Nhân tài, tuyển rồi có 'dụng' được không?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - "Tuyển rồi có "dụng" được không, có giữ chân, phát huy được nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo ra được giá trị, tạo ra sự phát triển, tiến bộ cho Thủ đô hay không? Đó mới là vấn đề quan trọng”, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nói.

Trong khuôn khổ chương trình tuyên dương Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn TP Hà Nội năm 2022, chiều 17/11, UBND TP Hà Nội tổ chức tọa đàm “Thủ khoa xuất sắc đề xuất, hiến kế trong việc thu hút, sử dụng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao phục vụ xây dựng và phát triển Thủ đô”.

Dự và chủ trì tọa đàm có Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cùng đại diện các sở, ban, ngành thành phố.

Môi trường làm việc là yếu tố giữ chân người tài

Chia sẻ tại tọa đàm, GS, TS. Nguyễn Khánh Diệu Hồng cho biết, bản thân là thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2004. Sau 18 năm được vinh danh thủ khoa xuất sắc, hiện GS, TS. Nguyễn Khánh Diệu Hồng là Viện trưởng Viện nghiên cứu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, Liên hiệp các tổ chức Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Nhân tài, tuyển rồi có 'dụng' được không? ảnh 1

GS, TS. Nguyễn Khánh Diệu Hồng chia sẻ tại tọa đàm

Có được thành công đó, Diệu Hồng đã bỏ ngang công việc ở một ngôi trường Top 4 thế giới để trở về nước làm việc, cống hiến. “Đến giờ, tôi chưa từng ân hận vì quay về nước. Bởi tôi được sự hậu thuẫn, tạo điều kiện thuận lợi từ lãnh đạo, đồng nghiệp, bạn bè và có nhiều cơ hội để phấn đấu, khẳng định bản thân”, GS, TS. Nguyễn Khánh Diệu Hồng cho biết.

Từ câu chuyện của mình, GS, TS. Nguyễn Khánh Diệu Hồng cho rằng, ngoài thu nhập, chính sách đãi ngộ thì môi trường làm việc rất quan trọng. “Làm sao tạo được không gian, điều kiện cho các bạn trẻ sáng tạo, phát huy hết năng lực, sở trường của mình là yếu tố quan trọng nhất để giữ chân nhân tài”, GS, TS. Nguyễn Khánh Diệu Hồng nói.

Nhân tài, tuyển rồi có 'dụng' được không? ảnh 2

Ngô Thu Trang, thủ khoa xuất sắc Đại học Luật – ĐHQG Hà Nội năm 2015, hiện là cán bộ Ngân hàng Quốc tế chia sẻ tại tọa đàm

Có 13 năm làm việc tại các cơ quan nhà nước, thủ khoa xuất sắc năm 2009 Nguyễn Mai Anh, Phó Trưởng phòng phụ trách tổng hợp, Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội cho biết, với cơ chế, chính sách hiện nay đã cho thấy sự quan tâm rất lớn của thành phố trong thu hút và trọng dụng nhân tài. Theo chị Mai Anh cần khắc phục tình trạng chảy máu chất xám. Tuy nhiên, cái cần khắc phục hơn là việc sử dụng nguồn lực chất lượng cao không hiệu quả, làm hạn chế sự phát triển của người tài, từ đó hạn chế mức độ đóng góp của họ cho xã hội.

Chị Nguyễn Khánh Linh (thủ khoa xuất sắc Đại học Luật – ĐHQG Hà Nội năm 2021), hiện là công chức Bộ Tư pháp cho rằng, mặc dù các chính sách thu hút nhân tài của Thủ đô Hà Nội đã có những sự khác biệt so với quy trình tuyển dụng công chức thông thường nhưng vẫn chưa thực sự hấp dẫn. Trong khi đó, các doanh nghiệp, các tổ chức tư nhân luôn đưa ra những đề xuất, những cơ hội phát triển đáng để họ dốc lòng làm việc và cống hiến. Theo chị Linh, cần xây dựng những phương án mang tính đột phá hơn, dài hơi hơn, đi vào thực chất hơn để hấp dẫn, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phụng sự Thủ đô, đất nước.

Nhân tài, tuyển rồi có 'dụng' được không? ảnh 3

Chị Nguyễn Khánh Linh (thủ khoa xuất sắc Đại học Luật – ĐHQG Hà Nội năm 2021) chia sẻ tại tọa đàm

Tại tọa đàm, các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn TP Hà Nội năm 2022 đặt nhiều câu hỏi và đề xuất, kiến nghị lãnh đạo Thủ đô trong tuyển dụng, sử dụng các sinh viên xuất sắc.

Bạn Đỗ Hoàng Phương Nhi, Thủ khoa Kinh tế đối ngoại, trường Đại học Ngoại thương đặt câu hỏi về danh mục các “bài toán” và “thách thức” của Thành phố để “đặt hàng” cho các các tài năng trẻ đến từ cả khu vực tư nhân, những nhà nghiên cứu trẻ và bản thân đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc trong hệ thống chính trị.

Giữ chân, phát huy được năng lực người tài mới là vấn đề

Lắng nghe các ý kiến tại tọa đàm, ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội cho rằng, tuyển dụng nhân tài đã khó nhưng sử dụng được nhân tài càng khó hơn. “Tuyển” rồi có “dụng” được không, có giữ chân, phát huy được nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo ra được giá trị, tạo ra sự phát triển, tiến bộ cho Thủ đô hay không? Đó mới là vấn đề quan trọng”, ông Sơn nêu.

Nhân tài, tuyển rồi có 'dụng' được không? ảnh 4

Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội chủ trì, phát biểu tại tọa đàm

Ông Sơn cho rằng, từ khởi đầu là học giỏi kiến thức, các bạn trẻ sau khi được tuyển dụng tại các cơ quan, đơn vị cần được tạo điều kiện, giao việc để phát huy năng lực. Ông Sơn cũng đề nghị các đơn vị rút ngắn các quy trình, thủ tục để thu hút và trọng dụng người tài.

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội cho biết, lãnh đạo thành phố sẽ tiếp thu đầy đủ và giao cho các sở, ban, ngành xây dựng cơ chế, chính sách công khai, linh hoạt trong thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Ông cho biết, TP Hà Nội sẽ lập ra các kênh tương tác, để ghi nhận ý kiến đóng góp của các bạn trẻ.

Nhân tài, tuyển rồi có 'dụng' được không? ảnh 5

Quang cảnh tọa đàm

Ông Sơn cũng đồng thời bày tỏ mong muốn, các thủ khoa xuất sắc tiếp tục đóng góp cho Thủ đô và đất nước, đặc biệt trong hoạch định chính sách; hiến kế giải quyết những vấn đề bức xúc của TP Hà Nội hiện nay, như: ùn tắc giao thông, ngập úng, xử lý rác thải, nước thải, ô nhiễm môi trường, quy hoạch, trật tự xây dựng…

Ông kỳ vọng, trong 98 thủ khoa xuất sắc được tuyên dương năm nay sẽ có nhiều bạn tham gia vào hệ thống chính trị của thành phố. “Thành phố luôn mở rộng cánh cửa để các bạn cống hiến, phát huy tài năng, đóng góp để xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại”, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG