Chất xúc tác từ Đoàn
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật ở TPHCM, Trần Xuân Mai Trâm (sinh năm 1980, hiện đang công tác tại Phòng Văn hóa Thể thao, Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM) sớm được tiếp xúc, bồi dưỡng nguồn mạch thi ca, âm nhạc hết sức phong phú từ tấm bé. Mới 8 tuổi, Mai Trâm đã được ba mẹ cho vào Nhạc viện TPHCM làm quen với những thanh âm trong trẻo của phím đàn, của lời ca tiếng hát. Khả năng đánh đàn, ca hát của cô bé “con nhà tông” cứ thế lớn dần. Quá trình ôn luyện tại Nhạc viện giúp Trâm tích lũy kha khá kỹ năng, kiến thức âm nhạc và trở thành nền tảng vững vàng cho những sáng tác sau này.
“Là nhạc sỹ chuyên ngành lý luận âm nhạc (nhạc sỹ Trần Xuân Tiến – PV), ba tôi là người nói rất nhiều và rất cuốn hút những điều xoay quanh đề tài âm nhạc. Những câu chuyện về âm nhạc, về Bác Hồ, về chiến tranh, cách mạng tôi được ba kể cho nghe từ nhỏ đến lớn cứ ngày một ăn sâu bám rễ một cách tự nhiên. Trong đó, phải nói hay nhất là tình yêu sâu sắc với quê hương mà tôi đã thấm nhuần tự lúc nào. Những kiến thức lịch sử vốn khô khan, nhưng được lắng nghe thực tế mới thấy thiêng liêng quá đỗi”, nhạc sỹ Mai Trâm chia sẻ.
Ra trường đi làm, Mai Trâm có cơ duyên gắn bó nhiều năm liền với Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM, nơi mà chị xem như môi trường truyền tải chất liệu, chất xúc tác quan trọng trong những sáng tác nghệ thuật của mình, khi hằng ngày có dịp tiếp xúc, gần gũi với các phong trào, hoạt động của tổ chức Đoàn.
Một trong số đó là nhạc phẩm “Tôi yêu Tổ quốc tôi”. Ca khúc này đã giúp cô đoạt giải Nhì cuộc vận động sáng tác “Tôi yêu Tổ quốc tôi” do Trung ương Đoàn tổ chức, đồng thời trở thành bài hát quen thuộc cất lên trong các hoạt động, phong trào của tổ chức Đoàn – Hội các cấp. Ngoài ra còn có ca khúc “Tuổi xuân tình nguyện” được Mai Trâm sáng tác trong đợt chào mừng kỷ niệm 25 năm phong trào tình nguyện của tuổi trẻ TPHCM, “Vinh quang thanh niên Việt Nam” (viết trong đợt vận động sáng tác ca khúc chào mừng 85 năm ngày thành lập Đoàn). Hay như “Màu xanh khát vọng” trở thành bài hát chính thức của Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TPHCM lần thứ X (nhiệm kỳ 2017-2022).
Dấu ấn âm nhạc qua mỗi chuyến đi
Trần Xuân Mai Trâm được nhiều người ví von là “nhạc sỹ của biển đảo” khi chị nhiều năm đến với vùng biển đảo thiêng liêng này và đều để lại những sáng tác ghi dấu hành trình. Ba lần đến với Trường Sa qua các chuyến “Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” vào các năm 2016, 2018 và 2019, Mai Trâm cho biết, ở mỗi chuyến đi này chị đều để lại một bài hát chứa đựng những cảm xúc, câu chuyện riêng. “Mục tiêu của mỗi đợt đi Trường Sa không chỉ là cùng các bạn văn nghệ sỹ trẻ ra đảo phục vụ văn nghệ, mà thông qua các sáng tác, đó là kỷ niệm thanh xuân cho chính mình và các bạn ấy”, Mai Trâm nói.
Bài hát “Trường Sa, cảm xúc và niềm tin” được nhạc sỹ Mai Trâm sáng tác trong chuyến trở lại Trường Sa vào năm 2018 là dấu ấn khó phai trong chuyến đi. Kể về hoàn cảnh ra đời nhạc phẩm này, nữ nhạc sỹ 8x cho biết ca khúc được phôi thai chỉ với một chi tiết rất tình cờ, nhanh chóng. Khi đó, trên loa phát thanh của tàu chở đoàn có phát đi câu nói của anh Phan Văn Mãi (nguyên Bí thư Trung ương Đoàn), đại ý là: Chúng ta đi Trường Sa không phải chỉ để động viên, thăm hỏi, tặng quà cho chiến sỹ, mà chính thanh niên sẽ được các chiến sỹ động viên trở lại, mang về niềm tin, sự mạnh mẽ khi quay về đất liền. “Những lời dặn dò đó tuy nhẹ nhàng nhưng khiến tôi ấn tượng mạnh mẽ. Ngay lúc đó tôi liền ghi chú vào điện thoại và trở thành chất liệu để sau đó tôi viết ca khúc “Trường Sa, cảm xúc và niềm tin”, nhạc sỹ Mai Trâm chia sẻ.
Và những ca từ dung dị, chan chứa niềm tin yêu “Ta mang ra cảm xúc, ta mang về niềm tin, hướng tới nơi đảo xa, ngàn câu hát thiết tha. Đảo là nhà, biển cả là quê hương. Nắng mới đang bừng chiếu, lấp lánh giữa biển khơi, hát mãi tuổi trẻ ơi, ngàn câu hát yêu đời. Mãi trong tim, Trường Sa ơi” cứ thế vang vọng mãi trong lòng bao người.Phong trào của Đoàn và chất trẻ của thanh niên đã làm nên thanh xuân của tôi. Được sống hết mình, viết ra tình cảm của mình với tuổi trẻ qua những bài hát và được tổ chức Đoàn và các bạn đoàn viên đón nhận là điều hạnh phúc nhất.
Cũng trong mỗi chuyến hải trình đến với vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, Mai Trâm thường ghi lại những bức ảnh, thước phim nho nhỏ và dựng bằng chính chiếc điện thoại của mình để đến sau đó sẽ có tư liệu chiếu lại như một phần kỷ niệm của chuyến đi.
Ngoài những sáng tác về thanh niên, hoạt động phong trào, nhạc sỹ Trần Xuân Mai Trâm còn có nhiều tác phẩm thể hiện tình yêu, sự đồng điệu với quê hương, đất nước, với mảnh đất chứng kiến sự trưởng thành của bao lớp người trẻ. Có thể kể đến các ca khúc “45 mùa hoa rực rỡ tên Người” (ra đời nhân dịp chào mừng 45 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước), “Thiếu nhi làm theo lời Bác” (bài hát chủ đề của phong trào Thiếu nhi Việt Nam làm theo 5 điều Bác dạy), “Bài ca Nhà văn hóa Thanh niên” (viết về ngôi nhà chung của các phong trào tình nguyện, hoạt động của tuổi trẻ TPHCM), “Tôi yêu áo dài Việt Nam” (chào mừng Lễ hội áo dài TPHCM)…