Ngô Lực: Tôi không muốn nghĩ trong hộp

Họa sỹ Ngô Lực.
Họa sỹ Ngô Lực.
TP - Tôi gặp họa sĩ Ngô Lực lần đầu tiên trong một quán cà phê bình dân ở quận 3, TPHCM và ngay lần đó tôi đã trò chuyện khá lâu với người họa sĩ trẻ này. Những người sáng tác trẻ ở Sài Gòn có vẻ như không hay nói chuyện sáng tác triền miên như đồng nghiệp ở Hà Nội mà thường tán những chuyện của người khác, những câu chuyện về xã hội về đời sống. Ngô Lực thì khác, câu chuyện về nghệ thuật luôn thường trực ở khắp mọi nơi.

Không còn là nông dân

Ngô Lực nói với tôi rằng: “Em nghiệm thấy trên đời không có gì là không thay đổi được, như em đây, nông dân 100% nhưng bây giờ đã là người thành thị”. Ngô Lực vốn quê ở một tỉnh đồng bằng Bắc bộ, một mình lặn lội vào Nam và thi đậu vào trường Mỹ thuật Gia Định. Chàng trai này thích nói chuyện với các thầy giáo của mình hơn cả nghe các bài giảng.

Qua những câu chuyện lần gặp đầu tiên cách đây gần chục năm, tôi đã thấy Ngô Lực là người ham đọc, không ngại tranh luận. Bạn bè của Ngô Lực khá đông là các nhà văn, nhà thơ và nhà phê bình. Một số bạn sáng tác trẻ nói với tôi rằng nhiều người rất quý và hy vọng vào Ngô Lực và tạo mọi điều kiện để Ngô Lực sáng tác và giới thiệu tác phẩm của mình. Mọi người thường để ý xem chàng trai gốc Bắc này sẽ giới thiệu sản phẩm thế nào đây, bởi những sáng tác của Ngô Lực thật là khó lường.

“Cái đúng, cái sai chỉ là tương đối. Có những thứ nơi này cho đúng, nhưng nơi khác lại không nghĩ như vậy”.

Họa sỹ Ngô Lực

Người nông dân rất ngại đi khỏi lũy tre làng của mình, rất dị ứng với cái mới và yêu quý truyền thống đến mức tôn sùng, nhưng Ngô Lực thì khác, họa sĩ này chủ trương: “Cứ sáng tác, cứ sáng tạo ra tác phẩm, còn phân loại và gọi tên chúng là việc của người khác”. Ngô Lực là một nghệ sĩ hậu hiện đại thực sự, khi họa sĩ này không sáng tác tác phẩm của mình làm sao cho vừa với “cái hộp” thể loại đã có, giống như những định nghĩa đã có. Bởi nói cho cùng, định nghĩa về thể loại phải ra đời sau khi các tác phẩm đã xuất hiện và phổ biến chứ không phải định nghĩa là một thứ “giấy phép” cho ra đời các tác phẩm.

Vẽ trên trâu

Ngô Lực được báo chí giới thiệu nhiều tác phẩm vẽ trên cơ thể mà người ta gọi là Body art. Nghệ thuật này không phải là mới vì nó có mặt ở nhiều nước và nhiều họa sĩ cũng đã làm, song với Ngô Lực thì nó là cách họa sĩ này đưa ra thông điệp nghệ thuật của mình về người họa sĩ thế kỷ 21. Trước kia người ta nghĩ rằng đã là tác phẩm hội họa thì phải được vẽ trên giấy hay làm sơn mài. Những tác phẩm này được đóng khung treo lên để thưởng thức, còn các bức tranh vẽ trên cơ thể thì sao? Đôi khi chúng ta thấy những bức vẽ này như “có chân” vì người mẫu không phải là mảnh toan để vẽ hay tấm ván để ta khắc gỗ.

Ngô Lực cùng một số đồng nghiệp còn vẽ trên những con trâu. Vẽ trên trâu khó hơn nhiều vì chúng còn “khó bảo” hơn con người, chúng liên tục ve vẩy, cử động khiến cho các bức vẽ không giống như tính toán ban đầu của họa sĩ. Những người nông dân thì thích thú với việc những con trâu của họ được làm đẹp và những người họa sĩ thì gần gũi với người nông dân hơn bao giờ hết khi chính những con trâu là cảm hứng cho cả hai trong công việc mỗi người.

Ngô Lực: Tôi không muốn nghĩ trong hộp ảnh 1 Tranh: Nguyễn Xuân Hoàng
Lần mới gặp đây, họa sĩ Ngô Lực cho biết dạo này đang “Tự quay phim về mình rồi cắt ghép lại thành những tác phẩm đem đi triển lãm”. Hình ảnh người nghệ sĩ với cây cọ không còn hiện diện như một hình ảnh đặc trưng của người họa sĩ nữa, nghệ thuật thị giác được đan cài giữa điện ảnh, hội họa và có lẽ còn hơn thế. Đôi khi Ngô Lực ra đường và quay những phần trình diễn của mình như thể một người kỳ dị mà người xem không biết đấy là một họa sĩ. Vậy điều gì khiến Ngô Lực luôn tỏ ra khá “kỳ quái” như vậy?   

