Đồng bào cùng bỏ phiếu chọn tượng đài Hùng Vương

Người dân được khuyến khích bỏ phiếu chọn mẫu tượng đài Hùng Vương. Hiện ba mẫu phác thảo xuất sắc nhất có mặt ở Khu di tích lịch sử đền Hùng. Ảnh: Văn Trọng.
Người dân được khuyến khích bỏ phiếu chọn mẫu tượng đài Hùng Vương. Hiện ba mẫu phác thảo xuất sắc nhất có mặt ở Khu di tích lịch sử đền Hùng. Ảnh: Văn Trọng.
TP - Nhân dân hành hương giỗ tổ Hùng Vương được khuyến khích bỏ phiếu chọn mẫu tượng đài Hùng Vương. Hiện ba mẫu phác thảo xuất sắc hiện diện ở Khu di tích Lịch sử đền Hùng.

Ba mẫu đẹp nhất

Mẫu phác thảo được trưng bày ngay sân trung tâm, Khu di tích Lịch sử đền Hùng nhằm dịp giỗ Tổ, từ 1/3 âm lịch. Ông Lưu Quang Huy, Giám đốc BQL khu di tích đền Hùng nói đây là ba mẫu phác thảo vượt qua vòng bỏ phiếu của Hội đồng Nghệ thuật, vào vòng chung kết. BTC cuộc thi Sáng tác phác thảo mẫu tượng đài Hùng Vương do tỉnh Phú Thọ tổ chức từ cuối năm 2015 nhận cả thảy 21 phương án.

“Đây là ba mẫu tốt nhất trong các phương án gửi đến dự thi, đạt được yêu cầu cơ bản của tượng đài Hùng Vương. Độ chênh về chất lượng nghệ thuật không nhiều, kẻ tám lạng người nửa cân. Đó cũng là một trong những khó khăn cho hội đồng”, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, thành viên Hội đồng Nghệ thuật  nói. Hội đồng này gồm 11 thành viên, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, ông Hà Kế San làm trưởng ban, thành viên là các nhà chuyên môn thuộc lĩnh vực điêu khắc, hội họa.

Không riêng họa sỹ Vi Kiến Thành, nhiều người nhìn các mẫu phác thảo đều có thiện cảm, chứng tỏ một cuộc thi thành công.  Ông Thành nói thêm, về tạo hình cả ba mẫu đều gửi gắm ý tưởng và tinh thần của nhân vật vào dáng đứng và đôi tay. “Làm tượng không phải là bài văn, tiểu thuyết để xây dựng nhân vật có đời sống tinh thần, tình cảm hay diễn biến bằng cách diễn giải. Làm tượng phải cô đọng bằng tư thế, dáng đứng, khuôn mặt. Vì tượng đài đặt trên cao, khuôn mặt chỉ là chi tiết nhỏ nên động tác tay và thế của chân là rất quan trọng, phải điển hình và cô đọng”, ông Thành nói.

“Sau khi kết thúc trưng bày, lấy ý kiến rộng rãi nhân dân cho ba mẫu này, Hội đồng Nghệ thuật sẽ tổ chức xét chọn. Tác phẩm được chọn phải nhận được sự đồng thuận của đông đảo người dân, được Hội đồng Nghệ thuật quyết định làm cơ sở thực hiện đầu tư xây dựng công trình theo quy định”, ông Lưu Quang Huy nói.

Đồng bào cùng bỏ phiếu chọn tượng đài Hùng Vương ảnh 1

Đồng bào hành hương dịp giỗ tổ năm nay sẽ cùng chọn một trong ba mẫu tượng (từ trái qua THV-04, THV-19, THV-12).

Cần thiết?

Tượng đài Hùng Vương nằm trên đồi Phân Bùng, khu vực phía sau sâu khấu trung tâm lễ hội, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Trong bối cảnh nơi nơi đòi dựng tượng đài, dự án này thực sự cần thiết? “Tượng đài Hùng Vương ở đất Tổ thì cần quá đi chứ. Cần thì từ lâu rồi vì thực tế cuộc sống đòi hỏi rõ ràng. Chẳng qua kinh tế khó khăn, xã hội luôn bị áp lực tốn kém nên chưa làm lúc này hay lúc khác thôi”, ông Vi Kiến Thành nói.

