Cần Thơ:

Xây dựng tượng đài hơn 200 tỷ lúc này chưa thích hợp

Phối cảnh khu tượng đài. Ảnh: Sáu Nghệ
Phối cảnh khu tượng đài. Ảnh: Sáu Nghệ
TP - Trước việc UBND thành phố Cần Thơ có văn bản đề nghị Chính phủ hỗ trợ từ ngân sách Trung ương hơn 201 tỷ đồng để xây dựng “Tượng đài Thanh niên xung phong Tây Nam Bộ”, nhiều người không tán thành việc xây dựng tượng đài trong lúc kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn.

Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ, ông Võ Thành Thống, nói: “Trong lúc ngân sách nhà nước đang khó khăn như thế này mà bàn chuyện xây tượng đài tốn hơn hai trăm tỷ và 3,5 ha đất là không phù hợp”. Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, ông Lê Hùng Dũng, giải thích việc UBND thành phố Cần Thơ đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí là “giúp  Ban Liên lạc Khu Đoàn thanh niên Tây Nam Bộ. Tượng đài của Ban Liên lạc, không phải của Cần Thơ”.

Tượng đài do Ban Liên lạc khởi xướng, sau đó, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đề xuất và Chính phủ chấp thuận chủ trương từ năm 2013. Theo ông Dũng, Cần Thơ chỉ hỗ trợ đất và thủ tục, chứ không làm chủ đầu tư. “Chủ đầu tư là Ban Liên lạc Khu Đoàn thanh niên Tây Nam Bộ và kinh phí phải do họ vận động, Cần Thơ không có kinh phí”, ông Dũng nhấn mạnh.

Thành phố Cần Thơ đã quy hoạch khu đất xây dựng tượng đài rộng 3,5 ha, tại phường Ba Láng (Cái Răng, Cần Thơ) gần ngã ba đường lên cầu Cần Thơ, đường về tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng. Dự kiến tổng mức đầu tư hơn 201 tỷ đồng. Trong đó, những khoản chi lớn là “chi phí nghệ thuật” hơn 108 tỷ đồng, “chi phí xây dựng” gần 59 tỷ đồng, “chi phí bồi hoàn, giải phóng mặt bằng” gần 18 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2015 đến 2019. Cụ thể, năm 2015 hoàn thiện thủ tục đầu tư, phê duyệt thiết kế; năm 2016 đấu thầu xây dựng; năm 2019 nghiệm thu, đưa vào sử dụng.

Nhiều người nói rằng, thay vì xây tượng đài, nên dành tiền lo cho cuộc sống của các cựu TNXP. Điều tra mới đây ở Cần Thơ cho thấy, có 128 người (chủ yếu là cựu TNXP) chưa được hưởng bất cứ chế độ, chính sách nào. Những người này đã trên dưới 70 tuổi, thời trẻ gian khổ nên bây giờ nhiều bệnh tật và họ chỉ mong muốn có thẻ bảo hiểm y tế.

Cựu TNXP Tây Nam Bộ tập trung không phải ở Cần Thơ mà ở tỉnh Kiên Giang và Cà Mau. Bởi thời chiến tranh, TNXP Tây Nam Bộ nổi tiếng ở tuyến đường 1C, vận chuyển vũ khí và đưa bộ đội từ mạn trên, qua Kiên Giang về Cà Mau. Theo sử sách, TNXP đường 1C có khoảng 1.200 người, hầu hết trong độ tuổi 17-20, khoảng 600 người đã hy sinh, đến nay mới quy tập được 400 hài cốt. Hầu hết cựu TNXP và thân nhân những TNXP hy sinh có cuộc sống khó khăn.

Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Cần Thơ, ông Lê Văn Tâm, cho biết những cựu TNXP vận động xây dựng tượng đài hiện sống ở Cà Mau, Kiên Giang. Họ lo vận động cả kinh phí từ Trung ương, nếu có mới xây dựng. Nhưng Ban Liên lạc Khu Đoàn thanh niên Tây Nam Bộ không phải là đơn vị được cấp ngân sách, nên UBND thành phố Cần Thơ đứng ra “lo thủ tục nhận kinh phí”.

Có ý kiến cho rằng, vài vị cựu TNXP tích cực vận động xây dựng tượng đài do có con cháu làm nghề xây dựng tượng đài; họ đã vận động thành công ở một vài nơi, nay đến Cần Thơ? Phóng viên Tiền Phong đưa câu hỏi tới Phó Chủ tịch Lê Văn Tâm. Ông Tâm cười: “Điều này tôi chưa được biết”.

Tượng đài TNXP Tây Nam Bộ được đặt mục tiêu xây dựng để “giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ” và làm “điểm nhấn thu hút du khách”. Theo Sở VH-TT&DL thành phố Cần Thơ, thành phố hiện có 26 di tích được xếp hạng, 558 điểm ghi dấu sự kiện lịch sử và cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng. Trong đó, “một số di tích chưa được đầu tư tu bổ kịp thời nên không tránh khỏi tình trạng xuống cấp trầm trọng”.

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.