Niềm vui đoàn tụ

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao quyết định đặc xá của Chủ tịch nước cho các phạm nhân tại Trại giam Thanh Xuân. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao quyết định đặc xá của Chủ tịch nước cho các phạm nhân tại Trại giam Thanh Xuân. Ảnh: Tuấn Nguyễn
TP - Hôm qua 31/8, tại nhiều trại giam trên cả nước đã diễn ra lễ công bố quyết định đặc xá của Chủ tịch nước cho 18.000 phạm nhân cải tạo tốt nhân dịp Quốc khánh 2/9 năm nay.

Chủ động hòa nhập, trở thành công dân gương mẫu

Trại giam Thanh Xuân (đóng tại Thanh Oai, Hà Nội) đợt này có 299 phạm nhân đang chấp hành án tại đây được đặc xá. Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ tại trại giam Thanh Xuân sáng qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng tư vấn đặc xá năm 2015, cho biết:

“Trong số các phạm nhân được đặc xá, tha tù trước thời hạn, trở về với gia đình, với địa phương, rất nhiều người đã làm ăn lương thiện, trở thành công dân tốt, thành người cha, người mẹ gương mẫu; Cũng có nhiều người trở thành người giàu có, giải quyết công ăn việc làm cho lao động khác… Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, thay mặt Hội đồng Tư vấn đặc xá Trung ương năm 2015, tôi nhiệt liệt chúc mừng tất cả các phạm nhân được đặc xá lần này”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước mong muốn các phạm nhân được đặc xá cần xóa bỏ mặc cảm, tự ti trong cuộc sống, chủ động hòa nhập cộng đồng, tranh thủ sự giúp đỡ của của gia đình, cộng đồng, đoàn thể, chính quyền và ngành công an tiếp tục đóng góp các phong trào ở địa phương, trở thành công dân gương mẫu trong gia đình và xã hội. Các phạm nhân chưa được đặc xá đợt này cần phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy trại giam, tích cực học tập, lao động, cải tạo thời gian ở trại để sớm được hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các địa phương theo dõi, giúp đỡ người được đặc xá trở về, thực hiện tốt Nghị định 80 của Chính phủ về tái hòa nhập cộng đồng, trước hết động viên, giúp đỡ, tạo việc làm cho người được đặc xá. Mỗi gia đình phải tạo điều kiện, nhất là lúc ban đầu trở về và từng phạm nhân phải chịu khó lao động, làm ăn chân chính. 

Niềm vui ngày đoàn tụ

Niềm vui, hạnh phúc xen lẫn những trăn trở, suy tư thể hiện rõ trên khuôn mặt 299 phạm nhân được đặc xá. Phạm nhân Lê Hoàng Yến (SN 1987, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị án phạt tù 15 năm về tội Mua bán trái phép chất ma túy, sau  10 năm chấp hành án, hôm nay cô được trút bỏ cảnh “cơm tù, áo số” để trở về đoàn tụ với gia đình. 

Sau khi hoàn tất các thủ tục, Yến mặc ngay bộ quần áo mới rất trẻ trung, chào tạm biệt các cán bộ, ra chỗ người nhà đang chờ để về. Phạm nhân Bùi Ngọc Dung (35 tuổi) cải tạo tại Trại giam Thanh Xuân 28 tháng cũng được đặc xá dịp này. Chị háo hức cho biết, chồng và con đang chờ đón mình ngoài cổng. Chị đã có 2 con, cháu đầu học lớp năm, cháu còn lại năm nay mới 6 tuổi.

Trong số các phạm nhân cao tuổi già yếu được đặc xá có ông Mai Văn Lê (ở xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, Hà Nội) năm nay đã 72 tuổi. Ông bị án 15 năm tù về tội Mua bán trái phép chất ma tuý. Ông cho biết, nay tuổi cũng đã cao, sức đã yếu, không thể lao động nặng nhọc nữa nên chỉ mong được về nhà đoàn tụ, vui vầy cùng vợ và con cháu. Vợ ông nay đã 75 tuổi. Ông bà có 4 con, 10 cháu…

Phạm nhân Đỗ Xuân Thắng, trú tại phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội được đại diện cho các phạm nhân lên phát biểu cảm nghĩ. Anh Thắng bị án phạt 7 năm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thi hành án từ ngày 10/3/2010. 

