Quốc tế đang bừng tỉnh trước tham vọng của Trung Quốc

Tàu Trung Quốc đâm tàu chấp pháp Việt Nam. Ảnh: Ng. Huy
Tàu Trung Quốc đâm tàu chấp pháp Việt Nam. Ảnh: Ng. Huy
TP - Kiểu ngụy biện “Trung Quốc trỗi dậy hòa bình” sẽ khiến nhiều quốc gia trên thế giới bừng tỉnh, hình thành những liên minh chống lại các hoạt động quá đáng, khiêu khích của nước này”, Th.s Hoàng Việt (ĐH Luật TP Hồ Chí Minh), chuyên gia nghiên cứu biển Đông, trao đổi với Tiền Phong.

Th.s Hoàng Việt nói: Trung Quốc luôn có tham vọng rất lớn để trở thành cường quốc số một trên thế giới. Mà để trở thành cường quốc số một, Trung Quốc phải trở thành một cường quốc biển. Vì thế nước này đặt mục tiêu cho việc tiến ra đại dương thông qua việc chiếm biển Đông làm bàn đạp để tiến tới vươn ra khống chế Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Thực hiện chiến lược của mình, Trung Quốc đã tìm mọi cách để thể hiện sức mạnh, việc đặt giàn khoan Hải Dương 981 cũng là nằm trong một bối cảnh sâu xa như vậy.

Ông đánh giá như thế nào về bước đi lần này của Trung Quốc trong tham vọng độc chiếm biển Đông, qua giàn khoan 981?

Trung Quốc luôn xem xét phản ứng của thế giới sau các hành động của họ. Đánh giá tình hình thế giới đang có những biến động và với sức mạnh càng ngày càng gia tăng của mình, Trung Quốc đã thực hiện các hành động hung hăng một cách leo thang. Những hành động này rất chặt chẽ, luôn để lần sau mạnh hơn lần trước và không để tình hình quá căng. Đến lúc căng nhất thì Trung Quốc sẽ tìm cách hạ nhiệt. Tuy nhiên, không vì thế mà Trung Quốc dừng lại, họ lại tiếp tục với cường độ cao hơn trong những thời điểm mà họ tính toán chi ly sao cho có lợi cho họ nhất.

Quốc tế đang bừng tỉnh trước tham vọng của Trung Quốc ảnh 1  Th.S Hoàng Việt (ĐH Luật TPHCM)

Nó có thể hiện sự bế tắc trong các tuyên bố chủ quyền phi lí ở biển Đông của Trung Quốc không, thưa ông?

Nhiều quốc gia sẽ bừng tỉnh trước kiểu ngụy biện “Trung Quốc trỗi dậy hòa bình” của họ. Thực tế cho thấy, Trung Quốc càng trỗi dậy bao nhiêu thì tham vọng bá quyền của họ ngày càng lớn bấy nhiêu.

 Th.S Hoàng Việt (ĐH Luật TPHCM)

Các lập luận của Trung Quốc về chủ quyền của họ ở biển Đông thực sự là rất vớ vẩn và phi lý. Tuy nhiên, họ muốn thực hiện những điều phi lý ấy qua các hành động được che đậy dưới các hình thức khác nhau. Tuy nhiên, sự thật vẫn luôn là sự thật. Lời dối trá dù có nhắc lại ngàn lần thì cũng vẫn là lời dối trá. Nó không thể vì thế mà trở thành sự thật được.

Theo ông, đâu là cái giá Trung Quốc phải nhận sau vụ giàn khoan này?

Trung Quốc cho rằng, họ đã làm tốt trong việc “độc chiếm” biển Đông một cách từ từ, nhưng sự phản ứng của Việt Nam cũng như của nhiều quốc gia khác trên thế giới đã cho thấy hiệu ứng ngược đối với hành động này. Nhiều quốc gia sẽ bừng tỉnh trước kiểu ngụy biện “Trung Quốc trỗi dậy hòa bình” của họ. Thực tế cho thấy, Trung Quốc càng trỗi dậy bao nhiêu thì tham vọng bá quyền của họ ngày càng lớn bấy nhiêu, cho nên hiện nay đang hình thành những liên minh chống lại các hành động quá đáng của Trung Quốc. Và điều đó sẽ dẫn đến sự cô lập đối với Trung Quốc trong quốc tế. Có thể kể đến những liên minh trong khu vực châu Á đang hình thành. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra cũng rất chậm, không phải trong chốc lát.

Điểm yếu của Trung Quốc trong vụ giàn khoan này là họ không có một cơ sở pháp lý nào, vì vậy họ không nhận được sự ủng hộ nào của cộng đồng quốc tế, họ không có chính nghĩa và họ thực sự bộc lộ bản chất áp đặt, chiếm đoạt bằng cách sử dụng cường quyền. Điều này sẽ không tồn tại được lâu trong một thế giới văn minh ngày nay.

Tham vọng độc chiếm biển Đông mà đặc biệt qua vụ hạ đặt giàn khoan 981 trái phép của Trung Quốc này đang đặt Việt Nam và cả thế giới trước mối nguy nào, thưa ông?

Nếu Việt Nam không ngăn chặn được giàn khoan này thì Trung Quốc sẽ có cơ lấn tới trong những lần sau, và cứ thế, tương lai Việt Nam sẽ không còn được quyền khai thác cũng như sử dụng các vùng biển của mình theo luật pháp quốc tế quy định. Và nếu Trung Quốc đã làm thành công với Việt Nam thì họ sẽ làm tương tự với các quốc gia khác. Và điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, hòa bình của khu vực cũng như trên thế giới, bởi một Trung Quốc muốn áp đặt cường quyền lên thế giới.

Ông đánh giá gì về phản ứng, đối sách của Việt Nam suốt gần tháng qua?

Việc Việt Nam kiên trì dùng biện pháp hòa bình để giải quyết cho thấy thiện chí và việc tuân thủ pháp luật quốc tế trong giải quyết các tranh chấp. Các nhà chức trách Việt Nam đã phát biểu, nước ta với tư cách là một thành viên của Công ước Luật biển, trước những hành động vi phạm luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Luật biển, Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng biện pháp kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế để chứng minh lập luận của Trung Quốc là vô giá trị. Tuy nhiên, việc đưa ra tòa cần sự cân nhắc kỹ lưỡng, chứ không hẳn là Việt Nam phản ứng chậm chạp cho việc đưa ra tòa.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG