Khi một tượng đài hoàn thành, xấu hay đẹp, tốt hay dở… thì nghệ sĩ điêu khắc luôn là những người “đứng mũi chịu sào”. Tuy nhiên, sự thật thì trong quá trình thực hiện tượng đài, không phải việc gì nghệ sĩ cũng được quyết, mà hầu hết đều phụ thuộc vào chủ đề đặt hàng của địa phương.
“Có đầu bài, việc của chúng tôi là giải!”
Thường, theo quy trình xây dựng tượng đài thì các mẫu phác thảo sẽ được chọn lọc qua các cuộc thi. Tuy nhiên, trong hầu hết các cuộc thi tượng đài, thành phần ban giám khảo bao giờ cũng bị chiếm gần nửa bởi các lãnh đạo địa phương, thường là không hiểu sâu mấy về nghệ thuật vì họ là các nhà đầu tư, những người làm nhiệm vụ “rót” tiền cho công trình, cuối cùng mới đến các nghệ sĩ. Bởi vậy, khi sản phẩm làm ra, có những công trình tốt nhưng vẫn có nhiều công trình thường thiếu tính thẩm mỹ, nghệ thuật.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: “Công trình càng quy mô, hoành tráng thì dấu ấn nghệ sĩ điêu khắc càng bị tác động, bởi phải qua khâu kiểm duyệt gắt gao. Sau khi hội đồng tượng đài chấm duyệt, các tác phẩm đều bị chỉnh sửa ít nhiều. Nghệ sĩ chỉ có nhiệm vụ khi mẫu đã xong thì thực hiện theo đúng yêu cầu. Ngoài ra, trong quá trình thi công, không phải lúc nào vật liệu và tay nghề của thợ cũng đạt yêu cầu của nghệ sĩ. Nói chung, việc các hội đồng không độc lập được với các thiết chế hành chính sẽ khó đảm bảo được về chất lượng tác phẩm cũng như mức độ công minh trong lựa chọn”.
Một đặc điểm dễ nhận thấy nhất ở tượng đài Việt Nam là thường thích to, hoành tráng. Cũng bởi trong quan niệm của người Việt thì tượng đài là để tôn vinh, là nơi uy nghiêm, người xem phải “ngửa mặt” nhìn chứ không phải nhìn ngang hay nhìn xuống.
Tuy nhiên, tượng đài càng to thì tai tiếng “rút ruột” tượng đài đổ lên vai những người làm tượng càng lớn. “Người ta bảo nghệ sĩ nhận tiền rồi mua đồng nát để xây tượng đài mà không hiểu rằng đồng cũ còn đắt hơn đồng mới. Đi gom bao nhiêu cái nồi đồng, mâm đồng cũ với giá đồ cổ bao giờ mới được 100 tấn đồng, trong khi chỉ có hơn 100 nghìn/kg đồng mới nguyên. Rồi họ cứ đòi làm bằng đồng nguyên chất mà không hiểu rằng không thể xây tượng bằng đồng 100% mà phải có chất dẫn chảy thì mới làm được. Tối thiểu cũng phải có thiếc, có kẽm, niken…”- nghệ sĩ Lưu Danh Thanh, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật chuyên ngành điêu khắc của Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết .
Tượng đài Việt còn bị “kêu” là ở địa phương nào cũng na ná nhau, thiếu cá tính nghệ sĩ, thiếu sáng tạo. Giải thích điều này, ông Lưu Danh Thanh, một người từng tham gia thực hiện nhiều công trình tượng đài ở Việt Nam nhận định hiện nay tượng đài Việt Nam vẫn phải làm theo chủ nghĩa hiện thực chứ chưa thể làm theo phong cách trừu tượng. Làm tượng cho nhân dân xem, mà nhân dân thì không phải ai cũng hiểu những ý tưởng của nghệ sĩ.
