Ngày thơ Việt Nam: Tôn vinh dân tộc thiểu số, phủ định trí tuệ nhân tạo

TPO - Tiết trời mưa lạnh góp phần khiến Ngày Thơ Việt Nam năm nay thêm vắng. Trừ cuộc tọa đàm trong nhà thu hút khá đông cử tọa nhưng có lẽ chủ yếu là những người làm thơ. Ngày Thơ ngày càng được tổ chức với quy mô lớn hơn nhưng có vẻ lại thu hút ít công chúng hơn so với các kỳ trước.

Năm nay các hoạt động ban ngày cũng không được tấp nập như năm ngoái. Vì phần đường sách đã bị loại bỏ. Nhà thơ Trần Hữu Việt - đại diện BTC - cho biết vì đây là hoạt động thương mại, phải đáp ứng nhiều thủ tục xin phép.

Như vậy chỉ còn Nhà ký ức của Bảo tàng Văn học chiếm diện tích trang trọng ở trung tâm. Ngoài ra cũng chỉ có hai gian trưng bày các ấn phẩm của báo Văn nghệ và tạp chí Nhà văn và Cuộc sống trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam cùng sách và tam cá nguyệt san Viết và đọc của NXB Hội Nhà Văn.

Lều đề “Quán thơ” tưởng sẽ diễn ra hoạt động giao lưu gì đó liên quan đến thơ nhưng hóa ra cũng chỉ là chỗ để các nhà thơ ngồi trà nước, 'vít rượu cần''… cùng nhau. Có bàn bày các tập thơ nhưng không bán.

Ngày thơ Việt Nam: Tôn vinh dân tộc thiểu số, phủ định trí tuệ nhân tạo ảnh 1

Các nghệ nhân từ Hòa Bình đánh chiêng chào đón khách đến Ngày Thơ 2024. Ảnh: N.M.Hà

Tiếng nói các dân tộc

Năm nay với chủ đề Bản hòa âm đất nước, các câu thơ chọn được trình bày trên những chiếc lá nhìn nên thơ và gọn gàng hơn hẳn. Trước khi đi qua hai hàng cây thơ dẫn vào Nhà ký ức, khách còn được dàn cồng chiêng của các nghệ nhân người Mường Hòa Bình chào đón trọng thị.

Ngày thơ năm nay ưu tiên giới thiệu các nhà thơ thuộc dân tộc ít người. Các câu thơ của nhà thơ người Kinh nếu được lựa chọn thì cũng phải có liên quan tới dân tộc thiểu số hoặc miền núi.

Chẳng hạn: “Từ trời xanh/ Rơi/ Vài giọt tháp Chàm” của Văn Cao hay “Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh/ Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây/ Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh/ Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn cây” (Nguyễn Đình Thi), “Núi mờ và núi đậm/ Rừng xa chen rừng gần/ Chiều trung du đến chậm/ Như thư của người thân” (Chế Lan Viên), “Tự do là tính của mây/ Đứng yên kiểu núi cũng đầy tự do/ Sắc mây thay đổi từng giờ/ Mà sao sắc núi bốn mùa cứ xanh” (Ngô Văn Phú)…

Ngày thơ Việt Nam: Tôn vinh dân tộc thiểu số, phủ định trí tuệ nhân tạo ảnh 2

Sắp đặt thơ đẹp mắt hai bên đường vào Nhà Ký ức. Ảnh: N.M.Hà

Các nhà thơ dân tộc thiểu số nói chung đem đến một giọng điệu, lối tư duy khác biệt. Nó đặc sắc vì vừa giản dị lại vừa đầy triết lý, ẩn dụ. Tứ thơ thường xuất phát từ hiện tượng tự nhiên.

Chẳng hạn: “Nước chảy được/ Nước thành suối thành sông/ Đất không chảy được/ Đất thành đồi thành núi” (Lò Ngân Sủn), Quả ớt dù cay cũng ăn cả vỏ/ Quả chuối dù ngọt phải bỏ vỏ ngoài (Lâm Quý), “Đóng cửa là nhà/ Mở ra là bản” (Chu Thùy Liên), “Đỉnh núi nào cũng có gái giỏi, sống ở trăm năm/ Lưng núi nào cũng có trai tài, sống ở trăm xuân” (Mùa A Sấu), “Tôi còn buồn là tôi còn sống/ Tôi còn viết là tôi còn yêu/ Tôi hết yêu là tôi đã chết” (Inrasara)...

