Phí BOT: Mức chênh rất khủng khiếp!

Cả ông Lê Mạnh Hà và ông Đặng Huy Đông đều đề nghị cơ quan quản lý công khai, minh bạch lưu lượng phương tiện và số tiền thu được từ các trạm BOT, không để nhà đầu tư ăn gian. Ảnh: Văn Kiên.
Cả ông Lê Mạnh Hà và ông Đặng Huy Đông đều đề nghị cơ quan quản lý công khai, minh bạch lưu lượng phương tiện và số tiền thu được từ các trạm BOT, không để nhà đầu tư ăn gian. Ảnh: Văn Kiên.
TP - Khẳng định phí BOT đang ảnh hưởng trực tiếp đến từng mớ rau, cân thịt, của người dân, doanh nghiệp, cả Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Lê Mạnh Hà và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đặng Huy Đông đều đề nghị cơ quan quản lý công khai giá thành xây dựng, thực tế số tiền thu phí, không có vùng cấm và tránh để nhà đầu tư ăn gian.

Mớ rau, cân thịt “gánh nặng” phí BOT

Sáng 27/5, VPCP tổ chức Họp báo chuyên đề về Nghị quyết số 35 của Chính phủ trong việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Trả lời câu hỏi của Tiền Phong về chi phí chính thức và không chính thức đang tạo ra “gánh nặng” gì cho doanh nghiệp? Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, chưa có con số chính thức nhưng qua nhiều cuộc điều tra, nhất là qua khảo sát về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cho thấy, ở lĩnh vực kinh doanh có điều kiện hầu hết các doanh nghiệp đều nói là phải “bôi trơn”, trả phí không chính thức khi làm thủ tục.

Đối với chi phí chính thức, theo bà Hằng, chiếm khoảng tới 40% tổng số lợi nhuận của doanh nghiệp, trong đó “nặng gánh” nhất là thuế, phí giao thông vận tải, bảo hiểm xã hội…   “Đây là mức gánh nặng rất cao so với thế giới”, bà Hằng khẳng định. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cũng cho rằng, mức chi phí chính thức trên là rất cao. Điều này sẽ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh hội nhập như hiện nay.

Đi sâu vào vấn đề phí giao thông BOT, ông Đông khẳng định, đang ảnh hưởng đến giá thành của từng cân thịt, cân gạo mà mỗi gia đình phải sử dụng hàng ngày. Nó cũng ảnh hưởng tới giá thành của từng mớ rau từ nông thôn đưa ra đô thị. “Một kg củ đậu ở quê tôi – cách Hà Nội chỉ 120km, bán 5.000 đồng mà ra Thủ đô bán giá hàng chục nghìn đồng. Như thế là rất vô lý”, ông Đông nói.

Có tuyến đường BOT hiện nay báo cáo thu chỉ 1 tỷ đồng tiền phí/ngày nhưng dư luận phản ánh con số thực thu tới 3 - 4 tỷ đồng. Mức chênh rất khủng khiếp. Chúng tôi ủng hộ các cơ quan báo chí vào cuộc điều tra, ủng hộ việc công khai, làm rõ, dù chỉ kiểm chứng được một vài trạm cũng sẽ thay đổi lớn lắm”. 

Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà.

Theo ông Đông, cấu thành phí giao thông, không chỉ từ giá thành công trình mà còn phụ thuộc vào lưu lượng phương tiện tham giao thông, số người sử dụng dịch vụ trên tuyến đường đó.

“Con số đó cần phải được kiểm tra chính xác và so sánh với báo cáo của nhà đầu tư. Người dân, doanh nghiệp, Chính phủ hoàn toàn có quyền yêu cầu các nhà đầu tư BOT, các cơ quan thẩm định, công khai giá thành, thời gian, chi phí và thực tế số tiền thu được. Việc này là phải công khai, không thể có vùng cấm ở đây, vì nó ảnh hưởng tới từng người dân một, chứ không chỉ là các công ty vận chuyển”, ông Đông nhấn mạnh.

Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà cũng cho rằng, cần tính đủ các khoản cấu thành phí BOT. Ông Hà nêu một giải pháp là áp dụng quy trình thu phí không dừng với phần mềm được xây dựng độc lập, cung cấp độc lập để đếm cho thật chính xác số phí thu được ở mỗi trạm BOT, ngăn nhà đầu tư “ăn gian” .

“Tới đây, chúng tôi sẽ ngồi với Bộ Giao thông Vận tải để rà soát sao cho có được số liệu này sớm nhất. Có tuyến đường BOT hiện nay báo cáo thu chỉ 1 tỷ đồng tiền phí/ngày nhưng dư luận phản ánh con số thực thu tới 3 - 4 tỷ đồng. Mức chênh rất khủng khiếp. Chúng tôi ủng hộ các cơ quan báo chí vào cuộc điều tra, ủng hộ việc công khai, làm rõ, dù chỉ kiểm chứng được một vài trạm cũng sẽ thay đổi lớn lắm”, Phó Chủ nhiệm VPCP thẳng thắn.

Thứ trưởng Đông cũng bày tỏ sự ủng hộ với việc áp dụng công cụ kiểm đếm độc lập. Ông đề nghị cẩn trọng với công cụ thu phí của chính nhà đầu tư, người cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư vì con người hoàn toàn có thể can thiệp vào máy móc, dẫn tới không đảm bảo khách quan.

Ngăn lạm dụng quyền lực gây khó doanh nghiệp

Đề cập việc thanh tra, kiểm tra gây khó doanh nghiệp, ông Hà cho biết, Nghị quyết 35 quy định rõ, việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp mỗi năm chỉ được thực hiện 1 lần. “Làm được điều này sẽ tạo ra sự thay đổi tích cực. Doanh nghiệp sẽ yên ổn để làm ăn hơn. Chứ kiểm tra, thanh tra quá nhiều sẽ khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn, đó là chưa kể có doanh nghiệp còn bị kiểm tra hàng tuần”, ông Hà nói.

Cũng theo ông Hà, trong quá trình thực hiện cơ quan quản lý nhà nước cần khoanh vùng đối tượng có nguy cơ vi phạm cao để thực hiện. Nghĩa vụ của cơ quan nhà nước là phải phân loại được để kiểm tra, thanh tra cho phù hợp. Hạn chế tình trạng các doanh nghiệp không vi phạm nhưng các đoàn thanh tra, kiểm tra vẫn liên tục đến.

Giải thích rõ hơn về quy định trên, ông Đông cho biết, khi xây dựng Dự thảo Nghị quyết 35, vấn đề thanh tra, kiểm tra và không hình sự hóa hoạt động kinh tế của doanh nghiệp được các cơ quan chức năng đã thảo luận rất kỹ. Mục đích đặt ra quy định là để ngăn mọi hành vi lạm dụng quyền lực để làm phiền, làm khó doanh nghiệp. Nhưng ngược lại cơ quan quản lý vẫn bảo đảm việc xử lý, không dung túng, bao che, thả lỏng cho vi phạm.

“Nếu doanh nghiệp vi phạm đến mức độ hình sự thì đương nhiên, phải xử lý. Còn đây đưa ra là để hạn chế những hiện tượng lạm dụng trong thực tế, hình sự hóa những vấn đề không phải hình sự, chứ không phải tự cơ quan quản lý nghĩ ra”, ông Đông nói.

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.