Tượng Vua Hùng và chiếc bánh Lang Liêu

Tượng Vua Hùng và chiếc bánh Lang Liêu
TP - Nghe tin tượng đài nói chung, tượng đài Hùng Vương mới nhất nói riêng sắp thành hình, có lẽ câu hỏi đầu tiên người ta đặt ra là: Tượng thế nào có đẹp không, cần thiết không, có “Lục Tốn” lắm không, tiền lấy đâu ra?  

Thì đây, một số thành viên Hội đồng Nghệ thuật chọn tượng đài Hùng Vương giải đáp: Ít nhất có hai mẫu khá đẹp; đúc tượng Hùng Vương nơi đất tổ là xứng đáng; và tiền thì từ nguồn xã hội hóa, dự kiến khoảng 100 đến 200 tỷ. 

Bước đầu, nhìn ảnh ba mẫu tượng vào chung kết, thấy cũng ổn, không “dài dại” như một số tượng “khủng” xưa giờ. Ba mẫu đang được bày trang trọng tại khu vực hành lễ để, cũng là nét mới, trong ngày quốc giỗ, chờ đồng bào, du khách thập phương cùng với nhà chuyên môn bỏ lá phiếu chọn một. Ban tổ chức chưa công bố tên tác giả các mẫu tượng, để cuộc bầu chọn khách quan.

Sở dĩ có tâm lý e dè, bán tín bán nghi lâu nay đối với “khu vực” tượng đài, không chỉ vì chúng ta phận nhà nghèo mà còn vì niềm tin đã phôi pha qua “lịch sử” xây tượng đài trước giờ. E dè, ngán ngại bởi công trình văn hóa mà lại mang dáng dấp thương vụ; hoặc thẩm mỹ có vấn đề, tượng càng lớn càng vấn đề.

Cũng như nghe kỷ lục là sợ. Mới nhất, chiếc bánh chưng 2 tấn rưỡi đang thành hình tại Công viên Đầm Sen để cúng Quốc tổ rồi đãi hàng nghìn thực khách vào ngày chính lễ.

Chiếc bánh này chỉ dành cúng vọng ở trong Nam chứ không định hành hương về Phú Thọ, nhưng lãnh đạo Phú Thọ mấy ngày qua đã mau mắn đánh tiếng từ chối tất cả các kỷ lục và những vật phẩm không phù hợp thuần phong mỹ tục, không phù hợp lịch sử, văn hóa. Các loại bánh “khủng”,  rượu “khủng” bị chối hết!

Nhớ 6 năm trước, một chai rượu thuộc hàng kỷ lục thế giới được dâng tiến dịp giỗ tổ, nó cao có 5,2m thôi, đường kính hơn 1m, chứa khoảng 4 ngàn lít.  Trước đó hai năm, cặp bánh chưng, bánh dày nổi tiếng được sản xuất cũng để dâng cúng tổ tiên, vận chuyển từ Sài Gòn ra, có kích cỡ 2 tấn (nhẹ hơn chiếc năm nay nửa tấn).

Chiếc bánh Lang Liêu xinh xắn, thơm thảo ngày xưa, so với bánh “khủng” ngày nay thì thật thô sơ. Hay là ngược lại? Còn các mẫu tượng đài Vua Hùng đang được nhà chuyên môn say sưa mô tả nghe hay, ý nghĩa đến từng tiểu tiết. 

Hy vọng lần này thì cần thiết thực sự, là công trình văn hóa, tâm linh, mỹ thuật thực sự, biểu tượng cho sức mạnh đoàn kết dân tộc, cho khát vọng hòa bình, độc lập, tự do. Chứ không phải lại một loại kỷ lục mới về sự hoành tráng, thô sơ. Hoành bao nhiêu thô bấy nhiêu.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.