Bàn giải pháp để sống chung với hạn, mặn ở vựa lúa lớn nhất cả nước

0:00 / 0:00
0:00
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang cao điểm mùa khô, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra trên diện rộng, và sẽ còn lặp lại ở các năm sau. Do đó, rất cần giải pháp thích ứng phù hợp từ sản xuất, sinh hoạt của người dân để “sống chung” với hạn, mặn. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Văn Phạm Đăng Trí - Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Trường ĐH Cần Thơ về chủ đề này.

- Xin ông cho biết những hoạt động của Viện thời gian qua trong tham gia góp ý với các bộ ngành, địa phương để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn tại khu vực ĐBSCL?

PGS.TS. Văn Phạm Đăng Trí: Thời gian qua, Viện và các đơn vị khác trong Trường ĐH Cần Thơ đã tổ chức nghiên cứu, tham gia góp ý vào những dự thảo quy định chuyên ngành ứng phó với biến đổi khí hậu, trên cơ sở thực tế, điều kiện cụ thể của ĐBSCL. Viện cũng tổ chức nhiều hội thảo khoa học chuyên ngành, liên ngành, với sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, cơ quan quản lý, doanh nghiệp, và người dân nhằm phổ biến các kết quả nghiên cứu đạt được. Qua các hội thảo, ý kiến trao đổi của các bên được ghi nhận để góp ý trong xây dựng, hoàn thiện chính sách mang tính khoa học, cụ thể.

Bàn giải pháp để sống chung với hạn, mặn ở vựa lúa lớn nhất cả nước ảnh 1

Hội thảo Sống chung với hạn, mặn vùng ĐBSCL do báo Tiền Phong tổ chức với sự đồng hành của Trường ĐH Cần Thơ, Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu.

- Từ các nghiên cứu của mình, Viện có thể đưa ra một số gợi ý về chính sách, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay đang tác động lên sản xuất và cuộc sống của người dân vùng ĐBSCL?

PGS.TS. Văn Phạm Đăng Trí: Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP, có thể xem là định hướng “thuận thiên” cho phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Về giải pháp thích ứng, trước tiên, cần đảm bảo nước sạch cho con người, bằng hoàn thiện hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung, đáp ứng nhu cầu nước sạch tối thiểu hằng ngày.

Đối với sản xuất nông nghiệp, cần chuyển đổi để hạn chế tối đa tác động tiêu cực của hạn, mặn. Từng hộ nông dân phải có giải pháp trữ nước ngọt, tưới tiết kiệm, khoa học, tránh lãng phí nguồn nước; đảm bảo hệ thống kênh mương có khả năng trữ ngọt nhằm cung cấp nước tưới cho cây trồng, vật nuôi vào mùa khô. Hệ thống công trình thủy lợi (ngăn mặn) cần hoàn chỉnh, phát huy hiệu quả trong ngăn mặn, giữ ngọt. Đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước về quy hoạch vùng trồng, sản xuất nông nghiệp, đặc biệt vùng rủi ro do hạn, mặn.

Các hệ thống quan trắc, cảnh báo cần đưa ra được dự báo sớm, thông báo rộng rãi tới người dân, địa phương một cách hiệu quả và hữu dụng, đặc biệt vùng dễ bị tổn thương do hạn hán, xâm nhập mặn. Trong tương lai, vùng ĐBSCL cần hoàn thiện, đảm bảo hệ thống dữ liệu về biến động tài nguyên nước được cập nhật, chia sẻ kịp thời, hiệu quả, rộng rãi.

Ngoài ra, cần có sự phối hợp giữa các cấp quản lý với lực lượng nghiên cứu khoa học, đảm bảo những vấn đề trên được giải quyết một cách khoa học, vững chắc, mang lại hiệu quả thiết thực cho địa phương, người dân hưởng lợi.

- Mùa khô năm nay, hạn mặn tiếp tục tác động lớn tới hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân, điều này đòi hỏi chúng ta cần làm gì để thay đổi nhận thức, ứng phó hiệu quả, sống chung với hạn, mặn thời gian tới?

PGS.TS. Văn Phạm Đăng Trí: Có một thực tế, một phần diện tích đất vùng ven biển nguy cơ nhiễm mặn cao nhưng người dân vẫn tự ý trồng lúa vụ Đông Xuân muộn, rủi ro khi hạn, mặn tới. Điều này cần phải thay đổi thời gian tới, thông qua việc tuyên truyền, vận động người dân từ chính quyền địa phương. Người dân vùng dễ bị tác động bởi hạn mặn cần thay thế vụ lúa Đông Xuân muộn bằng cây trồng, vật nuôi khác, để đảm bảo sinh kế, không cần chấp nhận rủi ro khi sản xuất lúa mùa khô.

