao thông nên nó không tạo được bộ mặt đô thị như cầu Long Biên (đã kết nối đô thị với đô thị). Chúng ta vẫn làm kiểu: lĩnh vực đô thị thì làm theo kiểu đô thị, lĩnh vực xây dựng làm kiểu xây dựng. Hai lĩnh vực này cứ tách nhau ra nên bị sai lầm trong việc xây mấy cây cầu. Sắp tới, không sửa tư duy này sẽ dẫn tới người dân đi lại rất khổ. Điều này có nghĩa tạo cầu chỉ đơn thuần để cho ô tô lưu thông.

MỚI - NÓNG