Họ quảng cáo trước về tác phẩm và kêu gọi mọi người bỏ tiền ứng trước. Như thế, mỗi nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra vài chục đến vài trăm ngàn cho mỗi một cuốn sách, bộ phim hoặc album.Còn nghệ sỹ thì yên tâm thực hiện tác phẩm.
Những thành công khích lệ
Hồi đầu năm, giới xuất bản trong nước xôn xao vì dự án kêu gọi độc giả đặt tiền từ khi sách còn ở dạng bản thảo do Alpha Books khởi xướng với cuốn “Xứ Đông Dương” của Paul Doumer. Lập ra trang crobo.vn với mục đích dùng riêng vào việc gây quỹ cộng đồng, Alpha Books đã ứng trước được 155.250.000đ, thành công đến 104% so với dự kiến, để in “Xứ Đông Dương”. Dự án này sau đó có vấn đề vì sách phải thu hồi do quá nhiều lỗi, tuy nhiên ví dụ của Alpha Books đã lần nữa dấy lên làn sóng gây quỹ cộng đồng trong giới viết lách.
Cho đến nay, ở Việt Nam, “Long thần tướng” (bộ truyện tranh dã sử, dựa trên bối cảnh và các sự kiện lịch sử từ thời Trần) vẫn là ví dụ điển hình nhất của việc gây quỹ thành công. Chỉ sau hơn hai tháng thông báo, nhóm tác giả “Long thần tướng” đã thu được hơn 300 triệu đặt trước để in tập 1. Hiện nay “Long thần tướng” vẫn tiếp tục gây quỹ để xuất bản tập 3. Dự kiến bộ truyện này sẽ có 5 tập.
Hiện nay, nhóm tác giả làm “Long thần tướng” đã thành lập cả một trang chuyên gây quỹ cộng đồng cho truyện tranh Việt là Comicola. Nhiều dự án thành công ngoài mong đợi. Ví dụ dự án “Hoa văn Đại Việt” (sử dụng công nghệ vector để vẽ lại toàn bộ hoa văn cổ của Việt Nam) đã cán mốc 141%, vượt định mức 41% vốn đầu tư và con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên. Hoặc dự án gây quỹ để xuất bản tập “Truyện cực ngắn” của Đào Quang Huy cũng đã đạt 138%. Cuốn “Mật ngọt chết mèo” của Đặng Ngọc Minh Trang đã cán mốc 120%. “Chuyện bựa của Thành Trí” được 102% v.v…
Gây quỹ cộng đồng ở Việt Nam hiện đã phát triển sang cả lĩnh vực âm nhạc và điện ảnh. Nhóm nhạc “Ngọt” nhờ gây quỹ cộng đồng cũng đã thu được 50 triệu để ra album đầu tiên. Các cựu học sinh trường Amsterdam Hà Nội tận dụng hình thức gây quỹ cộng đồng để làm phim ngắn “DreAms” cũng rất thành công.
“Long thần tướng” bán kèm sổ - cách thường thấy của những cuốn sách gây quỹ cộng đồng.
Tiền đầu tư không dễ kiếm
Bên cạnh những dự án gọi vốn thành công, con số thất bại từ việc gây quỹ cộng đồng được một nhà văn trẻ ví như “nhất tướng công thành vạn cốt khô”. Trên trang Crobo, “Xứ Đông Dương” gắn mác thành công, nằm cạnh “Căn bệnh hoàng đế” (cuốn sách được giải Pulitzer 2011) kêu gọi độc giả gây quỹ mãi vẫn dừng ở mức 0 đồng. Thậm chí, như ở trang Comicola, tỉ lệ thất bại tương đối thấp, do đã thăm dò độc giả rất tốt song những dự án ì ạch hoặc thất bại vẫn tương đối nhiều. “Long thần tướng” mặc dù tập một và tập hai đã phá kỷ lục về dự án gây quỹ cộng đồng thành công nhất Việt Nam, đến tập ba hiện tại mới chỉ huy động được 50.000đ, chưa đạt mức 1%.
Nhà văn Đỗ Nhật Phi (giải Nhất Văn học tuổi 20 lần V với tiểu thuyết “Người ngủ thuê”) cũng đã thừa nhận thất bại trong dự án “vay bằng tiền, trả bằng văn” cho tác phẩm “Thành phố mùa đông” dự kiến ra mắt vào cuối năm. Nhật Phi tỏ ra không lạc quan với phương pháp gây quỹ cộng đồng cho những tác phẩm văn học “đích thực”. “Bản thân tôi cũng nghiên cứu khá kỹ về phương pháp này. Tất cả những cuốn sách đã gây quỹ thành công thì đều phải bán kèm rất nhiều thứ như huy hiệu, ốp lưng điện thoại, sổ tay, tranh v.v… toàn những thứ phi văn học. Tôi không làm được như thế. Thậm chí đã quên dự án ấy rồi!”.
Họa sĩ Nguyễn Khánh Dương (người sáng lập trang Comicola) cho biết: “Quá khó để đem một tác phẩm đầu tay ra gây quỹ cộng đồng. Thường muốn gây quỹ thành công, bạn phải có một uy tín cá nhân nhất định. Đây không phải là con đường dễ dàng để khởi nghiệp”.
Không thành công cũng thành nhân
Kinh nghiệm của những người đã gây quỹ thành công ở Việt Nam là phải nổi tiếng trước đã. Khi đã có uy tín với lượng độc giả nhất định mới gây quỹ thì khả năng thành công sẽ cao hơn.
Một phiền hà nữa trong việc gây quỹ cộng đồng là tác giả sẽ phải phân tán tinh thần để chăm sóc khách hàng của mình trong một thời gian khá dài (từ khi dự án khởi động đến tận… hậu kỳ).
Các chủ dự án gần như bắt buộc phải thường xuyên tương tác với cộng đồng bằng cách cập nhật tiến độ thực hiện, giới thiệu các ưu đãi với các mức độ đầu tư, trả lời các ý kiến đóng góp, thậm chí chỉnh sửa tác phẩm theo yêu cầu của độc giả.
Nhiều tác giả trẻ vẫn “như thiêu thân” lao vào gây quỹ, vì theo họ, nếu thất bại, ít nhất vẫn thiết lập được mạng lưới khách hàng thân thiết dõi theo sản phẩm của mình. Điều này có thể mở ra những cơ hội tìm kiếm đầu tư mới.
Mặt khác, thông qua tương tác trong quá trình huy động vốn, tác giả có thể đo lường được mức độ hứng thú của cộng đồng. Và còn là một động thái PR tương đối hiệu quả cho tác phẩm sắp ra đời.