Ngành y lại 'nóng'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Mấy ngày qua, báo chí phản ánh nhiều về tình trạng thiếu túi đựng máu ở Cần Thơ; bệnh nhân ở Bình Phước khám chữa bệnh bằng BHYT vẫn phải tự ra ngoài mua bông gạc, kim tiêm; nhiều bệnh viện ở phía Nam thiếu thuốc điều trị bệnh tay chân miệng… Vấn đề thiếu thuốc và vật tư y tế một lần nữa lại được nhắc tới.

Đây cũng là vấn đề làm “nóng” nghị trường những ngày qua. Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, thiếu thuốc, vật tư y tế đã được đưa ra thảo luận và được nhiều người quan tâm, bởi đây là chủ đề liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Theo Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, thiếu thuốc là thách thức dai dẳng toàn cầu sau 3 năm đại dịch COVID-19. Nhiều nước trên thế giới cũng phải đối diện với thực trạng này do nguồn cung nguyên liệu khan hiếm, biến động giá cả toàn cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng…

Tư lệnh ngành y tế cũng thẳng thắn giải trình và thừa nhận về những tồn tại hiện nay trong ngành y liên quan đến thực trạng thiếu vật tư y tế, một phần do việc tổ chức đấu thầu 3 cấp. Ngoài ra, còn có những vấn đề được triển khai tại cơ sở không hiệu quả, do tâm lý sợ sai của một số cán bộ, sau khi thấy cảnh nhiều đồng nghiệp sai phạm bị xử lý.

Cách giải trình không né tránh của Bộ trưởng Bộ Y tế, theo các chuyên gia trong ngành, phần nào cho thấy trách nhiệm người đứng đầu khi giải quyết vấn đề.

Thực tế cho thấy, sau đợt phản ánh của báo chí về thực trạng thiếu thuốc và vật tư y tế vào năm ngoái, nhiều giải pháp đã được áp dụng. Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ được ban hành rất sát với những khó khăn mà các bệnh viện đang gặp phải, giải quyết được những vấn đề cấp bách trong bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế. Ở phía Bộ Y tế, việc đơn giản hoá nhiều thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu sản xuất thuốc; Ban hành một số văn bản liên quan đến việc đảm bảo cung ứng thuốc, đặc biệt những thuốc hiếm, đẩy nhanh tiến độ mua sắm tập trung, đấu thầu tập trung, đàm phán giá cả… giúp các cơ sở khám chữa bệnh nắm được thông tin về nguồn cung, từ đó chủ động lên kế hoạch, đặt hàng nhằm đảm bảo đủ thuốc phục vụ điều trị bệnh. Nhiều bệnh viện tuyến đầu, có số lượng tập trung các ca bệnh nặng như Việt Đức hay Bạch Mai, Chợ Rẫy… sau nhiều phen thiếu thuốc và vật tư phải thực hiện mổ luân phiên, thì đã trở lại với nhịp độ hoạt động bình thường. Đó là những nỗ lực đáng ghi nhận của ngành y.

Nói đi cũng phải nói lại, vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị y tế không phải là hiện tượng mới, nó vẫn xảy ra tại nhiều cơ sở y tế trên toàn cầu. Về vấn đề này, Ủy ban châu Âu cũng đã họp bàn để tìm giải pháp khắc phục. Trong nước, nhiều năm trước vẫn xảy ra tình trạng thiếu thuốc cục bộ tại các cơ sở y tế công lập. Sau COVID-19, vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn, cũng là điều dễ hiểu.

Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 với nhiều nội dung liên quan tới đổi mới cơ chế tài chính, hy vọng khắc phục những hạn chế, bất cập của các cơ sở y tế thời gian qua.

MỚI - NÓNG