Cán bộ, viên chức nghỉ việc hàng loạt: Cải thiện chính sách, đãi ngộ xứng đáng

TP - Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Quốc hội, cho rằng, nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt tác động tiêu cực đến an sinh xã hội, đặc biệt là với nhóm người có thu nhập thấp, yếu thế, vì vậy cần cải thiện chính sách, có giải pháp cụ thể.

Theo của PGS.TS Phong Lan, với những bác sĩ là sinh viên mới ra trường, khi chưa có nền tảng trong tay, có thể họ sẽ chịu nhịn và “cày kéo” ở bệnh viện công một số năm để thăng tiến về mặt chuyên môn. Khi đã vững chuyên môn, có chỗ đứng trong nghề thì khả năng họ tìm đến một môi trường phù hợp hơn là rất lớn. Tình trạng bác sĩ bỏ y tế công chuyển sang y tế tư nhân không phải là “lọt sàng xuống nia” mà trái lại còn tác động tiêu cực đến an sinh xã hội. Người nghèo, người yếu thế trong xã hội phải có được sự chăm sóc tối thiểu cả về y tế lẫn giáo dục. Hệ thống công lập chính là cốt lõi để chăm lo cho đối tượng yếu thế”, bà nói.

Cán bộ, viên chức nghỉ việc hàng loạt: Cải thiện chính sách, đãi ngộ xứng đáng ảnh 1

Ngành Y tế đang trông chờ chính sách mới để cải thiện thu nhập, giữ chân các y, bác sĩ

“Nhiều người lý luận rằng, nhân viên y tế nghỉ việc ở bệnh viện công chuyển sang bệnh viện tư thì thực chất cũng là phục vụ cho bệnh nhân. Tuy nhiên, tôi xin lưu ý rằng, đối tượng họ phục vụ ở bệnh viện tư là bệnh nhân giàu, chỉ người có nhiều tiền mới đủ điều kiện điều trị ở bệnh viện tư. Nếu tất cả nhân viên y tế đều ra bệnh viện tư thì ai sẽ làm ở hệ thống y tế công lập, ai sẽ đảm bảo chất lượng cho hệ thống y tế công, tính mạng của bệnh nhân, đặc biệt là nhóm người bệnh yếu thế sẽ ra sao?”, bà Lan trăn trở.

Vấn đề về bảo hiểm

PGS.TS Phong Lan cho biết, nếu chi trả theo mức của bảo hiểm y tế ở bệnh viện công hiện nay, một ca khám bệnh là 20.000 đồng, chỉ bằng tiền công vá một chiếc săm xe máy bị thủng thì công việc của ngành y chẳng thể so sánh được với ngành nào. Trong khi, cũng là bác sĩ đó, cũng khám cho ca bệnh tương tự nhưng ở bệnh viện tư nhân thì mức giá khám bệnh có thể từ 800.000 - 900.000 đồng.

“Cả đầu vào lẫn đầu ra đều đòi hỏi trình độ rất cao nhưng cơ chế tiền lương thì cũng như các ngành nghề khác là bất cập. Tôi cho rằng, phải khẩn trương xem lại chính sách cho nhân viên y tế. Ở các nước, lương của bác sĩ là một trong những bảng lương cao nhất trong các ngành nghề. Đó chính là sự thừa nhận trình độ và giá trị của những người được gọi là thầy thuốc”, bà nói.

Ở các nước hệ thống y tế công phát triển phải căn cứ vào hệ thống bảo hiểm trên cơ sở tính toán nguồn thu, nguồn chi phù hợp. Tuy nhiên, tại Việt Nam, mức thu bảo hiểm y tế đang thấp nhất thế giới. Mức đóng đã ít, các mức chi cũng muốn chi càng ít càng tốt, dẫn tới tình trạng giá thuốc cũng phải thấp nhất và giá khám chữa bệnh cũng phải thấp nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của nhân viên y tế.

Theo một số chuyên gia, nguyên tắc của bảo hiểm là nhiều người đóng cho một người dùng. Ở các nước, bảo hiểm hoạt động như một doanh nghiệp, phải tính toán cân đối quỹ bảo hiểm. Mức đóng bảo hiểm sẽ phân biệt ra thành nhiều đối tượng. Bảo hiểm cơ bản ai cũng phải mua chỉ bao phủ 80% viện phí. Thuốc đặc trị chỉ được trả 35%, thuốc thông thường trả 65%. Người bệnh khi có bệnh tật nguy hiểm cần phải mua thêm các bảo hiểm phụ nhưng chi phí bảo hiểm phụ rất đắt. Do đó, cần xem lại mức thu bảo hiểm y tế, đảm bảo Nhà nước có đủ điều kiện tập trung đầu tư cho hệ thống công lập để lo cho người dân đúng nghĩa, đúng giá trị thực tế. Cần phải nâng định mức chi trả để chi phí khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế và mức giá dịch vụ bằng nhau trong một bệnh viện. Điều đó sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho nhân viên y tế, tạo môi trường làm việc tích cực.

