Khách tây thành thạo, khách ta thăm dò
Lễ hội âm nhạc Quest tại Khu sinh thái Sơn Tinh Camp (Bà Vì, Hà Nội) sắp diễn ra, dự tính qui tụ 4.000 khán giả, mời hơn 150 nghệ sĩ (trong đó có khảng 70 DJ, 30 màn trình diễn âm nhạc) trong nước và quốc tế, biểu diễn tại 4 sân khấu tuyệt đẹp cùng với các hoạt động điện ảnh, workshop dạy trống, yoga, múa đương đại…), nghệ thuật đường phố và hơn thế nữa.
Nhóm sáng tạo nhắn nhủ đến người chơi: Đừng sợ bất ngờ, vì Quest là tập hợp của những bất ngờ xuyên suốt chương trình.
Chị Nguyễn Thu Hường, một quester từng tham dự hai mùa chia sẻ: Quest 2015 có sự đầu tư tốt về âm nhạc, phong phú về các mảng và loại nhạc hơn so với năm trước nữa. Ai cũng tìm được nhạc của mình. “Có nhiều điểm vui chơi giải trí khác để chúng tôi thư giãn giữa các tiệc nhạc nảy lửa” .
Vũ Minh Quân, du học sinh Đức từng dự Quest 2015 bình luận “không thể tưởng tượng ở Hà Nội lại có một cuộc rong chơi âm nhạc đình đám và ngất ngây đến vậy!”.
Theo giám đốc lễ hội Malcolm Duckett, khán giả Việt Nam sẽ không phải đi đâu xa để thưởng thức nhiều thể loại âm nhạc đa dạng, những tác phẩm nghệ thuật sắp đặt độc đáo, phim cũng như các workshop, các màn biểu diễn nghệ thuật, nhào lộn, múa lửa, diễn thuyết và các trò chơi. Người tham dự sẽ tìm thấy niềm đam mê mới, những âm điệu mới, bạn bè mới và một nhận thức mới về khả năng sáng tạo và nghệ thuật biểu diễn. “Đối với chúng tôi, điều quan trọng nhất là khán giả tìm được chính mình qua lễ hội này”.
Nhóm tổ chức hạn chế dùng từ “khán giả” , họ gọi khách của mình là quester hoặc “người chơi”. “Quester đừng trở thành một khán giả và đừng sợ bất ngờ!”. Hiệu ứng của Quest phụ thuộc vào mức độ hòa nhập của người chơi.
Đối với những người đã tham dự lễ hội, Quest là một trải nghiệm độc đáo, có một không hai, nhưng với những người Việt chưa tham dự bao giờ, tìm được một thứ để so sánh và quy chiếu “Trải nghiệm Quest” sẽ là một thách thức. Bước vào năm thứ tư nhưng việc mang hàng trăm nghệ sĩ đến với Quest cũng như điều hành lễ hội là bài toán cực kỳ đắt đỏ.
Một mình một kiểu kéo khách
Trước lễ hội một tháng, Quest tổ chức ba tiệc âm nhạc tiền trạm tại Hong Kong, Bangkok và TP Hồ Chí Minh để mời gọi nghệ sĩ và khán giả tề tựu về lễ hội chính thức tại Hà Nội. Ba tuần trước giờ G, Quest tổ chức hai workshop cho người chơi trổ tài làm phụ kiện hóa trang, các loại mũ nón, vương miện, phụ kiện cài đầu…. theo chủ đề Sơn Tinh - Thủy Tinh cho chính mình để diện trong lễ hội.
Tiêu chí chọn ban nhạc là tất các bản nhạc “cho dân và vì dân”. Giữa các màn biểu diễn nhà tổ chức sẽ tham khảo danh sách khán giả yêu cầu trên trang facebook của Quest và chơi những giai điệu nhiều like nhất ngay trên sân khấu. Người hâm mộ nghệ thuật underground có cơ hội gặp được các nhóm nghệ sĩ yêu thích từ các nước Âu Mỹ, châu Á và Úc. Một số dòng nhạc ưu tiên cho giới trẻ như rap folk, nhạc điện tử , drum và bass. Say Yes Dog (Luxemburg), Iphaze (Pháp), Windstar Sou (Mỹ), Kimmese (Việt Nam), Windrunner (Việt Nam) cùng các DJ đình đám như Kolour hay Cliché (HongKong)… hứa hẹn nâng người nghe lên đỉnh.
