Nhà sàn mơ ước của các nghệ nhân dệt thổ cẩm H’ra Ea H’Ning

TPO - Được trao tặng ngôi nhà sàn che mưa nắng và trưng bày các sản phẩm thổ cẩm cho khách tham quan, nhiều nghệ nhân ở buôn vùng sâu H’ra Ea H’Ning vừa có nguồn thu nhập ổn định, vừa bảo tồn được nghề truyền thống quý giá.

Ngày 31/8, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã vùng sâu Dray Bhăng (huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) sơ kết 3 năm hoạt động của tổ hợp tác dệt thổ cẩm H’ra Ea H’Ning và kỷ niệm 2 năm tiếp nhận nhà sàn tình nghĩa do Hội Từ Tâm Đắk Lắk trao tặng.

Nhà sàn mơ ước của các nghệ nhân dệt thổ cẩm H’ra Ea H’Ning ảnh 1

Nghệ nhân dệt thổ cẩm trong ngôi nhà sàn được Hội Từ Tâm trao tặng.

Bà H’Neo Bdap, tổ trưởng tổ thợ dệt buôn H’ra Ea H’Ning cho biết trước kia các nghệ nhân trong buôn dệt thổ cẩm để làm lễ vật cưới hỏi, may trang phục mặc vào dịp lễ hội hoặc để bán nhỏ lẻ.

Nhân lúc Tỉnh Hội triển khai cuộc vận động Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của hộ gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số tại chỗ, bà Bdap đề xuất với Hội LHPN xã thành lập tổ hợp tác dệt thổ cẩm tại buôn H’ra Ea H’Ning.

Tổ hợp tác này bắt đầu hoạt động vào tháng 7/2021, được Hội LHPN huyện hỗ trợ 30 triệu đồng từ nguồn vốn khởi nghiệp;,Hội LHPN xã và chính quyền địa phương hỗ trợ vốn để mua một số vật dụng dệt thổ cẩm.

Nhà sàn mơ ước của các nghệ nhân dệt thổ cẩm H’ra Ea H’Ning ảnh 2

Thành viên tổ hợp tác giới thiệu sản phẩm thổ cẩm.

Theo bà Bdap, giai đoạn đầu, chỗ ngồi dệt của các nghệ nhân là chái nhà mượn tạm của một gia đình tốt bụng trong buôn, không che nổi nắng mưa. Trời nắng, những mảnh bạt tạm bợ không đủ che mát chỗ ngồi.

Những khi mưa lớn, nước tràn vào cơ sở dệt, các tổ viên phải mang sản phẩm về nhà tự dệt. Một số sản phẩm không được tổ trưởng kiểm soát trực tiếp dẫn đến bị lỗi hoa văn. Nguồn hàng và chất lượng sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu của phía thu mua.

Trước tình hình đó, bà H’Ler Eban, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Buôn Ma Thuột đã tìm cách kết nối, tìm đầu ra cho vải thổ cẩm. Một số cơ sở may trang phục truyền thống, giáo xứ, hộ gia đình, đặc biệt là nhà may Ami Sia đã thu mua, tiêu thụ vải, giúp nhiều nhóm thợ dệt thổ cẩm có nguồn thu nhập, trong đó có tổ hợp tác buôn H’ra Ea H’Ning.

Tiếp đó, bà H’Ler đề nghị Hội Từ Tâm Đắk Lắk giúp đỡ tổ hợp tác dệt thổ cẩm ở xã vùng sâu này.

Nhà sàn mơ ước của các nghệ nhân dệt thổ cẩm H’ra Ea H’Ning ảnh 3

Phụ nữ dân tộc Ê Đê chụp ảnh lưu niệm trước ngôi nhà sàn.

Sau khi khảo sát, tìm hiểu thực tế, Hội quyết định tặng nhà sàn dài theo kiến trúc Ê Đê với số đầu tư xây dựng hơn 300 triệu đồng cho các nghệ nhân buôn H’ra Ea H’Ning. Nhờ vậy, các nghệ nhân có chỗ ngồi làm việc an toàn và nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm, thu hút du khách đến tham quan và mua thổ cẩm.

Bà Trương Thị Sen, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Cư Kuin đánh giá cao hoạt động của tổ hợp tác dệt thổ cẩm H’ra Ea H’Ning.

“Năm 2021, khi mới thành lập, thu nhập thêm lúc nông nhàn của mỗi phụ nữ làm nghề dệt thổ cẩm chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng, hiện đã tăng lên từ 4-6 triệu đồng. Xã Dray Bhăng nên nhân rộng mô hình tổ hợp tác này để giúp thêm nhiều chị em tăng thu nhập”, bà Sen nhấn mạnh.

Nhà sàn mơ ước của các nghệ nhân dệt thổ cẩm H’ra Ea H’Ning ảnh 4

Học sinh khó khăn được nhận quà từ Hội Từ Tâm.

Dịp này, Hội Từ Tâm Đắk Lắk trao 10 suất quà (mỗi suất trị giá 450.000 đồng) cho học sinh nghèo, tặng buôn H’ra Ea H’Ning 2 cây bàng và 30 cây sao để trồng lấy bóng mát, tạo cảnh quan quanh nhà sàn và khu vực lân cận.

MỚI - NÓNG