Năm 2013 Bộ VHTTDL có văn bản số 2296 gửi UBND các tỉnh, thành báo cáo đề xuất xin phép xây dựng tượng Hùng Vương và 13 danh nhân anh hùng dân tộc để Bộ có phương án tổng hợp, lựa chọn xây dựng quy hoạch theo chỉ đạo của Chính phủ. Tiêu chí địa điểm xây dựng tượng Hùng Vương và danh nhân anh hùng dân tộc gồm có: Địa phương là quê hương của danh nhân anh hùng dân tộc; gắn liền với sự kiện lịch sử quan trọng ghi đậm dấu ấn về cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân anh hùng dân tộc; có di tích lịch sử, di tích cách mạng hoặc truyền thống văn hóa gắn với danh nhân anh hùng dân tộc; Địa phương (vùng, khu vực) được ưu tiên xây dựng công trình tưởng niệm, tạo dựng truyền thống văn hóa về Quốc tổ Hùng Vương.

“Đề án này vẫn chưa hoàn thiện, tuy nhiên Chính phủ cho phép Phú Thọ là địa phương đầu tiên được lập dự án xây dựng tượng đài Hùng Vương trên cơ sở cân nhắc lựa chọn địa điểm, hình tượng nhân vật dựa trên các căn cứ khoa học, tư liệu hiện có. Việc xây tượng Hùng Vương ở Khu di tích Lịch sử Đền Hùng thể hiện tấm lòng thành kính tri ân công đức đối với tổ tiên. Đồng thời góp phần bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ - Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO vinh danh”, ông Lưu Quang Huy nói.

Thách thức sáng tạo nhân vật huyền thoại, anh hùng dân tộc

Lâu nay dư luận cho rằng nhiều tượng đài anh hùng dân tộc, nhân vật lịch sử na ná nhau. “Đó là thực tế. Việt Nam là một trong những nước nghèo, gần như không có tranh vẽ lại, hoặc ảnh chụp lại các nhân vật lịch sử. Các nhà điêu khắc làm tượng chân dung các nhân vật lịch sử trên cơ sở đọc thư tịch, văn bản mà văn bản của ta viết rất mơ hồ về tạo hình. Từ văn bản phải tưởng tượng hình hài rất khó khăn, vì khoảng cánh khác xa với ngôn ngữ văn học, chữ viết”, họa sỹ Vi Kiến Thành nói.

Cùng một danh nhân hoặc anh hùng dân tộc thì gương mặt tượng phải nhất quán?

Giới chuyên môn, nhà văn hóa và lịch sử đến giờ chưa nhất quán vấn đề này. Ông Vi Kiến Thành cho rằng: Không phải công trình nào cũng muốn phản ánh tượng đài nhân vật đó ở cùng thời điểm. Và mỗi người có cách tạo hình, xử lý riêng để lột tả nhân vật. Tượng Quang Trung thời điểm ở Bình Định hẳn phải khác thần thái khi ông ra Thăng Long.

Tượng đài Hùng Vương, thế nào?

Ba mẫu phác thảo tượng đài Hùng Vương vào chung kết có mã số THV-04, THV-12, THV-19. Trong mẫu THV-04, Vua Hùng đứng uy nghi trên bệ trong khối quần thể các hình ảnh núi non, họa tiết thời đại Hùng Vương. Tư thế của vua chắc chắn khiến liên tưởng truyện Sơn Tinh Thủy Tinh, truyện Thánh Gióng, thể hiện sự dũng mãnh của con người thời đại Hùng Vương khai sơn phá thạch, chế ngự thiên nhiên, chống giặc ngoại xâm bảo vệ giang sơn, bờ cõi. Đáng chú ý, vị trí trung tâm của tác phẩm tỏa ra những tia mặt trời, những đàn chim Lạc bay lên, thể hiện sự hưng thịnh của một thời đại huy hoàng, trong buổi bình minh của dân tộc.

