Người tìm lửa

Anh Mai Văn Phương (bên phải) cùng đồng nghiệp kiểm tra các thiết bị trên tàu.
Anh Mai Văn Phương (bên phải) cùng đồng nghiệp kiểm tra các thiết bị trên tàu.
TP - “Để hoàn thành nhiệm vụ, bên cạnh sự trung thực, tỉ mỉ, biết tôn trọng người khác, mỗi kỹ sư còn phải dũng cảm, dám chấp nhận thử thách, khó khăn, thậm chí hy sinh để vượt lên chính mình, để chiến thắng...”. Đó là chia sẻ của anh Mai Văn Phương, Kỹ sư trưởng vận hành nguồn nổ tàu Bình Minh 02 - Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2013.

Nghề chọn người

Hiện nay, anh Mai Văn Phương (sinh năm 1982) là Kỹ sư trưởng Vận hành nguồn nổ tàu Bình Minh 02 (Công ty TNHH MTV Dịch vụ Khảo sát và Công trình ngầm PTSC- Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam).
Năm 23 tuổi, tốt nghiệp Khoa Điện tử, Đại học Bách khoa TP HCM, Mai Văn Phương lên đường sang Trung Quốc làm việc cho một Cty , với mục đích học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ, kỹ năng, để về nước khởi nghiệp. Sau một năm, về nước đúng dịp Cty tuyển người và từ kể đó Mai Văn Phương  gắn bó với “nghiệp” vận hành nguồn nổ tàu Bình Minh 02. 

“Trước tới giờ, tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ làm việc trên tàu biển. Đúng là nghề chọn người! Về nước, vào công ty làm việc ở vị trí kỹ sư nhưng trên tàu toàn chuyên gia nước ngoài nắm giữ các vị trí, công việc quan trọng. Môi trường mới, không được ai chỉ bảo bởi sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, lại thêm chuyện các chuyên gia nước ngoài giấu nghề, nên tôi cứ như kỹ sư thực tập. Trong khi đó, trong nước chưa có cơ sở nào đào tạo ngành này”, anh Phương nhớ lại những ngày tháng khó khăn nhận việc trên tàu.

Thử thách đầu tiên đến với anh Phương là thích nghi với say sóng. Mỗi ca làm việc kéo dài suốt 12 tiếng. Có hôm quá mệt, còn một tiếng cuối cùng, anh xin người quản lý về nghỉ vì nôn quá nhiều, kiệt sức. Thế rồi, kỹ sư trưởng điểm danh cuối ca đã nổi nóng khi không thấy anh Phương. Ông yêu cầu anh phải làm bù thêm một tiếng đồng hồ vào ca sau. Đó là lần anh nhớ nhất trong suốt quãng thời gian làm việc trên tàu bởi cái đáng sợ của say sóng và tính kỷ luật của chuyên gia nước ngoài. “Sau lần ấy, tôi nghĩ không còn cách nào khác là phải đối đầu với say sóng để vượt qua, phải thích nghi với môi trường chuyên nghiệp. Tôi vừa làm việc, vừa khéo léo quan sát học hỏi các chuyên gia nước ngoài”, anh Phương chia sẻ.

Xác định được tư tưởng là đối mặt để vượt qua khó khăn, nâng cao tay nghề, Mai Văn Phương dần dần tạo được niềm tin với chuyên gia nước ngoài. Anh làm việc hăng say, chịu khó học hỏi. Sau một thời gian anh đã làm chủ được công nghệ, đưa ra nhiều sáng kiến. Kết quả cuối cùng rất đáng tự hào là anh đã trở thành kỹ sư trưởng vận hành nguồn nổ tàu Bình Minh 02- người Việt Nam đầu tiên làm chủ được công nghệ này.

Khi nói về công việc của mình, anh Phương bộc bạch rằng nghề khảo sát là đi trước, đón đầu nhưng phải kế thừa, tiếp bước cha anh. “Để hoàn thành nhiệm vụ, bên cạnh sự trung thực, tỉ mỉ, biết tôn trọng người khác, mỗi kỹ sư còn phải dũng cảm, dám chấp nhận thử thách, khó khăn, thậm chí hy sinh để vượt lên chính mình, để chiến thắng”, anh Phương nói.

Không chỉ khó khăn về điều kiện làm việc, các thành viên trên tàu Bình Minh 02 còn gặp nhiều nguy hiểm vì không ít lần bị tàu Trung Quốc đe dọa, quấy phá khi thăm dò trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. “Năm 2011, khi tàu Hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02, mình đang làm việc trên tàu, chứng kiến từ đầu đến cuối sự kiện. Lần đầu gặp phải tình huống này, đa số anh em đều hoang mang. Nhưng sau lần đó, mỗi khi gặp sự chống phá của tàu nước ngoài, mọi người đều có cách ứng phó”, anh Phương chia sẻ.

