Nguồn tin cảnh sát nói rằng, một người đàn ông mặc áo chống đạn dùng súng tự động nã đạn vào các cảnh sát sáng 8/1 ở khu vực Montrouge phía nam Paris, khiến một cảnh sát bị chết và một người bị thương nặng. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve ngay lập tức tới hiện trường, thông báo hung thủ đã bỏ trốn.
Theo ông Emmanuel Cravello thuộc Nghiệp đoàn Liên minh Cảnh sát Pháp, vụ tấn công xảy ra khi cảnh sát can thiệp một vụ tai nạn giao thông trên đại lộ Pierre Brossollette nối với Montrouge vào khoảng 8h sáng. Khi đó, một kẻ mang theo hai khẩu súng bước ra khỏi một chiếc xe không liên quan vụ tai nạn và nã đạn vào cảnh sát.
Ngày 8/1 còn xảy ra vụ nổ tại nhà hàng thịt nướng gần một nhà thờ Hồi giáo ở Villefranche-sur-Saone, gần Lyon, miền đông nước Pháp. Báo địa phương Le Progress đưa tin, cảnh sát đã phong tỏa khu vực, chưa rõ nguyên nhân vụ nổ. Phó thị trưởng thành phố Bernard Perruttin nói rằng, vụ nổ “có vẻ liên quan tình huống kịch tính ở Paris”.
Các vụ việc trên xảy ra chỉ một ngày sau vụ tấn công tuần báo châm biếm Charlie Hebdo ngay giữa thủ đô Paris. Vụ xả súng tại tòa soạn Charlie Hebdo là vụ tấn công đẫm máu nhất trong vòng bốn thập kỷ qua tại Paris. Trong số 12 người thiệt mạng có 5 họa sỹ biếm họa cùng 2 phóng viên của tờ báo, 2 cảnh sát…
Ba tên khủng bố tham gia vụ tấn công Charlie Hebdo được xác định là hai anh em Said Kouachi (34 tuổi), Cherif Kouachi (32 tuổi) và Hamyd Mourad (18 tuổi). Mourad đã ra đầu thú, hai tên còn lại đang bị truy lùng gắt gao và được xác định hiện lẩn trốn ở miền bắc nước Pháp. Một trong hai anh em nhà Kouachi từng bị kết án tù năm 2008 do liên quan một nhánh thánh chiến Iraq.
Le Monde dẫn nguồn tin cảnh sát Paris cho biết, 7 người đã bị tạm giữ để phục vụ điều tra. Nhiều người nghi ngờ vụ tấn công Charlie Hebdo liên quan nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) hoặc al-Qaeda. Theo CBS News, trước đó, cả hai nhóm đều chọn Pháp là mục tiêu tấn công. Trong một đoạn video do IS công bố vài ngày trước, một “chiến binh thánh chiến” người Pháp tại Syria đã ra lệnh “thổi tung nước Pháp, phá hủy nó thành từng mảnh”. Nhiều người lo ngại các vụ tấn công trên có thể là hành động phản ứng trước việc Pháp ủng hộ chiến dịch không kích IS ở Iraq và Syria. Chiến dịch này do Mỹ dẫn đầu.
Trước đó, IS cũng tung ra đoạn video cho thấy các tay súng người Pháp đang đốt hộ chiếu của họ. Chúng cảnh báo: “Chừng nào các người còn tiếp tục ném bom, các người sẽ không bao giờ được yên”. CBS News đưa tin, sau vụ tấn công tòa báo hôm 7/1, một số chiến binh thánh chiến phương Tây tại Syria nói rằng, họ không ngạc nhiên. Một kẻ tuyên bố: “Họ (các nạn nhân trong vụ tấn công) đáng bị như thế vì dám lăng mạ đấng tiên tri đáng kính của chúng tôi”. Một tay súng khác khẳng định, nhiều chiến binh IS đã trở lại châu Âu và sẽ có thêm nhiều vụ tấn công như thế.
Sau vụ tấn công kinh hoàng, Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố quốc tang, cả nước treo cờ rủ trong 3 ngày. Hơn 100.000 người dân khắp nước Pháp đã hưởng ứng, tập hợp bày tỏ tình đoàn kết với Charlie Hebdo. Nhiều nước châu Âu đồng loạt nâng cấp báo động khủng bố, tăng cường công tác an ninh.
Trước vụ tấn công khủng bố tòa soạn báo Charlie Hebdo tại Paris, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: “Việt Nam lên án các hoạt động khủng bố dưới mọi hình thức và cho rằng vụ tấn công khủng bố vào tòa soạn báo Charlie Hebdo tại Paris ngày 7/1/2015 là một hành động dã man, không thể chấp nhận được. Việt Nam xin gửi lời chia buồn và cảm thông sâu sắc đến Chính phủ, nhân dân Pháp và gia đình những người bị nạn và tin tưởng rằng, những kẻ chủ mưu sẽ sớm bị trừng trị thích đáng”.
Ngày 8/1, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có điện chia buồn và thăm hỏi gửi Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có điện chia buồn, thăm hỏi gửi Thủ tướng Pháp Manuel Valls. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng có điện chia buồn gửi Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius.
Bình Giang