Nhà khoa học hàng đầu Trung Quốc xây dựng mô hình ‘siêu chiến hạm’

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chuẩn Đô đốc Ma Weiming, một người đóng vai trò then chốt trong nỗ lực phát triển những công nghệ hải quân tiên tiến nhất của Trung Quốc, vừa tiết lộ ý tưởng thiết kế một tàu chiến tương lai mà ông khẳng định là không giống bất kỳ con tàu nào mà thế giới từng thấy.
Nhà khoa học hàng đầu Trung Quốc xây dựng mô hình ‘siêu chiến hạm’ ảnh 1

Mô hình siêu chiến hạm mà ông Ma Weiming và các đồng nghiệp xây dựng.

“Nó sẽ đảo ngược hoàn toàn đội hình chiến đấu của các hạm đội hải quân được thiết lập trong hơn 100 năm qua”, Chuẩn Đô đốc Ma Weiming viết trong bài đăng trên tạp chí của Hiệp hội Kỹ thuật điện Trung Quốc, số ra ngày 13/6.

Hiện tại, các nền tảng tác chiến hải quân trên khắp thế giới, các nhóm tác chiến tàu sân bay trở nên phức tạp hơn vì nhiệm vụ đa dạng mà chúng phải thực hiện. Điều này khiến chúng khó phối hợp hành động hiệu quả, đồng thời cũng tốn kém khi chế tạo và vận hành.

“Siêu chiến hạm” của Trung Quốc có thể thực hiện nhiệm vụ của gần như toàn bộ hạm đội tàu sân bay, Ma và các đồng nghiệp của ông khẳng định trong bài báo mô tả hệ thống tác chiến hải quân mới, kết hợp vũ khí điện từ và hệ thống điện chạy bằng năng lượng hạt nhân mạnh mẽ.

Theo mô hình đồ hoạ máy tính được sử dụng trong bài viết, siêu chiến hạm này mang theo một số lượng lớn máy bay nhưng khác với tàu sân bay truyền thống.

Nhiều tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, hệ thống điện của chúng thường được thiết kế để cung cấp năng lượng cho động cơ đẩy của tàu và các hệ thống cơ bản khác. Vai trò chính của tàu sân bay là tạo nên sự hỗ trợ trên không cho các hoạt động hải quân, thay vì tham gia chiến đấu trực tiếp.

Mô hình siêu chiến hạm mà ông Ma thiết kế được trang bị vũ khí điện từ mới như súng điện từ rail gun, coilgun, bệ phóng tên lửa, vũ khí laze và sóng vi ba cường độ lớn.

Bài viết khẳng định, công nghệ tiên tiến của con tàu “biến đổi thông minh và hiệu quả nguồn năng lượng của con tàu thành năng lượng điện từ cần thiết để cung cấp năng lượng cho vũ khí công suất cao”.

Điều này giúp một tàu chiến duy nhất có khả năng phòng thủ chính xác trước các cuộc tấn công trên không, tham gia chiến tranh chống tàu ngầm, đánh chặn tên lửa và thực hiện các cuộc tấn công chính xác vào cả mục tiêu trên biển và trên bộ.

Vì thế, “một con tàu đa năng duy nhất có thể thực hiện tất cả nhiệm vụ truyền thống của một hạm đội tàu thông thường”, Chuẩn Đô đốc Ma Weiming khẳng định.

Hiện nay, năng lượng hạt nhân không thể được sử dụng như vũ khí trong chiến tranh thông thường.

Hệ thống tên lửa phóng điện là một loại hệ thống sử dụng năng lượng điện từ để phóng tên lửa.

Một trong những ưu điểm chính của hệ thống tên lửa phóng điện là nó cho phép bắn tên lửa liên tục và nhanh chóng. Các hệ thống phóng tên lửa truyền thống thường đòi hỏi một lượng thời gian đáng kể để nạp đạn và chuẩn bị khai hỏa, nhưng hệ thống tên lửa phóng điện có thể nạp đạn tự động, cho phép tên lửa bắn nhanh và liên tục.

Tốc độ và độ chính xác của hệ thống phóng tên lửa điện sẽ khiến hạm đội tàu sân bay gặp khó khăn trong việc né tránh hoặc phòng thủ khi tên lửa đang lao tới.

Cho đến nay, Trung Quốc là quốc gia duy nhất tiến hành thử nghiệm bắn pháo điện từ cỡ lớn trên biển. Theo ông Ma, Đại học Kỹ thuật hải quân ở Trung Quốc gần đây đã đạt được một số bước đột phá quan trọng trong việc phát triển các loại súng điện từ nhỏ hơn.

Những tiến bộ bao gồm làm thu nhỏ và giảm trọng thiết bị phóng và nguồn cung cấp năng lượng, tích hợp hệ thống vũ khí súng điện từ vào phương tiện và nâng cao độ chính xác khi bắn.

Chuẩn Đô đốc Ma Weiming cho biết, việc áp dụng công nghệ phóng điện từ trong hải quân Trung Quốc trong những năm gần đây là kết quả của hơn 2 thập kỷ làm việc chăm chỉ và cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ phương Tây.

Theo chuyên gia này, Mỹ dẫn đầu trong lĩnh vực này từ những năm 1980, nhưng bước sang thiên niên kỷ mới, các nhà khoa học Trung Quốc nhận được sự hỗ trợ lớn và bền bỉ hơn từ chính phủ nước này so với các đối thủ cạnh tranh. Ví dụ, dự án CG(X) là một chương trình của hải quân Mỹ nhằm phát triển một lớp tàu tuần dương tên lửa dẫn đường mới, được trang bị các hệ thống vũ khí tiên tiến, bao gồm hệ thống phóng điện từ.

Chương trình này bị hủy bỏ từ năm 2010 vì “yêu cầu công nghệ quá cao và chi phí quá cao”, Ma nói.

Chương trình súng điện từ của hải quân Mỹ là một dự án khác nhằm phát triển súng điện từ công suất cao để sử dụng trong chiến tranh tương lai. Tuy nhiên, chương trình phải đối mặt với những thách thức kỹ thuật liên quan đến cung cấp năng lượng và tản nhiệt, và đã bị thu hẹp trong những năm gần đây.

Điều này làm chậm tiến độ của Mỹ trong lĩnh vực này, nhưng tạo cơ hội cho Trung Quốc giành lợi thế trong cuộc đua phát triển các hệ thống phóng điện từ tiên tiến và hiệu quả hơn, Chuẩn Đô đốc Ma Weiming khẳng định.

Theo SCMP
MỚI - NÓNG