Huyện Kon Plông có cảnh đẹp phong phú, tuy nhiên vẫn chưa khai thác hết tiềm năng |
Là huyện một huyện miền núi, Kon Plông hiện nay đang sở hữu nhiều vùng sản xuất nông nghiệp, vùng nuôi trồng thủy sản, rất phù hợp cho phát triển du lịch nông nghiệp và du lịch sinh thái. Thời gian gần đây, nhiều hộ dân và nhà đầu tư nông nghiệp công nghệ cao đăng ký thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp kết hợp với khai thác du lịch. Tuy nhiên, do chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về du lịch nông nghiệp nên UBND huyện Kon Plông chưa thể tiếp nhận các dự án.
Bởi vậy, tờ trình nêu, để phát huy tiềm năng, thế mạnh, và lợi thế, khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên tạo ra những sản phẩm nông nghiệp phục vụ du lịch, giải quyết việc làm, tăng nguồn thu nhập và quảng bá sản phẩm nông sản của địa phương; vừa góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đồng thời cũng là giải pháp hữu ích nhằm phát triển du lịch bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thì loại hình du lịch nông trại gắn với du lịch nông thôn cũng đang là định hướng được tỉnh xác định trong thời gian tới.
Hiện nay, Trung ương đã có chủ trương, định hướng phát triển các sản phẩm, loại hình du lịch nông nghiệp, loại hình kinh tế trang trại kết hợp hoạt động du lịch, cụ thể: Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, trong đó Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định các loại đất nông nghiệp và khu vực đất được quy hoạch cho mục đích nông nghiệp kết hợp với hoạt động du lịch.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT cũng đã có dự thảo Nghị định của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại nông nghiệp, trong đó xác định loại hình trang trại kết hợp hoạt động du lịch là các trang trại sản xuất nông nghiệp có kết hợp cung ứng các dịch vụ phục vụ khách du lịch như tham quan, mua sắm, ăn uống, lưu trú, trải nghiệm, giải trí, giáo dục và các hoạt động nâng cao tri thức cho du khách.
Đặc biệt tại Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cũng nêu: “đối với những vấn đề cấp bách cần triển khai ngay để tạo đột phá cho du lịch phát triển, nếu chưa có văn bản pháp luật quy định hoặc có quy định khác thì cho thực hiện thí điểm”.
|
Thời gian qua, du lịch nông nghiệp, nông thôn ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ, mang lại sắc thái mới, sức sống mới ở khu vực nông thôn… Cùng với đó, nhiều mô hình phát huy hiệu quả, thu hút sự quan tâm của du khách, nhiều bà con dân tộc thiểu số ở các thôn, làng xa xôi, heo hút, trở nên tự tin, năng động hơn, nhờ làm du lịch.
Đặc biệt, nhiều cộng đồng làng quê hồi sinh, giảm thiểu các tệ nạn xã hội, cuộc sống văn minh hơn, nhờ làm du lịch; nông, lâm, thủy sản, ngành nghề truyền thống tăng thêm giá trị, trở thành đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP, nhờ vào du lịch. Cánh đồng lúa, ruộng bậc thang, vườn cây, sông suối, ao hồ, làng chài, rừng dừa nước… đều được nối kết thành điểm đến đặc sắc trên hành trình trải nghiệm. Hơn cả, văn hoá bản địa, ẩm thực dân gian, nghi lễ truyền thống… được đánh thức, khai thác nhờ vào du lịch.
Nhằm cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phát triển du lịch, việc xây dựng Đề án thực hiện thí điểm mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn huyện Kon Plông là một giải pháp giải quyết vấn đề phát sinh từ thực tiễn hoạt động du lịch sinh thái nông nghiệp tại huyện, góp phần gia tăng giá trị kinh tế nông nghiệp của địa phương, tạo việc làm cho người dân nông thôn, đa dạng hóa sản phẩm du lịch cho tỉnh Kon Tum, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của người dân.
Cũng bởi vậy, UBND huyện Kon Plông đề xuất đề án này thực hiện thí điểm phát triển nông nghiệp kết hợp khai thác hoạt động du lịch trên đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Kon Plông với thời gian thực hiện thí điểm từ năm 2024 đến năm 2026. Theo đó, có khoảng 20 mô hình, tập trung thực hiện tại khu vực quy hoạch Khu du lịch sinh thái Măng Đen, gồm các xã: Măng Cành, Đắk Tăng, Măng Bút, xã Hiếu, Pờ Ê và thị trấn Măng Đen. Loại đất được áp dụng: Đất nông nghiệp.
Theo UBND huyện, việc đầu tư thực hiện thí điểm mô hình du lịch nông nghiệp phải tuân theo nguyên tắc khai thác không gian, cảnh quan sinh thái vùng sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản để gia tăng giá trị kinh tế, tạo sinh kế mới cho người dân nông thôn, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho người dân, thu hút khách du lịch đến huyện và trải nghiệm thực tế cho người dân, học sinh các trường phổ thông; không thay đổi mục đích sử dụng đất, kết cấu đất sản xuất; không làm thoái hóa tính chất và môi trường đất nông nghiệp; không gây ô nhiễm môi trường.
Mô hình thí điểm không được cung cấp dịch vụ lưu trú (trừ trường hợp trải nghiệm cắm trại), không biến cơ sở hạ tầng trong mô hình thí điểm thành chỗ ở; nơi hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.