Người dân Bến Tre chắt chiu từng giọt nước mùa hạn mặn. Ảnh: Hòa Hội |
Tới nay, ghi nhận độ mặn 4‰ xâm nhập cách các cửa sông chính khoảng 55-69km (sông Cửa Đại khoảng 55km, sông Hàm Luông khoảng 69km, sông Cổ Chiên khoảng 62km); độ mặn 1‰ xâm nhập cách các cửa sông chính khoảng 70-79km. Dù vậy, chưa ghi nhận nhiễm mặn gây thiệt hại tới sản xuất của người dân.
Toàn tỉnh Bến Tre có 67 nhà máy cấp nước sạch đang hoạt động, với tổng cộng khoảng 250.000m3/ngày đêm, chủ yếu khai thác từ nguồn nước mặt tại chỗ để xử lý.
Cống ngăn mặn khép kín bảo vệ sản xuất cho người dân Bến Tre. |
Theo Sở NN&PTNT Bến Tre, đối với các dự án, công trình thủy lợi sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả tốt, cơ bản kiểm soát được nguồn nước ở 2 tiểu vùng.
Cụ thể, vùng Bắc Bến Tre (khu vực huyện Châu Thành) các công trình ngăn mặn đưa vào sử dụng cơ bản kiểm soát được nguồn nước từ sông Tiền và sông Hàm Luông vào sông Ba Lai.
Khu vực Nam Bến Tre đã đưa vào sử dụng các công trình cống ngăn mặn giúp kiểm soát được nguồn nước từ sông Hàm Luông cho khu vực từ Thạnh Phú đến Vàm Cái Quao; phía sông Cổ Chiên kiểm soát được nguồn nước từ Thạnh Phú đến Vàm Thơm.
Song song đó, các công trình hồ chứa nước Kênh Lấp ở huyện Ba Tri dung tích hơn 800.000m3, phục vụ nhu cầu dùng nước cho 200.000 dân, 100.000 gia súc, 200 cơ sở tiểu thủ công nghiệp...
Theo Sở NN&PTNT Bến Tre, từ nay đến cuối mùa khô, ngành nông nghiệp tiếp tục tăng cường công tác quan trắc, thông tin kịp thời về diễn biến, tình hình xâm nhập mặn; đồng thời tuyên truyền, vận động người dân trữ nước ngọt để phục vụ chăn nuôi và tưới cho cây trồng. Cùng với đó, vận hành công trình cấp nước, công trình thuỷ lợi linh hoạt, hiệu quả; đảm bảo phương án cấp nước phục vụ sinh hoạt cho người dân, các khu công nghiệp,... trong thời điểm mặn diễn biến gay gắt. Ngoài ra, khép kín hệ thống công trình, phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi đã được đầu tư, đảm bảo nguồn nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh.
Ngày 27/3/2024, Báo Tiền Phong với sự đồng hành của Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức “Hội thảo Sống chung với hạn, mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
Miền Tây quay quắt giữa hạn, mặn: Nương theo quy luật để thích ứng lâu dài. Hội thảo có sự tham dự của đại diện Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT; lãnh đạo và chuyên gia Trường Đại học Cần Thơ; các chuyên gia độc lập về môi trường, biến đổi khí hậu, trồng trọt, nước sạch; đại diện sở ngành các tỉnh đang chịu tác động bởi hạn, mặn gồm: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang; đại diện lãnh đạo chủ đầu tư, doanh nghiệp trong lĩnh vực thuỷ lợi, nước sạch.
Hội thảo sẽ được trực tiếp và trực tuyến:
Thời gian: 8h30 ngày 27/3/2024, tại Trường Đại học Cần Thơ – Đường 3 tháng 2, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.
Trực tuyến trên tienphong.vn; fanpage Báo Tiền Phong.