Tất nhiên cũng như mọi năm, không phải câu thơ nào BTC chọn cũng được số đông tán thưởng, đồng tình. Để giúp người đọc hiểu hơn về ngữ cảnh của các câu thơ, thiết nghĩ chỉ việc in một mã QR bên cạnh mà nếu soi vào hiện ra cả bài thơ. Hy vọng năm sau Ngày thơ Việt Nam sẽ cập nhật công nghệ này.

Ngày thơ Việt Nam: Tôn vinh dân tộc thiểu số, phủ định trí tuệ nhân tạo ảnh 3

Nhà thơ Đỗ Thị Thu Huyền phát biểu trong tọa đàm sáng 24/2- Ảnh: N.M.Hà

Nhà thơ Đỗ Thị Thu Huyền nhận thấy: “Sự tham góp của tác giả người dân tộc thiểu số đến giờ vẫn khá thưa mỏng. Chỉ có hai tác giả đến bây giờ được giải thưởng thường niên của hội nhà văn là Inrasara dân tộc Chăm và Y Phương dân tộc Tày. Những tác giả đó chúng tôi gọi là đại thụ của văn học dân tộc thiểu số. Trẻ có Lê Hữu Lương năm ngoái vừa đoạt giải cho tác giả dưới 35 tuổi”.

Phần tổng kết tọa đàm đề cập trí tuệ nhân tạo, nêu bật: “Trí tuệ nhân tạo có thể rất thông minh, rất nhanh trong lập trình (thơ), nhưng không thể có sự ấm nóng của con tim, không có hơi thở của con người... Cho dù siêu việt đến đâu, trí tuệ nhân tạo không thể thay được những mạch đập, những thổn thức, những suy tư sâu xa của nhà thơ về đời sống. Nếu nhà thơ nghĩ bằng cái nghĩ của mình, viết bằng máu huyết của mình, đau bằng nỗi đau thật của mình không thể có một trí tuệ nhân tạo nào thay được".

Trong cuộc tọa đàm Từ bản lĩnh đến bản sắc nhà thơ, Lê Hữu Lương cho biết anh muốn nói lên “nỗi niềm của dân tộc mình, những khổ đau, quá trình hoạn nạn, thiên di, bị đánh đuổi và nền văn hóa bị chiếm dụng, bị đồng hóa”.

Anh muốn “từ dân tộc của mình đối chiếu với các dân tộc khác, quán chiếu trong một không gian rộng hơn”.

“Bản lĩnh chính là khi nói được tiếng nói của dân tộc mình trước trước dân tộc khác, trước nhân loại...

Khi ta còn tôn thờ, còn coi trọng tổ tiên thì dân tộc đó còn lý do để tồn tại và việc của nghệ sĩ là nói lên tiếng nói của dân tộc mình”, anh khẳng định.

Sao không tìm cách bán thơ?

Có lẽ vấn đề này không được “thơ” cho lắm nên không mấy được đả động trong Ngày thơ. Hay phải chăng mọi người đều chấp nhận tình trạng ế ẩm của thơ như một sự hiển nhiên.

Nhiều người làm thơ bây giờ chọn mạng xã hội để “phát hành” tác phẩm nhanh nhất, ít ra không tốn tiền in ấn.

Ngày thơ Việt Nam: Tôn vinh dân tộc thiểu số, phủ định trí tuệ nhân tạo ảnh 4

Những kỷ vật của nhà thơ Hồ Dzếnh trưng bày trong Nhà Ký ức. Ảnh: N.M.Hà

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng (Phó ban Nhà văn Trẻ) đồng tình khi tôi nêu vấn đề. Anh nói: “Bên cạnh tôn vinh tinh thần thơ nên quan tâm hơn đến ý nghĩa vật chất, thương mại của sản phẩm thơ ca.

