Nhà báo Philippines: Khó lường Trung Quốc trên biển Đông

Trung Quốc biến đá Chữ Thập ở Trường Sa thành đảo nhân tạo và quân sự hóa. Ảnh vệ tinh: Digital Globe.
Trung Quốc biến đá Chữ Thập ở Trường Sa thành đảo nhân tạo và quân sự hóa. Ảnh vệ tinh: Digital Globe.
TPO - Trước các hành động phi pháp của nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc gần bãi Tư Chính của Việt Nam và của các tàu Trung Quốc khác gần đảo Thị Tứ, nhà báo Philippines Jaime Laude vừa gửi bài viết cho Tiền Phong, dẫn lời giới chức nước này rằng, thật khó lường các mưu đồ và động thái của Bắc Kinh trên biển Đông.

Qua các phát ngôn của mình, Trung Quốc mong muốn thể hiện họ cư xử đúng mực nhưng trong quá trình thúc đẩy các yêu sách chủ quyền biển đảo chiếm gần hết biển Đông, nước này có những động thái tồi, khiến các nước liên quan cũng như cộng đồng quốc tế bực mình. Và nghiêm trọng hơn là họ sẵn sàng biến tư thế phòng vệ của mình trong khu vực thành các chiến dịch tấn công quân sự.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói thẳng, mọi người cần hiểu rằng, trong quân sự, bất kỳ năng lực phòng thủ nào cũng luôn sẵn sàng biến thành năng lực tấn công. Bắc Kinh liên tục bị các nước trong và ngoài khu vực cáo buộc, chỉ trích quân sự hóa biển Đông với việc triển khai hệ thống tên lửa, máy bay chiến đấu, tàu chiến ở các đảo nhân tạo ở Trường Sa. Mới đây, Trung Quốc còn đưa nhiều tàu lớn, trong đó có tàu hải cảnh, tàu hải giám, tàu khảo sát địa chấn tới khu vực bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

Trung Quốc cũng đã và đang có nhiều hành động vi phạm vùng biển của Philippines, như điều tàu thăm dò, tàu chiến tới vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Bộ trưởng Lorenzana đã yêu cầu Bắc Kinh giải thích về các hoạt động của tàu nghiên cứu, tàu chiến Trung Quốc trong vùng biển Philippines.

Ông Lorenzana nói với kênh tin tức Philippines ANC rằng, từ tháng 2 tới tháng 7, Trung Quốc đã bốn lần điều một số tàu chiến qua eo biển Sibutu ở cực nam Philippines mà không xin phép. Ông cũng nói rằng, hai tàu nghiên cứu của Trung Quốc cũng xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Mưu đồ thống trị khu vực tranh chấp quyết liệt

Tuy nhiên, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa nói rằng, Trung Quốc hiện “không tìm kiếm rắc rối” trong những tranh chấp chưa giải quyết được ở biển Đông. Để chính phủ Philippines yên tâm, Đại sứ Trung Quốc cũng khẳng định rằng, mong muốn của Trung Quốc là tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tranh chấp biển đảo, thay vì sa vào xung đột hoặc tìm liếm rắc rối.

“Theo lời Trung Quốc, họ ở đây không để tấn công ai cả mà để bảo vệ quyền lợi của chính họ. Họ luôn nói rằng, những gì họ đang làm ở biển Đông, ở các đảo nhân tạo đều mang tính phòng vệ”, Bộ trưởng Lorenzana nói. Nhưng một quan chức an ninh của Philippines khẳng định, Trung Quốc gia tăng hiện diện quân sự ở biển Đông đều nhằm mục đích nâng cao năng lực tấn công quân sự trong kế hoạch thống trị khu vực tranh chấp quyết liệt. “Trung Quốc đang nâng cao năng lực để khẳng định quyền kiểm soát quân sự thông qua chống tiếp cận biển Đông”, vị này nói.

Bộ trưởng Lorenzana nói rằng, ông đồng ý với tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper rằng cách hành xử gây gấn, gây mất ổn định của Trung Quốc ở biển Đông đang gây căng thẳng trong khu vực. “Tôi đồng ý (với ông Esper) bởi vì họ (Trung Quốc) đã quân sự hóa, cải tạo các bãi cạn, bãi đá ngầm và biến chúng thành đảo nhân tạo. Họ xây cơ sở hạ tầng, đường bay dài trên đó, cho máy bay quân sự hạ cánh, lắp đặt vũ khí phòng thủ. Đó là quân sự hóa”, ông Lorenzana nói.

Dự kiến, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ thăm Bắc Kinh vào cuối tháng này. Ông cam kết sẽ nêu vấn đề phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế, theo đó, tòa bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc.

Tháng trước, cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói rằng, thất bại của ông Duterte trong việc tìm cách để Trung Quốc tuân thủ phán quyết đã dẫn tới việc Trung Quốc có “thêm nhiều hành động phi pháp, hăm dọa, bắt nạt ở biển Đông”.

Theo Thái An (dịch)
MỚI - NÓNG