6 điểm tựa Việt Nam
Chương trình Điểm tựa Việt Nam phát sóng tối 15/9 kể những câu chuyện cảm động từ tâm lũ.
Thông qua những câu chuyện chân thực từ thực tiễn ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, chương trình gửi đi thông điệp về những điểm tựa trong bão lũ. Người Việt Nam ở mỗi vị trí của mình đều có thể làm một điểm tựa cho đồng bào, cho đất nước trong những thời khắc khó khăn.
Các đại biểu dành phút mặc niệm, tưởng nhớ những người thiệt mạng do mưa lũ, thiên tai. |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu dành phút mặc niệm, tưởng nhớ những người mất do mưa lũ, thiên tai những ngày qua. Trong bài phát biểu, Thủ tướng chia sẻ về "6 điểm tựa Việt Nam".
Điểm tựa thứ nhất là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân, trong nước và quốc tế.
Điểm tựa thứ hai là sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong gần 95 năm qua. "Đảng không có mục tiêu nào khác ngoài mục tiêu mang lại độc lập, tự do cho dân tộc và cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân", Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.
Điểm tựa thứ ba là truyền thống lịch sử - văn hóa hào hùng, văn minh, văn hiến của dân tộc, tinh thần tương thân, tương ái.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nhân dân cũng là một điểm tựa, bởi "dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong".
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ về "6 điểm tựa Việt Nam". |
Điểm tựa thứ năm là quân đội, công an. Khi cần, khi khó có quân đội, có công an. Điểm tựa thứ sáu là tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc ta, với tinh thần "biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể".
Tại chương trình Điểm tựa Việt Nam, Thủ tướng kêu gọi đồng bào, đồng chí tiếp tục chung tay khắc phục hậu quả siêu bão số 3 tại 26 tỉnh, thành phố phía Bắc.
Ngời sáng nghĩa anh hùng, nghĩa đồng bào
Câu chuyện của cán bộ chiến sĩ ngày đêm thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn tại tâm lũ, của những con người may mắn trở về sau thiên tai và cả những nỗi đau mất người thân khiến các đại biểu, khán giả không cầm được nước mắt.
Hình ảnh đau thương ở Làng Nủ (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) là minh chứng cho sự tàn khốc của thiên tai. Cơn lũ quét qua khiến nhiều em nhỏ tại trường mầm non số 1 Phúc Khánh (huyện Bảo Yên) mãi mãi không thể quay lại lớp học thân thương.
Thiên tai cũng để lại nỗi ám ảnh với những đứa trẻ. Chương trình Điểm tựa Việt Nam ghi lại sự chia sẻ xúc động của một người mẹ ở Lào Cai cùng con chạy lũ. Chị kể rằng con gái lớn lúc nào cũng hỏi: Mẹ ơi, còn phải chạy không?
Tính đến 17h30 ngày 15/9, bão số 3 và hoàn lưu bão đã khiến 330 người chết, mất tích (292 người chết, 38 người mất tích). |
Hoàn cảnh của em Nguyễn Quốc Bảo (8 tuổi) được cứu khỏi dòng nước xiết ở tỉnh Tuyên Quang khiến nhiều người xúc động. Quốc Bảo như được sinh ra lần nữa khi được Đại úy Lục Văn Nguyên - cán bộ công an xã Yên Thuận (huyện Hàm Yên, Tuyên Quang) - kịp thời giải cứu.
Đại úy Lục Văn Nguyên kể anh nhận tin ba bố con em Nguyễn Quốc Bảo bị lũ cuốn. Chỉ có Bảo bám được vào ngọn tre giữa dòng nước xoáy nên mắc lại.
"Nhận điện thoại, tôi bật dậy lấy áo phao chạy đi, hô hào các đồng chí cùng ứng trực. Tôi không suy nghĩ nhiều, nhảy xuống chỗ cháu Bảo và một đồng chí khác đang đứng. Thấy cháu không biết bơi, tôi cởi áo phao để Bảo mặc. Trong lúc buộc áo phao, Bảo nói với tôi: Các chú cứu bố và em cháu với", anh Nguyên nhớ lại.
Đại úy Lục Văn Nguyên kể lại thời khắc lao xuống dòng nước, nhường áo phao cho em Nguyễn Quốc Bảo. |
Anh cùng một số thành viên đội cứu nạn, cứu hộ ở xã chạy chân trần tìm kiếm bố và em gái của Bảo suốt gần nửa tiếng nhưng không được. Hai người đã qua đời vì lũ cuốn.
Xuất hiện tại chương trình, bé Bảo nhớ lại khoảnh khắc được chơi đùa cùng bố. Bảo nói ước mơ muốn trở thành cảnh sát. Sau cơn hoạn nạn, Đại úy Lục Văn Nguyên cũng trở thành bố nuôi của Bảo, đồng hành với em trên con đường thực hiện ước mơ.
Xúc động trước nỗi đau mất người thân của em Nguyễn Quốc Bảo, dịp này Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời động viên và trao quà cho Bảo.
Trong những giờ phút gian nan, chiến sĩ quân đội, công an trực tiếp đi vào điểm nóng để cứu giúp đồng bào. Chương trình Điểm tựa Việt Nam cũng tôn vinh tấm gương của Đại úy Nguyễn Đình Khiêm - Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 513, Quân khu 3 đã anh dũng hy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ tại huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh.
Nghĩa đồng bào không thể đong đếm trong cơn bão, trận lũ lịch sử. Trong vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ) hôm 9/9, anh Phạm Trường Sơn thoát cửa tử trong gang tấc vì được ba người dân kịp thời xuống cứu.
"Xung quanh toàn là nước, chân tôi bị dập cơ, nghĩ sức mình không bơi vào được nữa và buông xuôi. Khi thấy một con thuyền đang nổ máy để chạy ra phía mình, cảm xúc của tôi dâng trào. Họ kéo lên, tôi biết mình được sống. Nghĩa anh hùng trong người ta không có thì chắc không dám ra dòng lũ xiết như vậy", anh Sơn cảm động nói.
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ - Phó Cục trưởng Cục cứu hộ, cứu nạn (Bộ tổng tham mưu QĐND Việt Nam) - nhớ lại sức tàn phá quá khủng khiếp của cơn bão YAGI. Những ngày bão lũ quét qua các tỉnh phía Bắc, lực lượng quân đội, công an chạy đua với thời gian để cứu người. Tất cả xác định đây là mệnh lệnh từ trái tim.
"Lực lượng cứu hộ, cứu nạn xác định tìm kiếm các nạn nhân cũng như tìm kiếm người thân của chính mình. Khi đến các địa phương, đặc biệt là ở Làng Nủ, chúng tôi cảm nhận được nghị lực vượt khó của người dân. Không ai kìm lòng được trước những mất mát. Khoảnh khắc lực lượng cứu nạn tiến hành tìm kiếm nạn nhân, người đến nhận dạng khóc, người chưa tìm được gia đình cũng khóc. Họ quay lại động viên nhau", Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ rưng rưng kể lại.
Những giọt nước mắt xúc động tại chương trình Điểm tựa Việt Nam. |
Những đợt quyên góp lớn, những chuyến xe cứu trợ đầy ắp lương thực, áo quần và nhu yếu phẩm cùng hàng nghìn tình nguyện viên đóng góp công sức... cũng là điểm sáng được nhắc tới trong chương trình.
Những ngày này người dân cả nước với tất cả tấm lòng, tinh thần đùm bọc, sẻ chia đều hướng về vùng lũ.