Người tìm lửa ảnh 1 Mai Văn Phương (phải) trong một chuyến đi biển.
Tiếp tục vượt khó 

Tiếp bước con đường những người tìm lửa và giữ ngọn lửa dầu khí , Công ty TNHH MTV Dịch vụ Khảo sát và Công trình ngầm PTSC ra đời và đi vào hoạt động với tàu khảo sát địa chấn 2D Bình Minh 02, tàu khảo sát địa chất công trình địa vật lý Surveyor và 2 robot lặn biển ROV. 

Là một trong những thành viên của con thuyền PTSC, Kỹ sư trưởng vận hành nguồn nổ tàu Bình Minh 02 Mai Văn Phương không ngại khó, ngại khổ, cống hiến hết sức mình. Với tinh thần làm việc sáng tạo, làm chủ khoa học công nghệ trong lĩnh vực hoạt động của mình, anh đã có những sáng kiến kỹ thuật giúp đơn vị tiết kiệm hàng tỷ đồng chi phí sản xuất kinh doanh. Với các sáng kiến của mình, anh Phương góp phần quan trọng, cùng tàu Bình Minh 02 thực hiện thành công rất nhiều dự án trong và ngoài nước. 

Theo ông  Lê Trí Thành, Giám đốc  PTSC G&S, từ năm 2012, Cty  tiếp tục thực hiện khảo sát biển, đặc biệt là ở khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam mà Trung Quốc vẽ “Đường lưỡi bò” với những yêu sách phi lý. Công tác khảo sát địa chấn là hoạt động thượng nguồn, đi đầu, gặp nhiều khó khăn. Những người thực hiện nhiệm vụ khảo sát biển có thể coi là những người đầu tiên phải đối mặt những cản trở, phá hoại.
 “Khi gặp khó khăn, cản trở, chúng tôi không nao núng do đã có sự chuẩn bị tốt. Quan trọng hơn, chúng tôi luôn tự tin vào những việc mình làm và có lòng tự tôn dân tộc”, ông Thành khẳng định.  
 
Trăn trở riêng tư!

Khi kể về gia đình, giọng nói anh Phương như chùng lại vì thương vợ con. “Tôi cứ xa nhà biền biệt. Việc nhà, chăm sóc con cái dồn lên vai vợ. Khổ nhất khi con ốm đau, bệnh tật, một mình cô ấy phải chạy đôn đáo, quán xuyến mọi việc. Trăn trở nhất của tôi là con cái ngày càng lớn, càng cần sự gần gũi dạy dỗ sát sao của bố nhưng mình thì cứ biền biệt. Dù mình có thành công bao nhiêu trong công việc nhưng con cái không được dạy dỗ tốt, không thành người tốt thì thành công đó không thể trọn vẹn được. Thương vợ và biết ơn cô ấy đã hy sinh để cho mình một hậu phương vững chắc”, anh Phương tâm sự.

Với những thành tích đạt được, năm 2013, anh Mai Văn Phương vinh dự nhận được giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu. Khi nhắc đến giải thưởng này, anh chia sẻ: “Giải thưởng là nguồn cổ vũ to lớn cho bản thân tôi tiếp tục có thêm sáng kiến, sáng tạo trong công việc, cống hiến, hăng say hơn trong lao động sản xuất góp phần nhỏ bé của mình tìm ra nguồn năng lượng quý giá phục vụ cho sự phát triển của đất nước và thể hiện được tình yêu nước qua việc làm cụ thể của mình là trực tiếp tham gia vào việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng biển đảo của Tổ quốc”.

Năm 2015, với vai trò là Kỹ sư trưởng Vận hành nguồn nổ tàu Bình Minh 02, anh Mai Văn Phương có thêm nhiều sáng kiến, được lãnh đạo công ty  áp dụng trong thực tế như: Giải pháp cải tiến trong việc tháo dỡ, vận chuyển và lắp ráp nguồn nổ địa chấn; Giải pháp chống ăn mòn các thiết bị trên nguồn nổ địa chấn…

Từ 2013 đến nay, anh Mai Văn Phương nhận nhiều giải thưởng tiêu biểu khác như Giải thưởng Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác 2014; Bằng Lao động sáng tạo 2015 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Bằng khen Bộ Công Thương các năm 2014, 2015; Đại biểu Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc 2015; Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam 2015…

MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.