Nhiều nhân viên bảo vệ rừng nghỉ việc, Gia Lai đau đầu tuyển 69 chỉ tiêu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tại các ban quản lý rừng phòng hộ tỉnh Gia Lai, nhiều nhân viên đang ồ ạt xin nghỉ việc. Họ bộc bạch, nguyên nhân do áp lực giữ rừng, án hình sự luôn lơ lửng trên đầu, trong khi chế độ tiền lương, phụ cấp rất thấp.

Ngày 28/6, theo nguồn tin của Tiền Phong, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai (Sở NN&PTNT Gia Lai) vừa thông báo tuyển dụng 69 chỉ tiêu viên chức vào 18 ban quản lý rừng phòng hộ. Lý do nhằm “trám” vào chỗ trống mà các nhân viên trước đó nghỉ việc để lại.

Sở này cũng ra văn bản tham mưu UBND tỉnh Gia Lai kiến nghị Trung ương xem xét, điều chỉnh chế độ đãi ngộ, cải thiện môi trường làm việc cho lực lượng bảo vệ rừng. Trước mắt, để tránh cán bộ nghỉ việc đồng loạt, sở này ra chính sách luân chuyển cán bộ công tác ở vùng sâu, vùng xa về làm gần gia đình; hỗ trợ chế độ đi lại và tăng thưởng cho nhân viên.

Nhiều nhân viên bảo vệ rừng nghỉ việc, Gia Lai đau đầu tuyển 69 chỉ tiêu ảnh 1

Rất nhiều nhân viên bảo vệ rừng ở Gia Lai xin nghỉ việc

Tình trạng cán bộ bảo vệ rừng nghỉ việc đã gia tăng áp lực giữ rừng lên các ban quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) ở Gia Lai.

BQL RPH Bắc An Khê bảo vệ hơn 10.300 ha rừng, trải dài trên 4 huyện, thị gồm thị xã An Khê, huyện Mang Yang, K’Bang và Đắk Pơ.

Tổng biên chế theo quy định 15 người, nhưng hiện nay ban này chỉ có 9 người. Hai năm qua, 6 nhân viên của ban xin nghỉ việc.

Trong 9 người trên chỉ có 3 nhân viên chuyên trách bảo vệ rừng, số còn lại là lãnh đạo và làm việc tại phòng, lực lượng cơ động. “Như vậy, với 3 viên chức chuyên trách bảo vệ rừng, họ sẽ phải 'gồng gánh' bảo vệ gấp 3 lần số diện tích được giao (quy định 1.000 ha/người”), ông Phan Thanh Hải, Trưởng BQL RPH Bắc An Khê chia sẻ.

Về lý do nhân viên xin nghỉ nhiều, ông Hải tiết lộ do áp lực giữ rừng ngày càng lớn mà tiền lương, phụ cấp thấp. Một phần vì công tác xa nhà, nhiều người đã tự động bỏ việc.

Là người bám trụ lâu trong ngành lâm nghiệp, anh Hồ Vĩnh Tường (sinh năm 1990) viên chức BQL RPH Bắc An Khê, hiện đang nhận mức lương 4,4 triệu đồng/tháng. Hai người còn lại nhận hơn 3 triệu đồng/tháng.

“Chúng tôi học ngành lâm nghiệp thì mong muốn cống hiến với ngành. Tuy nhiên với mức lương ít ỏi, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng khiến nhiều anh em không thể trụ lại mà xin nghỉ việc”, anh Tường đau đáu.

Nhiều nhân viên bảo vệ rừng nghỉ việc, Gia Lai đau đầu tuyển 69 chỉ tiêu ảnh 2

Điều kiện sinh hoạt khó khăn tại các chốt bảo vệ rừng ở Gia Lai.

Tương tự, BQL RPH Ia Meur (xã Ia Mơr, huyện Chư Prông) được cấp trên phân bổ 19 biên chế nhưng hiện nay mới chỉ có 11 người. Trước đó, 3 người ở ban này đã xin nghỉ việc. Ngay cả trưởng ban cũng viết đơn xin nghỉ hưu sớm vì lý do sức khỏe.

Ông Hoàng Vĩnh Thuận - Phó trưởng BQL RPH Ia Meur, cho biết: “Bảo vệ rừng nghỉ việc là áp lực công việc, sức khỏe không đảm bảo, chế độ đãi ngộ thấp. Trong khi đó trách nhiệm của chủ rừng lại rất lớn, nếu để xảy ra vi phạm sẽ bị kỷ luật, chưa kể vướng hình sự…”.

Tại một chốt bảo vệ rừng ở sát biên giới Campuchia, anh Chu Khánh Hữu, nhân viên ở đây cho biết khu vực này không có nước sinh hoạt, sóng điện thoại lúc có lúc không. “Để có nước tắm, chúng tôi phải đào ao nhỏ tích lấy nước. Ăn uống chủ yếu cá khô và rau rừng hái được trên đường tuần tra”, anh Hữu tâm tư.

Không chỉ đối diện với khó khăn, nhiều nhân viên bảo vệ rừng còn đối mặt với lâm tặc, bị tấn công.

Tháng 4/2023, 4 cán bộ của BQL RPH Ia Meur tuần tra theo kế hoạch, phát hiện 2 người đang thực hiện phát dọn cây rừng tái sinh trong lâm phần ban này quản lý. Hai người này trình bày được một người tên N.X.H (trú xã Ia Mơ, huyện Chư Prông) thuê phát dọn với giá 1 triệu đồng.

Một lúc sau, H. cùng một người khác đến chửi bới, đe dọa sát hại cả gia đình các cán bộ bảo vệ rừng. Đối tượng H. còn dùng gậy tấn công làm một nhân viên bảo vệ rừng bị thương, phải nhập viện.

MỚI - NÓNG