Trong mẫu THV-19, Vua Hùng dáng đứng thẳng, vươn cao hiên ngang, nét mặt vui tươi, thân thiện hướng tới nhân dân trong một quần thể đẹp, hài hòa.Các họa tiết trang phục được nghiên cứu kỹ phù hợp với lịch sử. Vua Hùng- đấng quân vương, trên tay cầm những hạt thóc, là ông vua dạy dân cấy lúa, mở  lễ hội Tịch Điền từ ngàn xưa còn lưu truyền mãi tới ngày nay là ưu thế chính của tác phẩm.

Trong mẫu THV-12, Vua Hùng toát lên sức mạnh bên trong, giang rộng cánh tay như muốn đón nhận, ôm ấp con Lạc cháu Hồng vào lòng, thể hiện vị thế chủ quyền quốc gia. Trang phục là mũ lông chim với 9 chiếc lông, như những tia mặt trời trong buổi bình minh dựng nước. Con số 9 còn là con số đặc biệt gợi nhớ câu chuyện tìm báu vật (voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao trong truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh), nói lên sức mạnh của con người thời đó đã biết chế ngự thiên nhiên, chiến thắng kẻ thù.

 Họa sỹ  Đỗ Ngọc Dũng

(Thành viên Hội đồng Nghệ thuật chọn tượng đài Hùng Vương)

Nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh, thành viên Hội đồng Nghệ thuật: Ai nói cứ nói, ai xây cứ xây

Có ý kiến cho rằng nếu các địa phương muốn dựng tượng đài Hùng Vương thì nên thống nhất một mẫu, không nên mỗi nơi một phách. Ông có đồng tình?

Ngoài ba mẫu được Phú Thọ chọn, tôi thấy những mẫu còn lại mà đẹp hoàn toàn có thể được dựng ở nơi khác tuỳ điều kiện, quy mô. Thà lấy theo mẫu này còn hơn cứ tổ chức các cuộc thi tốn kém mà chưa chắc hiệu quả. Chẳng hạn một mẫu tượng đài ở Tuyên Quang sắp được dựng ở Cà Mau. Mẫu tượng đài Hoàng đế Quang Trung ở Quy Nhơn của tôi cũng được một địa phương khác xin phép dựng lại. Chúng ta không ngại việc bị nhân bản tượng đài.  Nước Mỹ cũng đặt tượng Nữ thần Tự do ở nhiều nơi đấy thôi.

Ông nghĩ sao khi dư luận luôn dị ứng mỗi khi nhắc đến các dự án tượng đài?

Hiện ai nói cứ nói, ai xây cứ xây. Tôi mới dự lễ khánh thành tượng đài đặc công nước ở Hải Phòng. Tôi cho rằng nhiều người có cách nhìn thiển cận, cứ tưởng làm tượng đài là xấu. Người ta đi quyên góp, làm tượng đài gắn với tâm linh nhất, là sự hi sinh mất mát như thế là rất tốt. Đặc công nước chẳng hạn họ hy sinh không ít, nhưng không có chỗ nào dành riêng. Cần Thơ cũng chuẩn bị dựng tượng đài thanh niên xung phong, bởi trước giờ chỉ có ở Quảng Trị trở ra Bắc có. Vị Xuyên nơi nhiều người hi sinh cũng không có đài tưởng niệm xứng đáng, nơi đó trơ trọi, lạnh lẽo lắm. Những nơi đó có kinh phí, có khả năng làm thì mình phải ủng hộ. Quan trọng là tượng đài đáp ứng được mong muốn của con người. Thế hệ trẻ cũng cần biết mất mát đau thương của cuộc chiến tranh.

Nhưng với các tỉnh thuộc diện vùng sâu vùng xa, khó khăn thì có lẽ không nên khuyến khích dùng ngân sách làm tượng đài quá hoành tráng?

Nếu huy động được kinh phí thì không vấn đề. Nhiều địa phương bỏ tiền làm vườn tượng cho người dân thưởng thức có sao đâu. Đó cũng là cách nâng cao đời sống tinh thần.

Toan Toan (thực hiện)

MỚI - NÓNG