Mong một tượng đài xứng đáng tôn vinh Quốc tổ

TP - Tỉnh Phú Thọ đang trưng bày ba mẫu Tượng đài Quốc tổ Hùng Vương để lấy ý kiến nhân dân. Đây là việc làm không mới, nhưng rất đáng được hoan nghênh. 

Còn nhớ, trước khi tỉnh Phú Thọ chính thức dựng cổng lớn vào Đền Hùng, với sự cẩn trọng đáng biểu dương về tinh thần cầu thị , 3 – 4 năm liền tỉnh cho dựng những mô hình cổng chào vào mùa lễ hội để nhân dân, quan khách gần xa cho ý kiến. Sau những lần chỉnh sửa, thay đổi, đến nay cổng vào Đền Hùng chính thức được dựng lên, theo kiến trúc truyền thống. Từ lúc xây xong, dư luận trong giới, trong ngành cũng như nhân dân nói chung là chấp nhận.

Sở dĩ phải nói đến cả dư luận trong giới trong ngành, bởi giữa các  chuyên gia, các nhà điêu khắc, nói rộng ra trong giới chuyên môn văn hóa nghệ thuật không phải lúc nào ý kiến cũng thống nhất, đặc biệt là về những việc nhạy cảm liên quan đến văn hóa, tâm linh. Nào là sự khác nhau về “gu” thẩm mỹ, trường phái, phong cách sáng tác và cả ở chỗ thân quen... Rồi cả khi mẫu đã được các Hội đồng thống nhất lựa chọn bằng bỏ phiếu kín hẳn hoi, nhưng bắt tay vào thi công, xây dựng, ý kiến bình luận, khen chê vẫn rất ồn ào. Đôi khi ý kiến khác nhau không đơn thuần chỉ vì học thuật, chuyên môn, xấu, đẹp... mà còn vì người này được mời vào Hội đồng, đơn vị này được chỉ định thi công, còn người khác, đơn vị khác lại không được mời, được “giao nhiệm vụ”.

Mong một tượng đài xứng đáng tôn vinh Quốc tổ ảnh 1

Một trong 3 mẫu tượng đài Quốc tổ Hùng Vương.

Tạm gác lại những chuyện không dính dáng đến nghệ thuật song đôi khi vẫn gây nên sóng gió. Câu chuyện về tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ cũng đã xẩy ra những tình huống tương tự, khiến những người trong cuộc dính vào vòng lao lý.

Quan sát việc làm tượng đài ở nước ta, ít nhất có ba điều người viết bài này muốn được tham gia, nhắn gửi:

Thứ nhất, nói về sự cần thiết. Lần này, tỉnh Phú Thọ dự tính dựng tượng đài Quốc tổ Hùng Vương, chắc rằng đa số nhân dân đồng tình. Trên đất nước ta đã dựng nhiều tượng danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc, lãnh tụ cách mạng... Nay, dựng tượng Quốc tổ Hùng Vương là việc nên làm.

Thứ hai, xin tỉnh Phú Thọ -  và cả những nơi chưa làm hoặc sắp xây dựng tượng đài – đừng có thi đua về sự hoành tráng, cao to. Dù là tượng đài hay tranh cổ động, tranh nghệ thuật, công chúng, người xem quan tâm trước hết đến ý nghĩa, nội dung, cái đẹp. Đẹp về tư tưởng, đẹp về nghệ thuật – tỷ lệ, hình khối, đường nét, màu sắc, cách thức thể hiện... của tranh, của tượng. Sự đẹp xưa nay không cốt ở chỗ cao, to, dài rộng. Một truyện ngắn hay giá trị hơn một pho tiểu thuyết dở? Sự cao to đặt không đúng chỗ, không phù hợp với không gian và tính biểu tượng thì không những gây tốn kém, lãng phí mà tác dụng còn ngược lại.

Những ai có điều kiện đi ra nước ngoài, nhất là một số nước có truyền thống về tượng đài ở châu Âu, có mấy nơi làm tượng đài thiên về to lớn như ở nước ta? Ở Việt Nam, những tượng đài đã được dựng lên, hầu hết đều có kích cỡ “vĩ đại” hơn thế giới. Nguyên nhân ngoài hạn chế về quan điểm nghệ thuật, cái chi phối nhiều hơn là do các qui định về tỷ lệ phần trăm lợi ích thù lao, nhuận bút, nhuận tượng. Từ khâu sáng tạo, hội nghị, hội thảo, cho đến quản lý, thi công... Tượng đài càng lớn, các tỷ lệ thù lao, phần trăm càng lớn. Ấy là chưa kể tâm lý, tỉnh mình, địa phương mình làm sau thì phải to cao hơn địa phương làm trước (!).

Thứ ba, cố gắng khắc phục tối đa nhược điểm các mẫu tượng đài đều na ná giống nhau. Các “Cụ tượng” đều đứng trên cao. Nếu là võ tướng, thì mặc áo long bào, một tay cầm đốc kiếm, một tay chỉ ra phía trước. Không biết chỉ cái gì, chỉ đi đâu (!). Nếu là danh nhân văn hóa, thì một tay lần giở sách, cầm cuốn thư; còn tay kia... hoặc chống cằm, hoặc khoanh trước ngực nghĩ suy... Còn nghĩ suy gì thì tùy người xem tự đoán(!). Không ít tượng đài, nghe lời bình của tác giả thì thấy quá hay, nhưng người xem thì hầu như không ai cảm nhận được cái hay, cái đẹp. Có nơi khi tượng đài dựng lên, không chỉ dư luận ồn ào khen chê xấu đẹp, mà còn có cả đơn thư phản ảnh kiện cáo, phê bình rất gay gắt. Một tượng đài dựng lên để ngợi ca về người mẹ đang chỉ tay ra biển được dựng lên vào những năm có nhiều người bỏ nước vượt biên. Thế là đơn thư khiếu kiện ròng rã mấy năm trời. Tác giả và lãnh đạo địa phương nọ bị qui cho cái tội... dám dựng tượng đài khuyến khích vượt biên! Chuyện thật 100% mà nghe cứ như chuyện bịa.

Rồi những chuyện tác giả này chê bai, tác giả kia khiếu kiện về việc sao chép, đánh cắp bản quyền... Chung qui, cũng tại các mẫu tượng, dù đã được tổ chức thi, được hội đồng bình chọn, nhưng giá trị sáng tạo, sự tìm tòi nghệ thuật mang dấu ấn cá nhân tác giả cũng như cốt cách, tư tưởng, tinh thần nghệ thuật của tác phẩm quá ư mờ nhạt.

Hy vọng rằng, với phương pháp, cách làm việc thận trọng, khoa học của tỉnh Phú Thọ, với sự nỗ lực, sáng tạo của các nghệ sỹ điêu khắc, của các Hội đồng nghệ thuật có đủ trình độ, làm việc công tâm, khách quan, trong tương lai chúng ta sẽ có được một tượng đài đẹp, xứng đáng để cháu con dòng giống Lạc Hồng tôn vinh vị Vua cha Quốc tổ Hùng Vương.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.