Chủ đề năm ngoái là Quái vật, năm nay là Sơn Tinh - Thủy Tinh. Lý giải lựa chọn này, ông Malcolm cho hay: Quest là nơi để các nền văn hóa tìm hiểu lẫn nhau và kết nối, chứ không bị bó buộc hạn chế trong một nhóm người. “Chủ đề có thể giành được tình cảm từ cả người Việt và người nước ngoài đang sống và đến thăm Việt Nam và đây thực sự là cách tuyệt vời để quáng bá văn hóa Việt Nam”.
Đêm chính hội sẽ có trận quyết chiến giữa hai vị thần núi và sông được miêu tả bằng các màn trình diễn nhảy, múa lửa, nhào lộn trong ánh sáng và âm nhạc.
Theo truyền thống, kết thúc lễ hội sẽ là màn đốt hình nộm khổng lồ trong điệu nhảy tiết tấu của các vũ công.
Không đưa tin quảng cáo rộng rãi, không họp báo, truyền thông xã hội của Quest hoạt động tích cực trên trang Facebook song ngữ Anh Việt của mình. Chỉ lác đác trên một hai trang mạng âm nhạc có thông tin về lễ hội.
Các questers thích thú với loạt ý tưởng trang trí và bảo vệ môi trường. Năm ngoái nhiều khách ấn tượng với sản phẩm gạt tàn nhỏ xinh in hình logo lễ hội và túi rác di động đính móc treo bên hông. Năm nay, giám đốc sáng tạo Mark Harris sẽ cho gắn mỗi gốc gây một gạt tàn làm từ gáo dừa có sơn UV phát quang. Có góc riêng cho những người thích chơi màu sắc. Sắp đặt ánh sáng và dàn âm thanh “quái thú” sẵn sàng thỏa mãn dân chơi nghệ thuật. Ban tổ chức mời cả nhóm Giữ Hà Nội Xanh của ông Tây nhặt rác James Joseph Kendall đến lễ hội để tập huấn dọn dẹp cho các tình nguyện viên và kỹ năng “sống sót” 3 ngày trong rừng cho những người rong chơi âm nhạc.
Thách thức lớn nhất đối với nhóm điều hành, một tổ chức không có hỗ trợ tài chính lớn, là làm sao để mang đến cho khán giả một lễ hội đẳng cấp thế giới mà vẫn nằm trong khả năng tài chính của khán giả nhà. Giá vé combo trung bình 1,5 triệu đồng cho 3 ngày của Quest đồng nghĩa rằng ban tổ chức sẽ không kiếm được lợi nhuận. Mặt khác, giá vé này vẫn còn cao đối với nhiều đối tượng khán giả, giám đốc Malcolm Duckett cho biết.
Nhiều khán giả trẻ tò mò lắm nhưng phân vân vì nghe nói đồ ăn uống trong lễ hội hơi mắc so với bên ngoài. Năm nay tiền mặt sẽ không lưu thông trong lễ hội. Thay vào đó mỗi người tới dự sẽ được phát chiếc vòng tay điện tử (chủ nhân nạp tiền từ cổng) và sử dụng nó như phương tiện thanh toán trong suốt 3 ngày Quest diễn ra. Trong lúc khán giả mới đang lưỡng lự thì dịch vụ thuê lều thông báo đã hết sạch lều nhóm cỡ lớn. Khán giả ruột và những người linh cảm được trải nghiệm có một không hai tại Quest đã đặt vé gần như chẳng chần chừ.
Tháng 11/2013, hai giáo viên tiếng Anh người nước ngoài là Ben và Amanda tổ chức một bữa tiệc cuối tuần trong rừng để thoát khỏi cuộc sống thành thị bận rộn. Ý tưởng tổ chức lễ hội âm nhạc thường niên tại Khu sinh thái Sơn Tinh Camp (Ba Vì, Hà Nội) được rất nhiều người hưởng ứng, mặc dù Ben và Amanda không ở Việt Nam nữa, nhưng ngọn lửa này đã được nhen nhóm và truyền lại trở thành hoạt động thường niên.