Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm, làm việc tại huyện Kon Plông |
Đề xuất cơ chế đặc thù cho Măng Đen
Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn cho biết, diện tích tự nhiên huyện Kon Plông khoảng 138.116 ha. Với mục tiêu phát triển thị trấn Măng Đen thành vùng du lịch sinh thái quốc gia vào năm 2030, có đặc thù riêng hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Đây là cơ sở, tiền đề cho việc định hướng phát triển, huy động nguồn lực phát triển đô thị, điểm dân cư nông thôn, các khu chức năng…của vùng du lịch sinh thái Măng Đen trong thời gian qua. Các cấp ủy đảng, chính quyền của tỉnh đã xác định, xây dựng huyện Kon Plông gắn với Khu du lịch Măng Đen trở thành trung tâm kinh tế phía Đông Bắc của Kon Tum, giữ vai trò nòng cốt, động lực, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh.
“Sau gần 10 năm thực hiện, đồ án quy hoạch đã có những vướng mắc về quy định của pháp luật về lâm nghiệp, quy hoạch xây dựng. Một số khu chức năng không còn phù hợp với các quy hoạch ngành, xu thế phát triển của địa phương và khu vực. Việc triển khai thu hút đầu tư để hiện thực hóa tầm nhìn của đồ án gặp nhiều khó khăn, trong đó hệ thống hạ tầng giao thông, hệ thống hạ tầng xã hội còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của các dự án”, ông Tuấn chia sẻ.
Bởi vậy, để đầu tư phát triển Khu du lịch quốc gia Măng Đen, tỉnh mong muốn, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư Cảng hàng không Măng Đen và tuyến Cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum theo phương thức đối tác công tư.
Nhằm phát huy thế mạnh, lợi thế vốn có của Khu Du lịch quốc gia Măng Đen, đồng thời thu hút các nhà đầu tư chiến lược, UBND tỉnh Kon Tum đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương xây dựng quy định thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu du lịch quốc gia Măng Đen trình Quốc hội ban hành.
Các buôn làng ở huyện Kon Plông còn hoang sơ nên cần quy hoạch bài bản, tư duy |
Đột phá chiến lược, bám sát thực tế
Trong chương trình công tác tại Kon Tum, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khảo sát thực tế, nghe báo cáo và làm việc về một số dự án trọng điểm trên địa bàn, đặc biệt là về định hướng phát triển khu du lịch quốc gia Măng Đen, nơi có tiềm năng du lịch rất lớn và độc đáo.
Qua khảo sát thực tế và nghe báo cáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu vấn đề tìm đường đi để Kon Tum nói chung và Măng Đen nói riêng phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, phát triển xanh, thoát nghèo. Đồng thời triển khai Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ông Bùi Viết Hà, Chủ tịch Hội Du lịch Măng Đen cho rằng, bây giờ điều cần nhất của huyện Kon Plông chính là giao thông. Trong đó đường hàng không là vô cùng quan trọng. Không những vậy, các tuyến đường ở huyện này cũng đã xuống cấp, như tuyến đường chạy vào thác Pa Sỹ hiện đã hư hỏng nặng. Theo ông Hà, nếu giao thông thuận tiện sẽ đi thẳng vào “khu 37 hộ”, nơi đây đẹp như “trời Âu”. Cũng vì giao thông mà có nhiều thác chưa được khai thác bởi doanh nghiệp nhỏ không dám làm, doanh nghiệp lớn chưa đầu tư. Bởi vậy, ông rất mong sớm nâng cấp hệ thống giao thông, các điểm nhấn du lịch nên hỗ trợ thanh niên trẻ thuê lại, dọn dẹp, buôn bán, trông coi và bảo vệ.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Có quy hoạch tốt mới có dự án tốt, có dự án tốt mới có nhà đầu tư tốt”. Bởi vậy, quy hoạch phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, phải bám sát thực tế, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn; quy hoạch đảm bảo ổn định, nhưng thích ứng linh hoạt. Quy hoạch phải khả thi, tìm ra và phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Măng Đen, đồng thời chỉ ra mâu thuẫn, yếu kém, khó khăn, thách thức để đưa ra nhiệm vụ, giải pháp hóa giải.
Cùng với quy hoạch, Thủ tướng lưu ý tầm quan trọng của hạ tầng chiến lược, gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng văn hóa, giáo dục, y tế và các hạ tầng xã hội khác. Thủ tướng định hướng Kon Tum phương thức phát triển dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, “rừng trong phố, phố trong rừng”, giữ gìn và phát huy tối đa bản sắc văn hóa nơi đây. Về nguồn lực, nguồn lực tại chỗ là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, gồm con người tại chỗ, thiên nhiên và truyền thống văn hóa lịch sử; đồng thời đẩy mạnh hợp tác công - tư, huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội.
Một căn nhà rông truyền thống ở huyện Kon Plông |
Thủ tướng đề nghị tỉnh Kon Tum chủ động triển khai thực hiện, phát huy tinh thần tự lực, tự cường để vươn lên mạnh mẽ. Tỉnh cần lập tổ công tác, phân công một Phó Bí thư phụ trách về việc phát triển Măng Đen.
Trong chuyến công tác này, sau khi thăm Nhà văn hóa làng Kon Pring, thị trấn Măng Đen, Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp luôn chăm lo, tạo sinh kế bền vững, lâu dài cho bà con, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà con. Thủ tướng nêu rõ, đây là địa bàn quan trọng về an ninh - quốc phòng, do đó phải xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc, truyền thống, giá trị văn hóa các dân tộc, nhất là văn hóa cồng chiêng, phát triển y tế, giáo dục.
Thủ tướng mong bà con nhân dân đoàn kết, thống nhất, đùm bọc, chia sẻ với nhau, không để bị kẻ xấu lợi dụng, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.