Nhân Ngày thơ Việt Nam nên nghĩ đến làm sao đưa thơ đến công chúng nhiều hơn. Tác động, công phá vào tâm lý công chúng cho rằng thơ bây giờ không bán được hoặc thơ bây giờ nhạt nhẽo, đi xuống là cả một quá trình khá vất vả. Tuy nhiên vẫn phải thực hiện bằng cả cách thức truyền thống và mới mẻ qua những lễ hội, sự kiện hoặc áp dụng các cách thức truyền thông của các loại hình nghệ thuật giải trí”.

Từ năm ngoái, Ngày thơ đã không còn phân biệt sân thơ trẻ và “già” như hồi còn ở tổ chức ở Văn Miếu. Được biết chính không gian của Văn Miếu góp phần quyết định sự hình thành hai sân thơ. Hoàng thành rộng rãi hơn nên không cần chia đôi dựa theo tiêu chí tương đối là tuổi tác. “Thơ không có trẻ, già mà chỉ phân biệt ở mức độ chạm đến trái tim của công chúng”, nhà thơ Trần Hữu Việt nói.

Ngày thơ Việt Nam: Tôn vinh dân tộc thiểu số, phủ định trí tuệ nhân tạo ảnh 5

Nhà thơ Trần Hữu Việt và bạn thơ ngồi trong Quán Thơ. Ảnh: N.M.Hà

Về việc Ngày thơ Việt Nam thiếu vắng các màn trình diễn hơi hướng đương đại như trước đây, nhà thơ Trần Hữu Việt cho biết: “Cho đến năm ngoái, chương trình Ngày thơ mới có bàn tay của đạo diễn chuyên nghiệp (Lê Quý Dương) nên những hoạt động mang tính ngẫu hứng kiểu trình diễn, rap thơ, tổ khúc thơ phải nằm trong tổng thể ý đồ của đạo diễn. BTC tính toán rất kỹ giữa mức độ sân khấu hóa thơ và lối đọc thơ truyền thống. Đôi khi chỉ cần nhìn và nghe các nhà thơ tên tuổi cũng đủ tạo nên sự thú vị, hấp dẫn”.

Nhưng có những nhà thơ thay vì đứng yên đọc tác phẩm cũng có cách thể hiện mang màu sắc trình diễn như Kiều Maily. Trần Hữu Việt gọi đây là trình diễn cá nhân bên cạnh trình diễn sân khấu hóa làm phong phú thêm cho Ngày thơ.

Ngày thơ Việt Nam: Tôn vinh dân tộc thiểu số, phủ định trí tuệ nhân tạo ảnh 6

Gian trưng bày và bán ấn phẩm của NXB Hội Nhà văn tại Ngày Thơ 2024. Ảnh: N.M.Hà

Một số bạn đọc nêu ý kiến rằng Ngày thơ nên có những hoạt động kiểu như các trò chơi thơ, đố thơ, thi thơ ngắn, tương tác thơ hay cách sắp đặt, trình bày, giới thiệu câu thơ hay cũng phải rộn rã hơn nữa. Không gian Ngày thơ cũng không nhất thiết chỉ ở Hoàng thành, Văn Miếu mà nên mở rộng đến cả các trường học, cơ quan đơn vị bộ đội, công an...

Nhưng phải nói kinh phí cũng là vấn đề. Nhà thơ Trần Hữu Việt cho hay năm nay, Hội Nhà văn Việt Nam được cấp và tài trợ chưa đầy một tỷ đồng cho sự kiện mà “nhìn vào như thể phải tốn đến 4-5 tỷ đồng”.

Anh cho biết để có được sự kiện này, BTC phải làm việc xuyên Tết, các nghệ sĩ, nghệ nhân, MC tham gia cũng trên tinh thần tình nguyện, hỗ trợ BTC hết mình. Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội với tư cách đồng tổ chức ủng hộ địa điểm và cam kết đăng cai Ngày thơ ít nhất trong 5 năm tới.

Tin liên quan