Mọi chuyện bắt đầu vào ngày 23/1, khi Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của hải quân Mỹ tiến vào Biển Đông. Theo USNI, đây là chuyến thăm Biển Đông lần thứ hai của tàu Roosevelt trong vòng một năm. Các nhóm tác chiến tàu sân bay thường bao gồm một tàu sân bay lớp Nimitz, một tàu tuần dương tên lửa dẫn đường, một đến ba tàu khu trục tên lửa dẫn đường và một tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Biển Đông là một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất trên thế giới, ước tính một phần ba giá trị thương mại hàng hải toàn cầu (trị giá 3,37 nghìn tỷ USD) đi qua hàng năm. Trung Quốc đòi chủ quyền 90% Biển Đông, điều bị các nước láng giềng như Indonesia, Malaysia, Philippines và những nước khác cực lực phản đối.
Trung Quốc cũng đã xây dựng nhiều đảo nhỏ, bãi cạn và bãi đá ngầm thành các căn cứ vũ trang, trang bị tên lửa, pháo và căn cứ không quân có khả năng tiếp nhận máy bay quân sự. Mỹ và nhiều nước láng giềng của Trung Quốc không công nhận yêu sách của Bắc Kinh đối với các bãi cạn.
Trung Quốc rõ ràng đã dự kiến tàu USS Roosevelt và các tàu hộ tống tiến vào Biển Đông, bằng chứng là nước này nhanh chóng cho xuất kích một số lượng lớn máy bay ném bom đầy bất thường. Đài Loan nói rằng Trung Quốc đã cử đi một máy bay tác chiến chống ngầm Y-8, bốn tiêm kích J-16 và 8 tám máy bay ném bom Xi’an H-6K.
Mặc dù Mỹ, Nga và Trung Quốc thường sử dụng máy bay ném bom để thực hiện các nhiệm vụ biểu dương sức mạnh, nhưng họ hiếm khi xuất kích nhiều hơn hai chiếc cùng một lúc. 8 máy bay ném bom có thể là chưa từng có, và là một sự leo thang so với các chuyến bay của oanh tạc cơ trong thời bình.
Máy bay ném bom Xian H-6K của Trung Quốc tương đương với oanh tạc cơ B-52H Stratofortress của Mỹ. H-6K là máy bay ném bom cận âm cỡ lớn, hạng nặng, không tàng hình được thiết kế để mang tên lửa hành trình. 6 máy bay ném bom H-6K tham gia cuộc phô trương lực lượng có thể mang tổng cộng 48 tên lửa hành trình KD-20, loại tên lửa gần tương đương với tên lửa hành trình đối đất Tomahawk của Mỹ.
Tiêm kích Shenyang J-16 là bản sao Su-27 Flanker của Nga, trong khi Y-8 là loại máy bay vận tải hạng trung cùng loại cỡ với C-130J Super Hercules của Mỹ. Nội thất rộng rãi của máy bay Y-8 khiến nó trở thành nền tảng hấp dẫn cho tất cả các loại vai trò hỗ trợ và quân đội Trung Quốc dùng máy bay này chống tàu ngầm, thu thập thông tin tình báo, cảnh báo sớm trên không, tuần tra hàng hải...
Vào ngày 24/1, Trung Quốc đã tung thêm nhiều máy bay chiến đấu ra Biển Đông, bao gồm 2 máy bay Y-8, 2 tiêm kích đa năng Su-30 Flanker, 4 tiêm kích J-16, 6 tiêm kích J-10, và một phiên bản do thám của máy bay Y-8.
Su-30 là loại máy bay chiến đấu đa năng cỡ lớn được mua từ Nga, trong khi J-10 là loại máy bay chiến đấu hạng nhẹ do Trung Quốc sản xuất cùng loại với F-16 Fighting Falcon của Mỹ.
Trong khi đó, Không quân Mỹ đã phái đến một máy bay do thám U-2 Dragon Lady từ Căn cứ Không quân Osan ở Hàn Quốc. U-2 hỗ trợ trinh sát cho nhóm tác chiến tàu sân bay Roosevelt, giám sát đường bờ biển của Trung Quốc để theo dõi các hoạt động quân sự bất thường.
Máy bay thu thập thông tin tình báo RC-135W Rivet Joint của không quân Mỹ cất cánh từ Căn cứ Không quân Kadena trên đảo Okinawa cũng tham gia “cuộc trình diễn” vào ngày 24 tháng 1.