Thoát ra cái hộp tư duy

Ngô Lực giờ đây gần với “một công dân thế giới”, “nghệ sĩ quốc tế” hơn trước kia, khi có nhiều năm lang thang ở Philippines và từng học nghệ thuật tại Nhật Bản. Sự khác biệt giữa các nền văn hóa, chính trị, sự khác biệt về lịch sử, dân tộc hay tư tưởng đã khiến Ngô Lực cảm thấy con người rất dễ bị rơi vào tình trạng định kiến nếu ít được giao lưu và tiếp xúc với những gì mà mình chưa biết, chưa tiếp xúc, không trải nghiệm. “Cái đúng, cái sai là tương đối - Ngô Lực nói - Có những thứ nơi này cho đúng, nhưng nơi khác lại không nghĩ như vậy”.

Người họa sĩ này thường ví von suy nghĩ con người giống như những chiếc hộp, mỗi người có một cái hộp riêng và cố gắng giữ cái hộp ấy, không để ai lấy đi mất, nó tạo ra cái riêng của mỗi người. Người ta tiếp thu kiến thức mỗi ngày, trải nghiệm mỗi ngày, khiến cái hộp ấy theo thời gian chứa đựng nhiều thứ hơn, nhưng chung quy thì con người cũng chỉ suy nghĩ và cảm nhận ở trong cái hộp ấy mà thôi. Vậy điều gì nếu ta mở tung cái hộp ấy, suy nghĩ bên ngoài cái hộp ấy? liệu chúng ta có thể làm được điều đó hay không.

Ngô Lực đã từng làm một triển lãm “mở” trong đó trưng bày nhiều tác phẩm của Ngô Lực, song người xem tới đó thay vì chỉ thưởng thức, họ được mời vẽ tiếp vào tác phẩm những gì họ cho là cần thiết, bổ sung những gì họ cho là chưa hoàn thiện hoặc đơn giản là họ thích được thử làm họa sĩ một lần thay vì chỉ làm người đi xem tranh như mọi ngày. Điều Ngô Lực phát hiện ra đó là “những cái hộp” ấy không bao giờ va vào nhau mà trong trường hợp này, chúng luôn giữ một khoảng cách với nhau và chính khoảng cách đó rất đáng yêu: Tất cả những người tham gia vẽ vào tranh Ngô Lực đều cố gắng biểu đạt những gì riêng của họ song cũng không muốn vì thế mà làm hỏng đi những tác phẩm của Ngô Lực! Từng con người khác nhau bản thân đã thú vị rồi, nhưng những khoảng cách nho nhỏ giữa các cá nhân cũng thú vị không kém. 

Đi tìm không gian

Ngô Lực từng tham gia nhiều triển lãm tại các nước và nhận xét rằng ở Việt Nam rất thiếu những không gian sáng tạo mà người nghệ sĩ ở đó mặc sức thử nghiệm để tìm ra các kết quả mà họ mong muốn. “Nhiều người cứ hỏi những tác phẩm của tôi là thuộc thể loại gì? Tại sao anh lại phải làm như thế mà không vẽ thành các bức tranh treo lên tường như mọi người?” - Ngô Lực lắc đầu không biết phải trả lời làm sao. Bởi đơn giản là ở Việt Nam có quá ít những không gian nghệ thuật thử nghiệm. Nếu ở Nhật hay ở nhiều nước khác hẳn họa sĩ không phải giải thích những điều như vậy.

Ngô Lực: Tôi không muốn nghĩ trong hộp ảnh 2 Tác phẩm mới nhất của Ngô Lực
Vài năm trước Ngô Lực từng mở một không gian nghệ thuật thử nghiệm riêng tại Thủ Đức. Chàng họa sĩ này nói rằng: “Tôi muốn tạo không gian để các nghệ sĩ trẻ có thể thoải mái giới thiệu các tác phẩm của mình. Tôi không muốn định hướng cho họ, cũng không đưa ra những tiêu chuẩn nghệ thuật là phải như thế này, phải như thế kia, nước ngoài họ làm thế này họ định nghĩa thế này quan niệm thế nọ thì các anh phải làm thế này như thế nọ mới có giá trị… Tôi muốn họ tự chịu trách nhiệm về những sáng tác của chính mình một cách độc lập”.

Điều ngạc nhiên là không gian nghệ thuật ở Thủ Đức của Ngô Lực đã đóng cửa không chỉ vì lý do nhiều người đặt ra câu hỏi kiểu như “tại sao không vẽ trên vải mà vẽ trên con trâu?” mà còn vì không nhiều người hào hứng với nghệ thuật mang tính thử nghiệm: “Hóa ra những người có máu thử nghiệm và đam mê với nghệ thuật thử nghiệm không đông đảo như mình nghĩ”. Bây giờ Ngô Lực “còn lại” một mình, ở nhà tự làm các phim do mình đóng và tự quay, tự đi triển lãm ở nước ngoài!

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.