Muốn giữ nhân lực y tế, Nhà nước nên khẩn trương thay đổi cơ chế tiền lương. Thu nhập của nhân viên y tế cần phải có sự khác biệt, tương xứng với trình độ, công sức và độ hiếm của nghề nghiệp. Tiếp đến, phải giúp nhân viên y tế có môi trường làm việc tốt nhất để họ an tâm công tác, phát huy được y đức, sự thiện lương hướng về người bệnh. Các cơ chế mua bán, đấu thầu cần phải rõ ràng để tránh sai sót cho người làm công tác quản lý y tế cơ sở.

Cán bộ, viên chức nghỉ việc hàng loạt: Cải thiện chính sách, đãi ngộ xứng đáng ảnh 2

Giải pháp cụ thể của địa phương

Trước thực trạng nhân viên y tế nghỉ việc, gây khó khăn cho hoạt động chuyên môn, BS Huỳnh Minh Chín, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, để thu hút nguồn nhân lực, ngành y tế tỉnh đang triển khai chính sách riêng, đã được HĐND tỉnh Bình Dương thông qua. Cụ thể, người có trình độ tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú được hỗ trợ trực tiếp 600 triệu đồng; thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I (500 triệu đồng); bác sĩ đa khoa, bác sĩ răng hàm mặt tốt nghiệp loại giỏi trở lên (450 triệu đồng), tốt nghiệp loại khá (420 triệu đồng) và tốt nghiệp loại trung bình, trung bình khá (400 triệu đồng). Người có trình độ cử nhân, kỹ sư chuyên ngành bảo trì trang thiết bị y tế hoặc vật lý kỹ thuật y sinh (chuyên ngành bảo trì thiết bị y tế) được hỗ trợ 50 triệu đồng. Ngoài ra, người có chuyên môn về y tế khi được thu hút về Trường Cao đẳng Y tế Bình Dương được hưởng chế độ thu hút: tiến sĩ - giảng viên chính (600 triệu đồng); tiến sĩ (550 triệu đồng); bác sĩ chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú (500 triệu đồng); thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I (450 triệu đồng).

“Vấn đề lương bổng của ngành y tế đang còn bị trói buộc bởi rất nhiều chính sách ở tầm quốc gia cho tới địa phương mới có thể thay đổi được. Tuy nhiên, tất cả nhân viên y tế đều mong Chính phủ và các địa phương sớm có những cơ chế để hỗ trợ, giúp họ sống được với nghề”

PGS.TS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương TPHCM

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành quyết định về “Hỗ trợ cho viên chức và nhân viên y tế cơ sở”. Theo đó, Bình Dương hỗ trợ hàng tháng cho nhân viên hợp đồng công tác tại trạm y tế lưu động ở xã, phường, thị trấn với mức 5 triệu đồng/bác sĩ, 3 triệu đồng/chức danh chuyên môn y tế, 2 triệu đồng/chức danh khác không có chuyên môn y tế. Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ mỗi tháng 3 triệu đồng cho viên chức công tác tại trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực xã, phường, thị trấn đối với bác sĩ; 2 triệu đồng đối với các chức danh còn lại. Với mức hỗ trợ này, các bác sĩ, nhân viên y tế công tác tại trạm y tế thu nhập từ 8 đến hơn 10 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài chính sách trên, ông Chín, cho biết, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch và đề xuất tăng mức phụ cấp cho y tế công lập với mức lương ban đầu cao gấp 3 lần mức lương cơ sở vùng 1 (từ 4,68 triệu đồng đồng/người/tháng lên mức 14 triệu đồng/người/tháng đối với chức danh bác sĩ). Đối với điều dưỡng, y sĩ, dược sĩ tại tuyến y tế cơ sở, mức lương tiếp nhận ban đầu cao gấp 1,5 - 2 lần mức lương cơ sở vùng 1.

Tại TPHCM, đầu tháng 7, HĐND TPHCM thông qua chính sách đặc thù củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường xã đến năm 2025. Theo đó, các bác sĩ đang trong giai đoạn thí điểm thực hành tại bệnh viện đa khoa gắn với trạm y tế sẽ được hưởng mức hỗ trợ 60 triệu đồng; điều dưỡng là 30 triệu đồng trong thời gian thực hành 18 tháng. Bên cạnh đó, TPHCM còn có chính sách tiền lương để thu hút người lao động có chuyên môn y tế đã về hưu tiếp tục cống hiến với khoản tiền từ 7 - 9 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là những chính sách ở phạm vi nhỏ hẹp. Chính sách lớn đối với toàn ngành y tế thành phố vẫn đang còn bỏ ngỏ. PGS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, nói: “Sở Y tế xác định, xu hướng nhân viên y tế nghỉ việc hoặc chuyển công tác là nguy cơ đang ảnh hưởng đến hoạt động chung của ngành sau đại dịch COVID-19. Vấn đề này vượt ngoài khả năng của Sở Y tế, đòi hỏi cơ chế chính sách mang tầm vĩ mô để nhân viên y tế an tâm công tác tại các cơ sở y tế công lập”.

Theo PGS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở y tế TPHCM, ngành y tế thành phố đang mong Bộ Y tế, Chính phủ sớm có chính sách cải thiện về cơ chế tiền lương để tạo động lực cho nhân viên y tế gắn bó với nghề. Nhân viên y tế cần được đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn. Quan trọng hơn, mỗi nhân viên y tế cần phải thấy được cơ hội phát huy năng lực của bản thân và có chỗ đứng trong đơn vị mình công tác.

Tin liên quan