Một nghệ sĩ giấu tên bức xúc chia sẻ: “Báo chí cứ phê phán chúng tôi thiếu sáng tạo, làm tượng nào cũng giống nhau… nhưng chúng tôi nhận đề bài thế nào thì phải giải kiểu ấy. Tỉnh nào cũng muốn Bác Hồ đứng vẫy tay tươi cười thì chúng tôi không thể làm tượng Bác ngồi được. Địa phương yêu cầu chúng tôi làm tượng anh hùng thì phải cầm kiếm, tượng chiến thắng phải ôm súng, giơ tay… thì những điều đó đôi khi cũng hạn chế sự sáng tạo của nghệ sĩ”.
Xây tượng đài có lãng phí?
Chi phí của một số công trình quần thể quảng trường trong đó có cả tượng đài gần đây luôn gây kinh ngạc cho dư luận. Từ hơn 400 tỷ cho đến hơn nghìn tỷ mỗi công trình.
Có lẽ, chưa nước nào đúc đồng lại tốn kém như ở Việt Nam. Trong khi tượng thần Tự Do của Mỹ chỉ dày 2,7mm thì ở ta tượng đồng Phật hoàng Trần Nhân Tông có phần thịt đồng dày đến 4cm.
Theo tiết lộ của những người trong nghề, có nhiều lý do để gây nên sự tốn kém này. Trước hết là bởi việc thi công vẫn theo hình thức khoán, cứ 1kg đồng thì người thợ được trả 100 nghìn tiền công, như vậy, càng tốn nhiều đồng thì tiền công của thợ càng cao. Cho nên, công trình càng to, càng tốn nhiều đồng thì… rất lãng phí.
Một lý do khiến việc đúc tượng tốn kém mà chất lượng vẫn xấu và nhanh xuống cấp là bởi của ta vẫn làm theo phương pháp thủ công với khuôn đất trộn trấu. Vẫn dùng sức người đổ đồng vào khuôn tượng nên không tránh khỏi chỗ dày chỗ mỏng. Sau một thời gian, những chỗ mỏng sẽ bị nứt, nứt lại vá, vá lại nứt. Thế nên, dù tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ “ngốn” hết hơn 40 tỷ đồng vẫn không tránh khỏi thảm cảnh nứt và chảy gỉ xanh.
“Khổ cái là dân mình cứ ưa to. Có lần, mình tham gia một công trình tượng đài. Phía ta cũng đã mời Nga hợp tác đúc tượng với công nghệ ép đồng hiện đại. Bên họ ra giá trên 1 triệu USD, tượng chỉ tốn khoảng 5 tấn đồng, đúc bằng máy, bảo hành bền đẹp. Dân mình nghe thế hoảng hốt kêu 1triệu USD thì phải làm 50 tấn đồng chứ 5 tấn thì đắt quá! Cuối cùng , vụ hợp tác thất bại”- Nghệ sĩ Lưu Danh Thanh cười kể lại.
Curator Nguyễn Anh Tuấn cũng cho rằng Việt Nam phải thay đổi dần cách làm tượng đài, tiếp nhận những nghệ sĩ mới, tiếp nhận phương pháp mới hiện đại của thế giới. “Các công trình tượng đài ở Việt Nam hầu hết không công bố rộng rãi khi thi tuyển nên hầu như chỉ những gương mặt quen thuộc tham gia, còn các nghệ sĩ trẻ thì hầu như không được tiếp cận. Thiếu sự công khai, minh bạch trong thông tin nên các cuộc thi khiến người ta có cảm giác như phi vụ làm ăn hơn là công trình nghệ thuật” - Anh thẳng thắn chia sẻ.
Quả thật, trong làng điêu khắc Việt hiện nay, những nghệ sĩ gắn bó với nghề đúc tượng đài không nhiều, quay đi quẩn lại vẫn chỉ là vài gương mặt quen thuộc như Lưu Danh Thanh, Lâm Quang Nới, Đào Châu Hải, Trần Tuy... Có lẽ đã đến lúc cần sang vai, “thay máu” để tầng lớp nghệ sĩ trẻ có cơ hội thay đổi bộ mặt điêu khắc Việt Nam.
