Từ chàng trai mê game đến tiến sĩ công nghệ thông tin giành giải Quả Cầu Vàng 2022

0:00 / 0:00
0:00
TPO - TS. Lê Phạm Tuyên thừa nhận, chính sự hiếu kỳ về những trò chơi điện tử khi xưa đã trở thành đam mê và sự nghiệp của mình hiện tại.

TS. Lê Phạm Tuyên (SN 1990, quê ở Phú Yên) hiện là trưởng nhóm nghiên cứu giải thuật, phòng nghiên cứu và phát triển, công ty AgileSoDA, Hàn Quốc.

Với những thành tích nổi bật trong nghiên cứu khoa học, anh vinh dự là một trong 10 gương mặt trẻ nhận giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng 2022. Những nỗ lực, cống hiến trong nghiên cứu khoa học của anh đã được ghi nhận, góp phần truyền cảm hứng về tinh thần sáng tạo, nghiên cứu khoa học cho bạn trẻ Việt Nam.

“Duyên với IT” từ "chơi game”

Nhớ lại kỷ niệm hồi còn bé, anh hào hứng khi được bố mẹ mua lại cho chiếc máy tính nhỏ từ người quen để học tập. Vừa hiếu kỳ, lại bị hấp dẫn bởi nhiều trò chơi điện tử như bắn súng, đế chế, DotA… nên Tuyên dành nhiều thời gian để khám phá, chinh phục những ván chơi khó.

Lên cấp 3, anh học ở trường chuyên Lương Văn Chánh (Tuy Hòa, Phú Yên). Vì trường học xa nhà nên Tuyên không chịu sự quản lý trực tiếp của bố mẹ. Những lúc rảnh, anh lại thư giãn bằng việc chơi game.

“Bố mẹ mình cũng lo lắng chuyện mình chơi game sẽ dễ nghiện nhưng không cấm cản, chỉ theo dõi và quản lý. Thi thoảng, mẹ có tới chỗ mình học để kiểm tra.

Với mình, chơi nhưng vẫn ý thức được việc học là chính. Thi thoảng có “lún sâu” vào game, mình lại học “cày” để bù lại”, chàng trai 9x kể.

Từ những lần chơi game, Tuyên cảm thấy rất hứng thú và không khỏi băn khoăn: “Tại sao người ta có thể sản xuất rất nhiều trò chơi trên máy tính hấp dẫn như thế?”. Để giải đáp cho thắc mắc của mình, anh đã quyết định nộp hồ sơ vào khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính của ĐH Bách Khoa TPHCM với mong muốn tìm hiểu sâu hơn về máy tính, khám phá cách tạo ra các trò chơi điện tử.

Theo học ĐH Bách Khoa TPHCM được một năm, anh thi đỗ vào lớp kỹ sư tài năng và học đến khi ra trường (năm 2013). Sau khi tốt nghiệp, Tuyên thử sức làm việc tại công ty phần mềm ở Việt Nam 1 năm rồi mới quyết định sang Hàn để theo đuổi giấc mơ du học.

Anh may mắn được nhận học bổng do giáo sư Hàn Quốc tài trợ và làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính, Đại học Kyung Hee, Hàn Quốc (2014-2019). Với mong muốn được trải nghiệm, học hỏi ở môi trường nghiên cứu nước ngoài, TS. Tuyên chọn làm việc trong bộ phận nghiên cứu và phát triển của công ty AgileSoDA để xây dựng những giải pháp công nghệ giúp ứng dụng trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội như ngân hàng, bảo hiểm, hệ thống robot, thiết kế chip bán dẫn…

Từ chàng trai mê game đến tiến sĩ công nghệ thông tin giành giải Quả Cầu Vàng 2022 ảnh 1

10 bằng độc quyền sáng chế

So với nhiều lĩnh vực khác, TS. Tuyên nhận thấy, ngành Công nghệ thông tin có một đặc thù là biến đổi rất nhanh, cập nhật liên tục, khối lượng công việc khổng lồ. Do đó, người nghiên cứu cần phải có khả năng quan sát, nhìn nhận, đánh giá và chọn lọc những công nghệ mới, khả quan để đào sâu nghiên cứu.

Trong quá trình làm việc tại phòng nghiên cứu và phát triển của công ty AgileSoDA (Hàn Quốc), TS. Tuyên đã có 10 bằng độc quyền sáng chế. Trong đó, 7 bằng sáng chế liên quan đến việc ứng dụng giải thuật học tăng cường (reinforcement learning) vào giải quyết bài toán phát hiện gian lận (fraud detection), hay tự động hóa quá trình yêu cầu bồi thường tại các công ty bảo hiểm (claim automation). Những bằng sáng chế này đã tạo nền tảng xây dựng sản phẩm BakingSoDA đang được một số công ty lớn tại Hàn Quốc sử dụng.

Ngoài ra, anh cũng kỳ công nghiên cứu và có 1 bằng sáng chế liên quan đến hệ thống robot được điều khiển bằng AI, tạo cơ sở bước đầu để xây dựng sản phẩm RoboSoDA. Cuối cùng, 2 bằng sáng chế liên quan đến việc ứng dụng giải thuật học giúp tăng cường việc thiết kế mạch bán dẫn, thúc đẩy quá trình hoàn thiện sản phẩm ChipNSoDA.

Từ chàng trai mê game đến tiến sĩ công nghệ thông tin giành giải Quả Cầu Vàng 2022 ảnh 2

TS. Tuyên cùng các đồng nghiệp.

Nhận định trong vai trò là một nhà nghiên cứu, TS Tuyên cho rằng, sáng chế nào cũng đều có một ý nghĩa, giá trị riêng. Không chỉ vậy, những sáng chế liên quan đến việc thiết kế mạch bán dẫn sử dụng giải thuật học tăng cường còn mang lại cho anh nhiều cảm hứng nghiên cứu, hứa hẹn đem lại giá trị cho ngành công nghiệp thiết kế mạch bán dẫn.

“Hiện tại, mình vẫn đang đào sâu nghiên cứu và học hỏi ở lĩnh vực mới này - nơi mình cảm thấy hiểu biết của mình thật nhỏ bé, từ đó thêm cảm phục trí tuệ của những kỹ sư đã thiết kế nên các bản vi mạch”, chàng tiến sĩ 9x nói.

Từ chàng trai mê game đến tiến sĩ công nghệ thông tin giành giải Quả Cầu Vàng 2022 ảnh 3

Qua số lượng bài báo nghiên cứu khoa học, TS. Tuyên cho biết, anh không kỳ vọng về số lượng bài báo khoa học trong tương lai mà chỉ hy vọng nghiên cứu đó đi đúng hướng. Hơn nữa, “nghĩa vụ và trách nhiệm” anh đặt ra cho chính bản thân khi nghiên cứu khoa học là sự cống hiến hết sức cho mỗi nghiên cứu để hướng đến giá trị thực tiễn, đáp ứng được kỳ vọng của xã hội.

“Và để trở thành một nhà khoa học “liêm chính”, bản thân những người nghiên cứu trước tiên phải trung thực. Người nghiên cứu cần đặt độ tin cậy và uy tín của công trình nghiên cứu lên hàng đầu. Bên cạnh đó, nhà khoa học luôn phải đặt trách nhiệm xã hội song song với nghiên cứu, để từ đó, cân nhắc những việc cần làm để xã hội trở nên tốt đẹp hơn”, chàng trai tiến sĩ 9x nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.