Sài Gòn đau lòng quá!

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ca khúc đang “hot” mấy ngày qua “Sài Gòn đau lòng quá” nói về hai người từng yêu nhau sống trên đất Sài Gòn, sau khi chia tay, họ nhìn đâu cũng thấy kỷ niệm và nhớ nhung. Bài hát ấy, bỗng dưng lại được nhiều người sử dụng, để… thốt lên đầy xót xa trên facebook cá nhân, trước đại dịch COVID-19 đang ngày một lan rộng trên mảnh đất này.

Không đau lòng sao được, khi một Sài Gòn hoa lệ, náo nhiệt suốt ngày đêm, như không hề ngủ, bỗng dưng chùng xuống, trầm mặc và đìu hiu. Trước dịch, con đường từ nhà đến cơ quan tôi đi hết gần 1 giờ đồng hồ, ngày nào đúng cao điểm thì có khi tốn thời gian hơn thế, vì người xe ken cứng. Vậy mà hơn một tháng qua, quãng đường đó chỉ lấy đi của tôi 20 phút. Đi lại thông thoáng, dễ dàng hơn, nhưng trong lòng tôi đầy lo âu và nặng trĩu.

Hơn tháng nay, chỉ ai có việc cấp thiết mới ra khỏi nhà. Tại công sở, nhân viên cũng đến công ty luân phiên. Trung tâm thương mại, khu vui chơi, cơ sở giáo dục, hàng quán… đóng cửa. Hàng xóm gặp nhau cũng chỉ gật đầu mỉm cười chào qua lớp khẩu trang. Ai muốn chia nhau miếng ăn cũng lặng lẽ để trước cửa rồi gọi điện thông báo.

Đau lòng hơn, dịch như chưa hề có dấu hiệu chững lại, cứ một ngày trôi qua, ít thì vài trăm ca, nhiều cũng hơn 700 ca. Các chuyên gia và những tổ nghiên cứu độc lập đưa ra nhận định, những ngày tới, mới là đỉnh của dịch tại TP HCM, số ca nhiễm có thể còn tăng nữa.

Có những doanh nghiệp đã gần 2 tháng không hoạt động, đồng nghĩa với việc đó, con số lao động mất việc, thiếu việc làm cũng tăng lên mỗi ngày. Công nhân, tiểu thương buôn bán tại các chợ truyền thống, lao động tự do đang chật vật chống chọi với cơm áo gạo tiền, với nỗi lo nhiễm COVID-19.

Sống ở Sài Gòn gần 20 năm nay, tôi chưa từng chứng kiến cảnh Sài Gòn buồn đến thế. Người ta chia nhau từng bữa ăn, điều mà trước đây chỉ thấy ở người vô gia cư. Bây giờ, người có nhà, có chỗ ở ổn định nhưng trong diện phong toả đã bắt đầu hỏi nhau: 14 ngày hay 21 ngày ăn bằng gì, sống như thế nào khi chúng ta chỉ quanh quẩn trong nhà nhìn thời gian trôi? Ngoài kia, hết F0 này thì xuất hiện F0 khác. Có những người dân, qua 4 đợt dịch thì khu họ sống trải qua 3 lần phong tỏa.

Người đứng đầu Bộ Y tế và lãnh đạo TP HCM đều nhận định địa phương đang truy vết đúng hướng, vẫn đang kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Nhưng khi tôi ngồi viết những dòng này, TPHCM đang là thành phố dẫn đầu cả nước về các ca mắc COVID-19 với hơn 6.000 ca. Người dân vẫn tập trung chích vắc-xin ngừa COVID, vẫn tập trung xét nghiệm tầm soát toàn thành phố. Đâu đó tại các bệnh viện, vẫn xuất hiện cảnh người dân chen chúc xét nghiệm để lấy giấy “thông hành” đi các tỉnh làm việc. Sắp tới, lại tập trung thi tốt nghiệp THPT và phụ huynh sẽ phải tập trung đưa đón con… Liệu cuối tháng 8, thành phố có “giảm nhiệt” dịch bệnh như các chuyên gia dự báo không? Tôi không dám nghĩ đến nữa!

Chỉ biết rằng, nếu cứ truy vết, phong toả, cách li nhưng vẫn còn cảnh tập trung kiểu này thì liệu cuối cùng còn ai ở ngoài, còn ai không bị phong toả, cách li để đi phong toả, cách li người khác nữa? Bao giờ Sài Gòn hết đau lòng…

MỚI - NÓNG
Thiên tai năm nay xảy ra phức tạp hơn mọi năm
Thiên tai năm nay xảy ra phức tạp hơn mọi năm
TPO - Năm 2024 dự báo sẽ có diễn biến thiên tai phức tạp gồm cả nắng nóng, hạn mặn, dông lốc mưa đá xảy ra hơn mức bình thường vào nửa đầu năm. Còn nửa cuối năm, mưa, bão, lũ, ngập lụt cũng xuất hiện nhiều hơn và tác động nhanh hơn đến nước ta.