Linh vật năm mới vẫn 'vô danh'?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Linh vật rồng năm nay có thể nói tỷ lệ đẹp nhiều hơn xấu. Tuy vẫn có một vài con như rồng Thanh Hóa, rồng Suối Tiên… trở thành chủ đề “mua vui” cho cư dân mạng. Nhưng xem xét kỹ vấn đề một chút, đẹp mắt hoặc giống thật có thực sự là một tiêu chí cần thiết và đáng để bằng lòng đối với một sản phẩm điêu khắc tạm thời như linh vật chào năm mới?

Để ý sẽ thấy rất ít khi tác giả của các linh vật năm mới xuất hiện trước công chúng, một thuyết minh về ý đồ tác phẩm lại càng không. Bởi đơn giản chủ đầu tư không coi những linh vật con giáp bày nơi công cộng là tác phẩm nghệ thuật, nên sẽ giao công việc này cho các nghệ nhân khéo tay. Trong khi bản thân các nghệ sĩ điêu khắc hay sắp đặt còn đang thiếu không gian cho những tác phẩm hoành tráng lại không được trao cho cơ hội này.

Nhà điêu khắc Thái Nhật Minh cũng nghi ngờ: “Việc có nghệ sĩ chuyên nghiệp làm công trình như thế tôi nghĩ rất khó. Ngoài thẩm mỹ của chính quyền địa phương, các ban ngành còn mắc ở cơ chế”. Họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng, làm việc với các công ty tư nhân sẽ nhanh gọn hơn nhiều. Năm nay anh được một công ty bất động sản đặt làm một bộ lịch toàn tranh rồng. Chi phí phải nói khá mềm với một tên tuổi như anh, chỉ 150.000 đồng/bộ. Nhà đầu tư không tốn một khoản gì khác, vì tranh của chính tác giả, không phải tốn phí bản quyền.

Thái Nhật Minh khẳng định tiền không thành vấn đề: “Chỉ cần đủ kinh phí làm thôi. Tôi sẵn sàng chia sẻ với cộng đồng. Đó là điều điêu khắc nên làm. Vì điêu khắc ở Việt Nam hầu như chỉ bó gọn ở không gian kín, không giống các nước phương Tây có nhiều cơ hội được tiếp cận trực tiếp với công chúng”.

Linh vật năm mới vẫn 'vô danh'? ảnh 1

Tượng rồng bằng sắt của Lê Thiết Cương. Ảnh: N.M.Hà

Năm ngoái Đà Nẵng cũng vô tình mà lựa chọn một tác phẩm nghệ thuật từ tận Hàn Quốc để trưng bày ở đường hoa xuân. Có vẻ đơn vị chịu trách nhiệm không biết đó là phiên bản đạo nhái cho đến khi tác giả của tác phẩm Mèo với quả bóng lên tiếng. Buộc lòng địa phương phải tháo gỡ linh vật vi phạm. Nếu việc thực hiện những tượng con giáp kiểu này được giao cho những nghệ sĩ chuyên nghiệp chắc khó có chuyện họ bán rẻ tên tuổi của mình để làm việc tương tự. Vậy nên việc giao linh vật chào xuân cho những nghệ nhân cũng sẽ tiềm ẩn rủi ro. Mà bị chê xấu chỉ là hậu quả nhẹ nhàng nhất.

Thái Nhật Minh nhận xét: “Sản phẩm của nghệ nhân mang tính minh họa, sao chép, kể tả là chính. Nó ít gắn với những ý tưởng, thông điệp mà thông thường tác giả muốn bày tỏ”. Anh cũng đưa ra một giải pháp dung hòa rằng nghệ nhân cứ làm việc của nghệ nhân nhưng có nghệ sĩ đứng đằng sau để đưa ra ý tưởng.

Linh vật năm mới vẫn 'vô danh'? ảnh 2

Điêu khắc Rồng mùa xuân của Thái Nhật Minh. Ảnh: NVCC

Đương nhiên trí tưởng tượng và nhu cầu sáng tạo của nghệ sĩ thường không có giới hạn. Và không loại trừ tác phẩm của họ nếu tham gia thị trường linh vật ngày Tết cũng sẽ gây tranh cãi. Có thể không bị chê xấu nhưng sẽ bị kêu là “khó hiểu” chẳng hạn. Nhưng nghệ sĩ khác với nghệ nhân bao giờ cũng có lý luận, thuyết minh cho sáng tạo của mình để công chúng có thêm căn cứ tìm hiểu và thưởng ngoạn tác phẩm.

Thái Nhật Minh khẳng định khi đưa tác phẩm ra không gian công cộng, anh sẽ có sự điều chỉnh để tương hợp: “Khi làm theo đặt hàng, đương nhiên tác giả sẽ phải đáp ứng những mong muốn của chủ đầu tư trong giới hạn vẫn đảm bảo được tính nghệ thuật, miễn là nó hay ho và có thể chia sẻ với cộng đồng”. Anh cho biết, trước khi làm tác phẩm quy mô lớn cho không gian công cộng bao giờ cũng phải có quá trình tìm hiểu về địa phương để lựa chọn kiểu dáng, chất liệu cho phù hợp, nói lên được đặc trưng văn hóa vùng miền. Cũng là để tác phẩm có sự kết nối tại chỗ với công chúng và cảnh quan.

Linh vật năm mới vẫn 'vô danh'? ảnh 3

Mặc dù không được các địa phương, doanh nghiệp đang nắm giữ thị trường linh vật ngày Tết để mắt tới nhưng một số nghệ sĩ vẫn đều đặn hằng năm làm tác phẩm đề tài con giáp. Năm nay Thái Nhật Minh cho ra đời 24 con rồng (chất liệu bột giấy, keo, que nhôm) để bày trong nhà với kiểu dáng, màu sắc riêng biệt. Còn họa sĩ Lê Thiết Cương vừa vẽ tranh, vừa vẽ gốm và làm tượng rồng bằng sắt gò trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật.

Các tác phẩm của Lê Thiết Cương xoay quanh nguồn gốc Tiên Rồng của tộc Việt, tích “Cá hóa rồng”, hoặc lấy cảm hứng từ cầu Long Biên. Chắc chắn những nghệ sĩ như Thái Nhật Minh hay Lê Thiết Cương sẽ không chịu bằng lòng với việc làm một con rồng na ná các cụ từng làm. Và chí ít họ sẽ cho tác phẩm của mình một cái tên chứ không như các linh vật năm mới hiện nay bị gắn với địa danh mà nó được sinh thành.

MỚI - NÓNG