Tượng đài phải là của dân
Tượng đài là công trình nghệ thuật, có ý nghĩa biểu tượng, có giá trị giáo dục. Tượng đài cũng là nơi để tập hợp quần chúng, nơi thưởng ngoạn, thư giãn của nhân dân. Thế nhưng, một hiện tượng rất phổ biến ở Việt Nam là người ta coi tượng đài các danh nhân, kể cả các lãnh tụ cách mạng như một công trình văn hoá tâm linh và có nhiều hành vi mang nặng màu sắc mê tín.
Họ vẫn tin vào “thần cây đa, ma cây gạo” của người xưa, bạ đâu là cắm hương vào đấy. Họ mặc định tượng là phải… thờ, nên hầu như tượng đài nào cũng có bát hương. Sau khi tượng đài hoàn thành, nhiều nơi tổ chức cúng bái, sắm sửa lễ vật, hương hoa để “hô thần nhập tượng”… Tuy nhiên, nhiều khi lễ cầu cúng kéo dài hai, ba ngày đêm.
“Hầu như các công trình tượng đài đúc đồng đều được các đại gia đến cúng tiến tiền vàng. Có công trình, chỉ trong một buổi sáng, người ta bỏ vào 62 cây vàng để nấu cùng đồng. Họ nghĩ công đức thật nhiều vàng thì sẽ gặp may. Tôi thì tôi không tin, cũng muốn can họ đừng lãng phí mà không dám, vì tiền của họ mà họ lại nghĩ đó là lòng thành”- Một nghệ sĩ làm tượng đài tiết lộ.
Dường như chúng ta vẫn chưa biết cách ứng xử với tượng đài. Tượng đài ở Việt Nam, có thể được ra đời bởi một lý do nào đó, phục vụ một mục đích nào đó, cho một đối tượng nào đó, nhưng với người dân thì dường như đây vẫn chỉ là giai đoạn bỡ ngỡ làm quen.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn (Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam):
Theo quy hoạch đến năm 2020 định hướng đến năm 2030, Hà Nội sẽ xây thêm 35 tượng đài nữa, cộng với 34 tượng đài đã có sẵn tức là sẽ có đến 69 tượng đài. Không rõ sẽ để ở đâu! Với tượng đài, dù to hay nhỏ thì cũng phải có không gian cho nó, không thể có chuyện ôm một đống tượng đài đến các công viên, mỗi nơi rải một cái được. Chúng ta đã có những bài học rồi, chúng ta đã sai lầm khi đặt tượng đài Cảm tử cho tổ quốc quyết sinh ở đền Bà Kiệu, tượng không đẹp thì chớ, không gian xung quanh cũng bị phá nát.
Theo tôi nghĩ, chúng ta đã thừa tượng đài rồi, nên cẩn trọng với bản quy hoạch này, nên tập trung cải tạo những công trình tượng đài hư hỏng, cái nào không hợp lý, dư luận góp ý thì phải lắng nghe, thậm chí phải phá đi làm lại. Nếu có làm thì làm các công trình điêu khắc ngoài trời chứ không cần phải làm tượng đài cho tốn kém.
Sắp tới đây, người ta còn muốn xây tượng vua Hùng ở Phú Thọ, tôi có xem qua các phác thảo thì cũng chưa ưng lắm. Người ta đang dựa vào mô típ trên trống đồng để phục dựng hình ảnh vua Hùng. Vẫn thấy quan niệm cũ về một nhân vật lịch sử huyền thoại.
Nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh (Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật điêu khắc- Hội Mỹ thuật Việt Nam):
Thời gian vừa qua, 3 mẫu phác thảo tượng đài Hùng Vương được trưng bày tại khu vực trung tâm Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã tạo ra nhiều luồng ý kiến trong mùa lễ hội 2016. Người dân Việt Nam xưa nay vẫn sống bằng các huyền thoại. Cái gì vĩ đại cũng là từ huyền thoại. Mà huyền thoại thì không cụ thể. Tuy nhiên, chúng ta đã xây dựng tượng đài Thánh Gióng thì việc chúng ta tự tạo nên dung nhan của vua Hùng cũng là điều không có gì khó hiểu. Tôi nghĩ nên làm, làm hết bao tiền, làm như thế nào cho đẹp mới phải bàn.