Tổng thống Nga Vladimir V. Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei K. Shoigu. (Ảnh: NYT) |
Theo các chuyên gia, khi ông Putin mới lên lãnh đạo, quân đội Nga dù có vũ khí hạt nhân nhưng cũng không khác gì vỏ rỗng.
Khi đó, Nga chật vật duy trì đội tàu ngầm ở Bắc cực và đối phó với cuộc nổi dậy ở Chechnya. Những sĩ quan cấp cao đôi khi phải ở trong những căn nhà ẩm mốc và chuột bọ. Thay vì đi tất, những binh lính được huấn luyện sơ sài thường bọc chân bằng vải.
Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin, quân đội Nga đã được đại tu để trở thành một lực lượng tinh nhuệ hiện đại, với các loại vũ khí dẫn đường chính xác, cấu trúc bộ máy chỉ huy được tinh giản, binh lính được trả lương tốt và huấn luyện chuyên nghiệp.
Hai thập kỷ sau, quân đội Nga đã trở thành một đội quân khác hẳn khi tập hợp gần biên giới Ukraine. Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin, quân đội Nga đã được đại tu để trở thành một lực lượng tinh nhuệ hiện đại, với các loại vũ khí dẫn đường chính xác, cấu trúc bộ máy chỉ huy được tinh giản, binh lính được trả lương tốt và huấn luyện chuyên nghiệp, theo đánh giá của các chuyên gia quân sự. Và Nga vẫn có vũ khí hạt nhân.
Quân đội hiện đại đã trở thành công cụ quan trọng trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin, trong sự kiện sáp nhập bán nhập bán đảo Crimea, tham gia vào chiến sự Syria, giữ hòa bình giữa Armenia và Azerbaijan, và gần đây là ra tay giúp nhà lãnh đạo Kazakhstan trong đợt biểu tình vượt kiểm soát.
Giờ đây, ông Putin cũng đang sử dụng quân đội để ngăn Ukraine gia nhập liên minh quân sự của phương Tây.
“Huy động quân đội, mức độ sẵn sàng và vũ khí hiện đại cho phép Nga gây sức ép lên Ukraine và phương Tây. Vũ khí hạt nhân là chưa đủ”, ông Pavel Luzin, một nhà phân tích về an ninh Nga, nói với báo New York Times.
Nhiều mũi tiến công
Không cần bắn phát súng nào, ông Putin buộc chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden phải gác lại những ưu tiên chính sách đối ngoại và để tâm đến những mối lo của Điện Kremlin mà Nhà Trắng lâu nay đã không chú ý, nhất là đảo ngược xu thế nghiêng về phương Tây của Ukraine.
Việc ông Putin huy động quân đội có thể đưa nước Nga trở lại với vị thế mạnh mẽ mà nước này đã đánh mất từ khi chấm dứt Chiến tranh Lạnh. Ông Putin đã nêu ra mục tiêu đó trong học thuyết công bố năm 2018, khi ông dùng bài phát biểu về thông điệp liên bang để tiết lộ loại vũ khí hạt nhân mới, có thể bay gấp 20 lần tốc độ âm thanh.
“Không ai lắng nghe chúng tôi. Bây giờ hãy nghe chúng tôi nói”, ông nói trong bài phát biểu kèm theo video mô phỏng một tên lửa Nga bay về phía Mỹ.
Ngày nay, việc đại tu lực lượng truyền thống đã giúp Nga có vị thế trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Những chiếc xe tăng T-72B3 tập trung gần biên giới Ukraine được trang bị hệ thống quang học nhiệt mới để có thể chiến đấu cả trong đêm, cùng với tên lửa dẫn đường có tầm xa gấp đôi những loại xe tăng khác, ông Robert Lee, một cựu binh của Thủy quân lục chiến Mỹ và hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại trường King’s College London, cho biết.
Theo chuyên gia này, các tên lửa hành trình Kalibr trên tàu nổi và tàu ngầm ở Biển Đen và tên lửa Iskander-M dọc biên giới có thể tấn công bất kỳ mục tiêu nào trên đất Ukraine.
Trong thập kỷ qua, không quân Nga có thêm hơn 1.000 máy bay mới, theo bài viết năm 2020 của Thứ trưởng Quốc phòng Aleksei Krivoruchko. Trong số đó có những chiếc tiêm kích hiện đại nhất – Su-35S. Một phi đội Su-35S đã được điều đến Belarus trước đợt tập trận chung vào tháng tới.
Năng lực của Nga đã thể hiện trong chiến dịch tham gia vào Syria năm 2015. Lực lượng Nga khi đó không chỉ hoạt động hiệu quả, mà còn khiến Mỹ bất ngờ.
“Tôi hơi xấu hổ khi phải thừa nhận là vài năm trước tôi đã bất ngờ khi thấy tên lửa Kalibr bay từ biển Caspia và trúng các mục tiêu ở Syria. Đó là điều ngạc nhiên đối với tôi, không chỉ vì khả năng, mà tôi thậm chí còn không biết chúng ở đó”, trung tướng Ben Hodges, cựu chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, nói với New York Times.
Tư duy của Điện Kremlin về quy mô lực lượng vũ trang cũng thay đổi. Quân đội Nga phụ thuộc ít hơn vào lính nghĩa vụ mà dựa nhiều vào lực lượng được tinh giản, được đào tạo bài bản, với khoảng 400.000 binh lính.
Trong khi đó, quân đội Nga tiến vào nước đồng minh Belarus khiến thủ đô Kiev của Ukraine rơi vào phạm vi 100 dặm. Báo chí Nga cảnh báo rằng chính quân đội Ukraine mới là bên đang chuẩn bị có hành động gây hấn.
Lực lượng này được đối đãi tốt hơn. Khi thăm Bộ Quốc phòng vào tháng 12 vừa qua, ông Putin nói rằng một trung úy giờ được trả lương tương đương hơn 1.000 USD/tháng, cao hơn lương trung bình trong những ngành nghề khác. Ông cũng cho biết chính phủ liên bang sẽ chi khoảng 1,5 tỷ USD hỗ trợ nhà ở cho quân nhân.
Điều mới không chỉ ở việc Nga nâng cấp vũ khí, mà còn là cách Điện Kremlin sử dụng quân đội. Quân đội Nga đã mài dũa một phương pháp mà ông Dmitry Adamsky, một học giả về an ninh quốc tế tại ĐH Reichman ở Israel, gọi là “cưỡng chế xuyên miền”, nghĩa là kết hợp sử dụng vũ lực với ngoại giao, tấn công mạng và tuyên truyền để đạt được mục tiêu chính trị.
Các chuyên gia cho rằng chiến lược pha trộn đó giờ đang được sử dụng trong cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine. Về ngoại giao, Nga đang thúc ép phương Tây chấp nhận hàng loạt nhượng bộ ngay lập tức. Trong khi đó, quân đội Nga tiến vào nước đồng minh Belarus khiến thủ đô Kiev của Ukraine rơi vào phạm vi 100 dặm. Báo chí Nga cảnh báo rằng chính quân đội Ukraine mới là bên đang chuẩn bị có hành động gây hấn.