Phức cảm 2023

0:00 / 0:00
0:00
TP - Khi những dòng này đến tay bạn đọc, thế giới đã trải qua tròn một tuần ở năm 2023. Trong chuỗi 365 ngày dài đang chờ trước mặt.

Năm 2022 vừa đi qua, ở Việt Nam nếu hỏi hai chữ “kỷ lục”, thì chính là kỷ lục về kỷ luật và những vụ khởi tố. Với việc xử lý hàng loạt lãnh đạo cao cấp, dàn quan chức tại hầu hết các tỉnh thành, bộ ngành cả nước, cho đến các đại gia lừng lẫy. Đó thực sự là dấu hiệu tích cực, cuộc đại giải phẫu vẫn chưa dừng lại, cho dù quá nhức nhối và đem lại nhiều phức cảm.

Chúng ta đang sống trong một “phức cảm không chắc chắn mới” (new uncertainty complex), đó là khái niệm mới, xuất hiện trong báo cáo của Liên Hợp quốc về Phát triển con người 2021-2022. Về những biến đổi nguy hiểm của hành tinh, về cách thức mới tổ chức xã hội công nghệ, về sự gia tăng phân cực chính trị và xã hội. Phát triển con người tụt hậu tại 90% quốc gia, mà không phải bởi đại dịch COVID-19. Còn theo báo cáo của UNDP (Chương trình Phát triển của LHQ), thì “cứ 7 người trên thế giới, có tới 6 người bị ám ảnh bởi cảm giác bất an ngay cả trước khi đại dịch xâm chiếm tâm trí chúng ta, ngay cả ở những nước giàu nhất”.

Cái tát trời giáng của tài tử Will Smith như một thứ dấu hiệu cảnh báo về ẩn ức đè nén của loài người đến lúc bùng vỡ. Tôi nhìn thấy ở đó không đơn thuần là hành vi thuộc về văn minh hay đạo đức, mà là những xung đột, phức cảm tinh vi đang luôn ẩn nấp rất kỹ và tinh quái trong mỗi chúng ta, đến lúc không thể giãi bày hay giải quyết với nhau bằng ngôn ngữ.

Sân khấu trao giải Oscar với hàng tỷ người xem truyền hình trực tiếp ấy cũng chính là sân khấu của thế giới này. Nơi xung đột không chỉ là đối đáp quyết liệt bằng vũ lực như giữa Nga và Ukraina, mà còn chính là căng thẳng đang diễn ra trên mọi mặt trận từ địa chính trị, kinh tế, ngoại giao, đến tư tưởng, văn hóa, tinh thần,… Sự hỗn loạn nội tâm con người dẫn đến chia rẽ sâu sắc về nhân tính. Cũng chính là sự hỗn loạn của trật tự thế giới.

Nhân loại năm 2022 đã cán mốc 8 tỷ người. Nhưng hai cá thể người giờ đây cũng có thể đã là hai thế giới bị phân cực.

Goblin mode được Từ điển Oxford chọn là “từ của năm 2022”, vượt qua kho dữ liệu hơn 19 tỷ từ liên tục được cập nhật và thu thập từ các nguồn tin tức tiếng Anh trên khắp thế giới. Đó là thuật ngữ tiếng lóng, ám chỉ về hành vi buông thả, lười nhác, tạm bợ của loài người trong năm qua, bỏ qua mọi chuẩn mực hoặc kỳ vọng của xã hội. Trạng thái tâm lý và hành vi ấy xét cho cùng không có gì lạ.

Cậu bé 10 tuổi gầy gò ở Đồng Tháp bất ngờ biến mất khỏi mặt đất này vào ngày cuối cùng của năm 2022, để lại nỗi đau đớn ám ảnh kinh hoàng, ngơ ngác tận cùng. Cậu bé đã đi đâu? Các nhân chứng đã xác nhận. Chắc chắn không phải “mất tích” siêu thực như trong tiểu thuyết của Modiano.

Với một đứa trẻ, một tác động của số phận/Và bạn cầu nguyện, và bạn cầu nguyện, và bạn cầu nguyện…”. Lời trong bài hát “Mọi người biến mất ở đây” (People disappear here) ra đời năm 2021 của nữ nhạc sĩ, ca sĩ tài danh người Mỹ Halsey từng có album đạt 6 tỷ lượt phát trực tuyến tại Mỹ. Một nghệ sĩ trẻ sinh năm 1994 mắc chứng bệnh rối loạn lưỡng cực từng tự tử nhưng được cứu sống.

Đứa trẻ một trong 8 tỷ nốt nhạc nay đã thành dấu lặng…

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.