Nghịch lý vùng sông nước nhưng... thiếu nước

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “Nghịch lý là vùng Đồng bằng sông Cửu Long sống trên nước nhưng lại thiếu nước. Điều này do hạn, mặn và phèn gây ra”, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội cấp thoát nước Việt Nam nói và cho biết hiện nay xâm nhập mặn đã diễn ra nhiều nơi ở vùng này.

Khai thác nước ngầm quá mức

Theo ông Trần Anh Tuấn, mặn dâng lên nhưng không xác định là bao lâu, độ mặn thì khác nhau và ngày càng tăng lên, lượng muối trong nước có nơi không thể xử lý nổi. Thậm chí có lãnh đạo ở Cà Mau từng nói “nấu canh khỏi bỏ muối vì mặn quá rồi”.

Năm 2020, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có khoảng 18.000 giếng khoan nước ngầm do hộ cá nhân làm. Qua đó, gây ra một loạt vấn đề ô nhiễm. Ví dụ như ở Bạc Liêu người dân hút nước ngầm bơm lên pha loãng nước mặn để nuôi thủy sản, sau đó không dùng thì rút ống dẫn đến nước ô nhiễm, nước mặn từ mặt theo các giếng này xâm nhập vào hệ thống nước ngầm nên giờ toàn bộ vùng Tây Nam sông Hậu (trừ An Giang, Kiên Giang) thì không còn nước mặt, vùng Bạc Liêu, Cà Mau là nước ngầm, nhiều giếng đóng vì bị nhiễm mặn.

 Nghịch lý vùng sông nước nhưng... thiếu nước ảnh 1

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội cấp thoát nước Việt Nam - phát biểu tại hội thảo Sống chung với hạn mặn. Ảnh: Hòa Hội.

Phó Chủ tịch Hội cấp thoát nước Việt Nam cho biết, khi mặn dâng lên, không xác định được mặn bao lâu, trước đây 1-2 tuần, rồi 1 tháng, giờ có khi 2 tháng, còn độ mặn thì cũng tăng dần dẫn đến xử lý không nổi nữa. Trong khi đó, quy chuẩn quy định nguồn nước sinh hoạt là 0,25g/lít, còn kịch bản biến đổi khí hậu chỉ tính tới tối đa là 1g/lít, gấp 4 lần quy chuẩn.

Theo ông Tuấn, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thực hiện quy hoạch nước vùng ĐBSCL, riêng nội dung cấp nước dự kiến biến đổi khí hậu, mặn xâm nhập 40-65 km tính từ cửa biển. Xây dựng nhà máy cấp nước cho 13 tỉnh ĐBSCL, đảm bảo cấp nước cho đô thị, công nghiệp và 30% người dân vùng ven nông thôn, ven biển, sẽ sử dụng nguồn nước này. Dự báo tới năm 2030 cần 2,5 - 2,7 triệu m3/ngày đêm dùng cho đô thị; đến năm 2025 sẽ cần 3 - 3,2 triệu m3/ngày đêm.

Ông Tuấn cho rằng, đây là khó khăn phải tính toán, không thể nhỏ lẻ từng nơi, không thể khoan nước ngầm được nữa. Cà Mau giờ khoan sâu 280m cũng nhiễm mặn, phèn, các địa phương khác như Long An, Bến Tre khoan tới 400-450m mới có nước ngọt, khả năng nước ngầm là hạn chế. Trong khi tác hại của nước ngầm là đất khô, lún sụt.

Tính toán phương án nhà máy cấp nước thô

Theo tính toán, nguồn nước cho đô thị và dân xung quanh, công nghiệp ở ĐBSCL chia 3 vùng, gồm: Bắc sông Tiền, giữa sông Tiền - sông Hậu và Tây Nam sông Hậu; để tìm nguồn nước, xây dựng 4 nhà máy nước cấp cho người dân liên vùng.

Tuy nhiên, nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy nếu xây dựng nhà máy nước sạch cấp cho vùng đầu tư lớn, mà không kế thừa được nhà máy hiện có. Do vậy, phương án đầu tư cấp nước thô cho các nhà máy hiện có để xử lý cấp cho dân sẽ tiết kiệm hơn nhiều, vì các nhà máy hiện có vẫn hoạt động bình thường. Do nước mặt nhiễm mặn nên cần đầu tư đường ống nước từ thượng nguồn đưa về để các nhà máy hiện có xử lý cung cấp cho người dân.

 Nghịch lý vùng sông nước nhưng... thiếu nước ảnh 2

Người dân chờ lấy nước mang về nhà sinh hoạt tại Bến Tre.

Dự báo, ĐBSCL tới năm 2030 sẽ có khoảng 45% dân sống trong đô thị, với tổng dân số khoảng 7-8 triệu dân, nhu cầu nước sạch khoảng 2,5-3 triệu m3/ngày đêm cả công nghiệp và sinh hoạt. Đây là an sinh xã hội lớn cho cả vùng ĐBSCL nên cần xem xét tổ chức thực hiện.

Được biết, tháng 3/2020, một doanh nghiệp có văn bản gửi UBND các tỉnh Tiền Giang và Long An báo cáo đề xuất ý tưởng dự án dẫn nước thô từ thượng nguồn sông Tiền về thay thế cho các nguồn nước bị nhiễm mặn tại các nhà máy nước tại hạ nguồn. Sau khi ý tưởng dự án được đề xuất, UBND tỉnh Bến Tre đề nghị cùng với UBND các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre đồng kiến nghị Thủ tướng chính phủ cho phép triển khai thực hiện dự án và nhập Bến Tre vào cùng vùng cấp nước với 2 tỉnh còn lại.

Từ đề xuất của 3 tỉnh, sau khi báo cáo được thông qua tại Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), dự án “Trạm bơm nước thô Cái Bè và hệ thống tuyến ống truyền tải” chính thức được đề xuất tới Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 2/3/2021, giải pháp dẫn nước thô của dự án đã được Thủ tướng chính phủ cho phép điều chỉnh tại quyết định số 287/QĐ-TTg. Cũng trong cùng thời điểm đó, đơn vị cũng gửi đề xuất tới UBND 3 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng ý tưởng dẫn nước từ hệ thống cống thuỷ lợi Cái Lớn, Nhà máy đặt tại khu vực Ninh Quới để cấp nước sạch cho 3 tỉnh khu vực bán đảo Cà Mau.

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.