Công tác nghiên cứu khoa học cũng cần được đảm bảo kịp thời, có khả năng đề xuất giải pháp ngăn chặn, ứng phó và giảm tác hại của xâm nhập mặn. Để việc này được thực hiện hiệu quả, cần đảm bảo cơ chế làm việc rõ ràng để nhà khoa học có thể hỗ trợ hiệu quả công tác phòng chống hạn, mặn tại địa phương.

Bàn giải pháp để sống chung với hạn, mặn ở vựa lúa lớn nhất cả nước ảnh 2
PGS.TS. Văn Phạm Đăng Trí - Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Trường ĐH Cần Thơ.

- Viện có thể cho biết một số kết quả trong hợp tác quốc tế của Viện thời gian qua trong tìm kiếm giải pháp ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL?

PGS.TS. Văn Phạm Đăng Trí: Viện cùng các đơn vị khác của Trường ĐH Cần Thơ, các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài nước, như Trường Đại học Uttrech và Viện Deltares (Hà Lan), thực hiện dự án đánh giá sự thay đổi nguồn tài nguyên nước ngầm và nước mặt, tình trạng sụt lún vùng ĐBSCL. Đây là một nghiên cứu mang tính tổng quan, là cơ sở khoa học quan trọng cho các dự án nghiên cứu về thay đổi đồng bằng ở các cấp tỷ lệ khác nhau. Viện cũng đã tiếp tục chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học của dự án cho các bên liên quan, nhằm nâng cao nhận thức, thúc đẩy sáng tạo của cộng đồng nhằm thích ứng với sự suy giảm nguồn nước ngọt.

Các kết quả nghiên cứu khoa học chỉ mang lại hiệu quả cụ thể cho ĐBSCL khi người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương xem đây là cơ sở quan trọng cho các quyết định, ở từng cấp quy mô khác nhau. Viện đã xây dựng và củng cố mạng lưới MekongNet (mạng lưới cộng đồng bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu ĐBSCL) nhằm kết nối cộng đồng, xác định vấn đề, đánh giá hiệu quả thực tiễn của từng giải pháp được rút ra từ các nghiên cứu khoa học.

- Đây là lần đầu tiên Báo Tiền Phong phối hợp cùng Trường ĐH Cần Thơ, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu tổ chức một Hội thảo chuyên đề về sống chung với hạn, mặn vùng ĐBSCL, xin ông cho biết kỳ vọng kết quả từ hội thảo này mang lại?

PGS.TS. Văn Phạm Đăng Trí: ĐBSCL đang giữa cao điểm mùa khô, hạn hán và xâm nhập mặn lấn sâu vào đất liền, và hoàn toàn có thể lặp lại trong tương lai. Do vậy, việc bàn thảo, góp ý và đưa ra các gợi ý chính sách, giải pháp ứng phó hiệu quả với hạn, mặn từ sản xuất tới sinh hoạt của người dân là rất cần thiết. Trên cơ sở đó, các kết quả nghiên cứu khoa học sẽ được truyền tải tới cộng đồng, cơ quan quản lý để có thể áp dụng vào cuộc sống, mang tới lợi ích thiết thực cho người dân vùng ĐBSCL. Đó là mục tiêu mà cả Báo Tiền Phong và Viện cùng hướng tới, cùng đồng hành tổ chức hội thảo quan trọng này. Tôi cũng kỳ vọng, sau hội thảo lần này, mối quan hệ hợp tác giữa Báo với Viện và Trường sẽ được thiết lập, cùng nhau có nhiều hoạt động mang lại ý nghĩa cho cộng đồng.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ngày 27/3/2024, Báo Tiền Phong với sự đồng hành của Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức “Hội thảo Sống chung với hạn, mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Miền Tây quay quắt giữa hạn, mặn: Nương theo quy luật để thích ứng lâu dài. Hội thảo có sự tham dự của đại diện Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT; lãnh đạo và chuyên gia Trường Đại học Cần Thơ; các chuyên gia độc lập về môi trường, biến đổi khí hậu, trồng trọt, nước sạch; đại diện sở ngành các tỉnh đang chịu tác động bởi hạn, mặn gồm: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang; đại diện lãnh đạo chủ đầu tư, doanh nghiệp trong lĩnh vực thuỷ lợi, nước sạch.

Hội thảo sẽ được trực tiếp và trực tuyến:

Thời gian: 8h30 ngày 27/03/2024, tại Trường Đại học Cần Thơ.

Trực tuyến trên tienphong.vn; fanpage Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG