Văn Cao sau trăm năm vẫn là đỉnh cao

TP - Từ những ngày đầu manh nha của tân nhạc Việt Nam, đã xuất hiện những sáng tác cho đến tận ngày nay vẫn được công nhận là đỉnh cao của nhạc Việt, còn tác giả của chúng được coi là nhạc sĩ vĩ đại nhất. Đó là Văn Cao - bậc kỳ tài trụ vững trên cả ba địa hạt âm nhạc, thơ ca và hội họa.
Văn Cao sau trăm năm vẫn là đỉnh cao ảnh 1
Văn Cao được trao tặng Huân chương Độc Lập hạng Nhất tháng 6/1993

Trong một lần đối ẩm cùng Hoàng Phủ Ngọc Tường, Văn Cao thốt lên: "Tôi vẫn chưa tung ra con ngựa thứ ba của tôi”. Đó là hội họa, mặc dù ông đã có ít nhiều tác phẩm được triển lãm và được đánh giá cao ngay từ lúc mới xuất hiện tại Triển lãm Duy nhất (Salon Unique) trong 2 năm 1942-1943. Có người nghe Văn Cao khẳng định, cả ba con ngựa ô trong ông đều chưa được phóng đi.

Văn Cao đương nhiên chưa hài lòng với những đỉnh cao mà mình đã đạt được. Nhưng ông làm chính những nhạc sĩ hàng đầu Việt Nam phải ngả mũ kính phục khi hoàn thành Thiên thai ở tuổi 18. Và cũng chỉ 8 năm sau khi công bố ca khúc đầu tiên, ông tiến tới đỉnh cao mới: Sông Lô (1947).

Sinh thời Phạm Duy khẳng định: “Trường ca Sông Lô là bản hát dài đầu tiên của chúng ta, là một tuyệt phẩm mà những người đi sau Văn Cao như tôi đã học hỏi được rất nhiều để tiếp tục làm giàu cho âm nhạc Việt Nam”. Và hình như trong thể loại trường ca cho đến tận bây giờ, vẫn chưa có tác phẩm nào vượt qua Sông Lô. Tất nhiên không phải vì nó có tới sáu lần chuyển âm cũng như chuyển tiết tấu như Phạm Duy đã chỉ ra.

Sự “mê hoặc” của bản nhạc này đã khiến Phùng Quán viết nên những câu thơ: "Chúng tôi thường mơ.../ Trên chiến trường quê hương Bình Trị Thiên/ Chúng tôi sẽ đánh một trận lừng danh đất nước/ Trên sông Hương, sông Thạch Hãn, sông Bồ.../ Để anh về anh viết trường ca/ Như trường ca Sông Lô...". Rút cuộc không phân định được Văn Cao đã làm cho sông Lô thành "bất tử" hay trận chiến oai hùng thuở ấy đã giúp ông chiếm bảng vàng trong âm nhạc Việt Nam.

Chỉ biết Văn Cao đã đi đến tận cùng trong âm nhạc. Riêng tư, cá nhân cũng đến cực độ như Buồn tàn thu. Còn chung, dù người ta đã từng muốn thay nhưng Quốc ca vẫn phải là Tiến quân ca. Dường như có một sự sắp đặt nào đó khiến cho tác giả của Quốc ca cũng chính là nhạc sĩ được giới nghệ thuật nhất trí đưa lên ngôi đầu mà không có ý kiến phản đối.

Tiến quân ca không phải là kết quả của một sự ngẫu hứng của một nghệ sĩ hay một nhà cách mạng đơn thuần. Đó là sự nung nấu của một nhân cách “hai trong một”. Văn Cao vừa là nghệ sĩ cũng vừa là hiệp sĩ - nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Kha kết luận. Trước khi sáng tác nhạc, ông đã bước lên võ đài, tập phóng dao, bơi vượt sông...

Sự “toàn năng” của Văn Cao sớm lọt mắt Vũ Quý. Hai người đều có thời gian sinh hoạt hướng đạo sinh. Vũ Quý đã thuyết phục được Văn Cao đi làm cách mạng. Văn Cao diễn tả quá trình cân nhắc của mình trong khoảng 1943-1944: “Đời tôi khát vọng nghệ thuật hơn là phải cầm súng... Từ năm 1941 tôi đã làm cảm tình cách mạng nhưng chưa bao giờ muốn tham gia một cách đứng đắn, vì làm cách mạng phải bỏ nghệ thuật. Năm 1944 người chết đói đầy đường. Tới đây, tôi thấy nghệ thuật không còn ngóc ngách nào để sống: cái đói ở người nghệ sĩ còn giày vò hơn cái đói của người dân thời đó, vì đây là cái đói của cả một dân tộc. Tôi nhận lời tham gia đội ngũ” (theo Hoàng Phủ Ngọc Tường).

Như vậy, Văn Cao đã tiên đoán và chấp nhận “bỏ” nghệ thuật để đi theo tiếng gọi của dân tộc. Nhưng thực tế âm nhạc và thơ ca của ông vẫn tiếp tục được phát huy từ những vốn sống chỉ có khi đi làm cách mạng và bám sát cuộc chiến đấu của dân tộc. "Làm cách mạng thì phải bỏ nghệ thuật” như một tiên đoán và cũng là quyết đoán của Văn Cao cho chặng đời sau này của ông. Thân thể và thời gian của mỗi cá nhân đều hữu hạn, không thể phân ra để đi trọn hai con đường. Nhưng Văn Cao vẫn tìm cho mình một lối đi riêng...

Dương Tường ca ngợi sự đa tài của Văn Cao: “Trong tâm hồn Văn Cao, nhạc, họa và thơ ngự như một Trinité Tam vị Nhất thể, một Đức Chúa Ba Ngôi trong đó mỗi Ngôi đều bao gồm luôn cả hai Ngôi kia”. Còn họa sĩ Tạ Tỵ: “Văn Cao nhập cuộc không phải bằng tài năng đơn độc mà bằng một thác lũ nghệ thuật, trùm lấp vòm trời Kinh đô Văn nghệ”.

CHỦ ĐỘNG LỰA CHỌN

Văn Cao chính ra lại gặp nạn trong thời bình. Khi ông bị quy là “tiên chỉ” trong vụ Nhân văn giai phẩm và chịu một cái án bất thành văn hẳn là rất nặng đối với một tâm hồn nghệ sĩ: Tác phẩm không được công bố. Tình trạng “án treo” này có thể triệt tiêu cảm hứng và nhu cầu sáng tạo của nghệ sĩ?! Chưa kể sức ép từ đời sống thường nhật. Theo tác giả Nam Dao, phu nhân nhạc sĩ khuyên chồng lúc ấy chỉ nên vẽ thôi vì “vẽ thì khó bắt tội”.

Tóm lại trong một hình dung đơn giản nhất, Văn Cao giống như một nạn nhân của hoàn cảnh, của thời cuộc mà đại diện là một số cá nhân thiếu thiện chí nhưng thừa quyền thế thời đó. Chưa kể họa phẩm khan hiếm, nhà chật đánh một tiếng đàn buổi đêm cũng ngại làm kinh động vợ con... Trong tình trạng ấy, người nghệ sĩ trong ông đành thúc thủ?!

Nhưng cũng rất có thể, ngưng làm nghệ thuật là một quyết định chủ động, giống như trước đó ông đã chọn con đường cách mạng. Ông không ngại nhận những nhiệm vụ khó khăn nhất. Với năng lực của mình, Văn Cao từng được giao làm chỉ huy Đội danh dự Việt Minh với nhiệm vụ thủ tiêu Việt gian. Nhiệm vụ hoàn tất. Nhưng trong tâm trí của ông dường như chưa…

Văn Cao kể với Hoàng Phủ Ngọc Tường: “Tôi đã làm xong việc ấy. Đó là chiến tranh và căm thù, đơn giản thôi. Nhưng ngày đầu sau chiến tranh, tôi đã trở lại căn nhà ấy, thấy còn lại một gia đình mẹ góa con côi. Làm sao tôi có thể nói điều cần thiết nhất đối với tôi trong những bài hát sau đó? Nói về chiến công, hay phải nói một điều gì khác? Nên tôi im lặng và chỉ viết nhạc không lời”.

Chiến công của Văn Cao vào giữa 1945 tất nhiên rúng động giới văn nghệ. Theo Vũ Bằng đã làm cho “một số anh em lấy làm hãnh diện” vì “lúc ấy anh em chưa mấy người thạo bắn mà có anh bắn hay như thế, ít ra cũng làm đẹp mặt cho bọn văn nghệ sĩ" vốn mang tiếng trói gà không chặt… Nhưng sự việc cũng dường như cũng đã đẩy Văn Cao đến lằn ranh giữa một bên là con người nghệ sĩ với bên hiệp sĩ.

Văn Cao sau trăm năm vẫn là đỉnh cao ảnh 2
Nhạc sĩ Văn Cao thời trẻ

Nhưng như con trai ngậm một nỗi niềm đủ lâu rồi cũng thành ngọc, cuối cùng Văn Cao cũng vượt qua được chặng thử thách của số phận, của chính nội tâm mình để bật lên được Mùa xuân đầu tiên hay Ba biến khúc ở tuổi 65, trong đó có những câu không khỏi làm người đọc liên tưởng tới hiện thực ông đã trải qua: “Tôi là kẻ không muốn giết người/ chỉ biết bóng tối/ mà tôi đã ném dao”.

Rút cuộc, Văn Cao cũng được trả lại đúng vị trí của mình, 22 năm trước khi ông mất - đánh dấu bằng việc năm 1983 ông cùng nhà soạn nhạc Đàm Linh được cử sang CHDC Đức hai tháng để nghiên cứu và nghỉ tại nhà của chính tác giả quốc ca Đức. Những đồng nghiệp từng hạ bệ ông hồi Nhân văn giai phẩm bằng một cách nào đó cũng đến gặp ông lúc cuối đời, hoặc chính ông cũng kịp đến thắp hương trong đám tang của họ. Thời cuộc qua đi, con người ở lại. Tác phẩm cũng thế, nếu đủ sức thách thức thời gian.

Hoàng Cầm kể, chính ông đã khơi gợi để Văn Cao viết trường ca Những người trên cửa biển vào tháng 4/1956 bằng cách ngày ngày đến nhà Văn Cao để giục nhạc sĩ (khi đó đang hăng say vẽ) làm thơ: "Được một tuần thì Văn Cao đã viết xong chương một. Tôi mừng chảy nước mắt. Hóa ra cái công đi thúc giục bạn không uổng. Một tiềm năng lớn lao thế là đã khai phá...”. Nguyễn Tuân cũng có thời gian đến nhà Văn Cao hằng ngày dù chỉ để ngồi đọc sách với nhau. Cốt để nhạc sĩ khỏi buồn...

Thật éo le khi tác giả Quốc ca - người được toàn dân biết - lại có thời gian dài phải sống chật vật. Nhưng ít ra cương vị đó cũng giúp cho âm nhạc của ông được phổ cập sâu rộng. Thơ, họa ít được biết đến hơn và cả chuyện đời của ông cũng vậy. Không phải ai hôm nay cũng biết tác giả Thiên thai từng là một tay súng có thể tiễn người ta về chầu trời... Dù gì, Văn Cao cũng trở lại oanh liệt kể từ đêm nhạc đầu tiên sau khoảng 30 năm được tổ chức tại TPHCM năm 1986. Đỉnh điểm trong năm 1988, có chừng 60 đêm nhạc Văn Cao diễn ra ở nhiều tỉnh thành.

Và đến khi tuổi ông tròn trăm, người ta vẫn tiếp tục trầm trồ về sự nghiệp thơ của Văn Cao. “Chỉ trong hơn 10 năm kể từ khi có tác phẩm thơ đầu tiên, từ một nhà lãng mạn cuối mùa, ông đã làm một hành trình dài lao thẳng vào hiện đại như một cánh chim xuyên qua bão táp của những thành kiến trong thời đại mình để trở thành một nhà tiên phong, mở ra một cánh cửa mới cho thơ hiện đại Việt Nam mà cho đến nay chúng ta vẫn chưa đi hết cung đường mà ông đã vạch ra”, Nguyễn Việt Chiến viết.

Âm nhạc đưa Văn Cao tới đỉnh cao tót vời nhưng xem ra đường thơ với chừng 63 bài cùng hai trường ca của ông trọn vẹn hơn cả. Thể hiện ở sự đa dạng về bút pháp, phát triển qua nhiều khuynh hướng và diễn tả được nội tâm của tác giả trong từng giai đoạn. Nói cách khác thơ như “phát ngôn viên” trực tiếp của Văn Cao. Ông có những năm tháng chọn thơ để ghi nhật ký.

Văn Cao là một rặng núi với các đỉnh cao còn khuất mờ trong sương. Ai cũng mong đám sương kia đừng xuất hiện hoặc nên thưa thớt hơn, nhưng dường như chúng đã trở thành một bộ phận không thể tách rời trong bức tranh toàn cảnh Văn Cao mà tới nay vẫn còn tiếp tục làm người thưởng ngoạn phải tán thưởng, đắm chìm vào đó.