“Hôm nay, tôi vô cùng xúc động, vui mừng thay mặt các anh chị phạm nhân trong đợt đặc xá này bày tỏ lòng biết đối với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cơ quan ban ngành Trung ương, Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và Hỗ trợ Tư pháp; Lòng biết ơn sâu sắc trước sự quan tâm chu đáo, tấm lòng bao dung, nhân ái của Ban giám thị, các cán bộ trại giam Thanh Xuân dành cho chúng tôi trong suốt thời gian chấp hành án tại Trại...” – anh Thắng phát biểu.

Anh Thắng cũng cho biết sẽ trở về nơi đăng ký thường trú đúng thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận đặc xá; nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật và các quy định của chính quyền địa phương; tiếp tục thực hiện đầy đủ hình phạt bổ sung, bồi thường thiệt hại và các nghĩa vụ dân sự khác; chịu sự quản lý, giám sát của chính quyền địa phương trong thời gian chưa được xóa án tích, không tái phạm tội, vượt qua mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng và làm ăn lương thiện, phấn đấu làm giàu chính đáng.

Vui không thể tả được nhưng lo lắm

Sáng 31/8, sau khi nghe đại tá Phan Đình Hoàn, Giám thị trại giam An Phước đọc quyết định đặc xá của Chủ tịch nước, 561 phạm nhân có tên trong danh sách vui mừng trong nước mắt. Ngày về đối với họ đã rất gần, chỉ còn vài giờ nữa họ sẽ được về bên gia đình, về với xã hội.

Ông V. V. L. (SN 1970, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) rớm nước mắt nói: “Được trở về với gia đình, với vợ con là điều không thể nào vui hơn. Được có cơ hội làm lại cuộc đời mình là niềm vui không thể nào diễn tả được. Nhưng lo lắm…”.

Ông từng có một gia đình êm đẹp với công việc đàng hoàng. Cũng chính những cuộc làm ăn kiếm tiền, ông dính vào vòng lao lý, bị kết án tù 12 năm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Suốt mấy năm nay, ông vào trong trại trong tâm trạng cắn rứt, đau khổ hơn khi vợ con, họ hàng người thân không thông cảm cho những lầm lỗi ông gây ra.

Được sự động viên của cán bộ giáo dục tại trại, ông L. đã vận dụng những kiến thức của một kỹ sư điện tử của mình để cải tạo, làm tốt công việc của mình để mong sớm về với gia đình, nói lời xin lỗi với vợ con. Hôm qua, gia đình không lên đón ông, ông lặng lẽ bước lên xe của trại giam để ra bến xe khách, bắt xe đò về nhà.

Trước lúc lên xe, ông L. cầm quyết định đặc xá trên tay, rưng rưng nước mắt: "Tôi xin cám ơn tất cả. Chỉ mong ngày về, vợ con chấp nhận, hàng xóm làng giềng không kì thị để tôi có nghị lực làm lại cuộc đời, nuôi con nuôi cái”.

Trong số 525 phạm nhân được cắt cử phụ giúp tại buổi lễ đặc xá của trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai) hôm qua, có Nguyễn Tuấn Hải (tức Hải Bánh) nhân vật khá nổi tiếng được nhiều người biết đến trong vụ án Năm Cam. Hải Bánh nhận mức án chung thân và thụ án tại trại giam Xuân Lộc. Hải Bánh từ khi vào trại đã lao động cải tạo tốt và được giao công việc văn thể mỹ ở trại. Từ mức án chung thân, Hải Bánh được giảm xuống 30 năm rồi tiếp tục được giảm án. Hải Bánh tính còn phải chấp hành án thêm 15 năm nữa sẽ được đoàn tụ với gia đình. Hải Bánh tâm sự: “Tôi biết mức án của mình còn dài, nhưng mỗi đợt đặc xá lại rất phấn khởi bởi có niềm tin vào chính sách nhân đạo của Nhà nước, có niềm tin để phấn đấu cải tạo tốt”.                

Mạnh Thắng

MỚI - NÓNG