Đấu thầu vật tư, thiết bị y tế: Rất đáng lo ngại

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết, việc đấu thầu mua sắm vật tư, thiết bị y tế vẫn còn khó, dẫn đến “tiền có mà khó tiêu”. Điều đáng lo ngại nữa được ông chỉ ra là đến tháng 1/2024 Luật Đấu thầu sửa đổi có hiệu lực, nếu không kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thì nguy cơ thiếu thuốc, vật tư và thiết bị trong dịp Tết Nguyên đán “rất đáng lo ngại”.

Nguy cơ vướng mắc trong giai đoạn chuyển tiếp

Tại phiên thảo luận tại Quốc hội sáng 2/11, đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội phản ánh những vướng mắc trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế.Theo bà Hà, năm 2023 là năm có nhiều văn bản liên quan đến công tác mua sắm trang thiết bị y tế. Ngày 30/6, Bộ Y tế ban hành Thông tư 14, quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập, bước đầu đưa các chủ trương quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn của Chính phủ đi vào thực tiễn. “Tuy nhiên, Thông tư 14 được xem như giải pháp có tính tình thế, tạm thời vì hiệu lực của Thông tư chỉ kéo dài cho đến hết năm 2023”, bà Hà nêu băn khoăn.

Đấu thầu vật tư, thiết bị y tế: Rất đáng lo ngại ảnh 1

ĐBQH Trần Thị Nhị Hà

Trên thực tế, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, việc mua sắm trang thiết bị y tế từ giai đoạn lựa chọn danh mục đến phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng có thể kéo dài từ 3 - 8 tháng phụ thuộc vào danh mục trang thiết bị. “Có thể thấy, thời gian có hiệu lực của Thông tư 14 quá ngắn đối với việc triển khai mua sắm trang thiết bị y tế”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nêu.

Vướng mắc cũng nằm ở thời điểm từ 1/1/2024, khi Luật Đấu thầu vừa được Quốc hội thông qua có hiệu lực. Theo bà Hà, đến ngày này, các dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện có các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế theo Thông tư 14, nhưng các văn bản hướng dẫn Luật Đấu thầu chưa ban hành kịp, hoặc quy định hướng dẫn khác, thì các dự án triển khai sẽ rất vướng mắc và cũng tốn kém chi phí cho công tác chuẩn bị đầu tư trước đó.

“Tôi đề nghị, Chính phủ quan tâm tới quy định chuyển tiếp liên quan đến đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế từ Thông tư 14 sang thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn có liên quan, đảm bảo việc thực hiện đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế không bị chậm trễ, không phải chờ các văn bản hướng dẫn. Lâu dài, cần ban hành các văn bản có tính căn cơ để giải quyết vấn đề mua sắm trang thiết bị y tế”, bà Hà nêu.

Hồ sơ trả lên, trả xuống, không đấu thầu được!

Trước đó, trong phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế, xã hội, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cũng than rằng, đấu thầu vật tư, thiết bị y tế còn rất khó, dẫn đến “tiền có mà khó tiêu”. Điều đáng lo ngại nữa được ông chỉ ra là đến tháng 1/2024 Luật Đấu thầu sửa đổi sẽ có hiệu lực, nếu không kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thì các cơ sở y tế sẽ gặp khó khăn trong đấu thầu, mua sắm. “Nguy cơ dịp Tết Nguyên đán này tiếp tục rơi vào tình cảnh thiếu thuốc, vật tư và thiết bị y tế là rất đáng lo ngại”, ông Thức cảnh báo.

Đấu thầu vật tư, thiết bị y tế: Rất đáng lo ngại ảnh 2

ĐBQH Nguyễn Tri Thức

Về tình trạng thiếu máu ở khu vực miền Tây, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết nguyên nhân là do không đấu thầu được vật tư, sinh phẩm, túi máu. “Hồ sơ cứ trả lên, trả xuống, không đấu thầu được”, ông Thức thông tin. Để giải quyết tình trạng này, thời gian qua các cơ sở y tế như Bệnh viện Truyền máu - Huyết học, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tích cực hỗ trợ cho miền Tây. “Chúng ta cũng chỉ có bằng đó nguồn, nếu bù đắp cho miền Tây thì miền Đông lại có nguy cơ thiếu máu, cứ vòng luẩn quẩn, chưa giải quyết được”, ông Thức nói.

Với nguồn lực còn hạn chế, ông Thức cho rằng, việc thực hiện xã hội hóa, liên danh liên kết ở các bệnh viện công là cần thiết. Tuy nhiên, sau khi xảy ra một số vụ việc tiêu cực thì giờ đây “ai cũng thấy nhạy cảm”. Do đó, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đề nghị cần tạo hành lang, cơ chế để các bệnh viện công thực hiện xã hội hóa, liên danh, liên kết.

Hơn 100.000 chủng loại trang thiết bị y tế đủ điều kiện nhập khẩu: Giải quyết cơ bản nhu cầu của các cơ sở y tế

TS Nguyễn Minh Lợi, Cục trưởng Cục Cơ sở hạ tầng và thiết bị y tế (Bộ Y tế) cho biết hiện tại đã có khoảng 65.000 loại trang thiết bị y tế (với hơn 100.000 chủng loại) có đủ điều kiện nhập khẩu, lưu hành tại Việt Nam để cung cấp, giải quyết được cơ bản đủ nhu cầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế.

Về tiến độ xử lí hồ sơ trang thiết bị y tế, theo Cục Cơ sở hạ tầng và thiết bị y tế, 100% hồ sơ được xử lí trực tuyến cấp độ 4. Tính đến ngày 1/11, Bộ Y tế đã tiếp nhận 12.341 hồ sơ. “Từ tháng 9/2022 đến nay, đã xử lí được 7.854 hồ sơ, trung bình khoảng 600 hồ sơ/tháng - từ tháng 9/2022 đến nay số hồ sơ xử lí được gấp gần 40 lần so với số hồ sơ xử lí trong 8 tháng đầu năm 2022. Đây là một nỗ lực rất lớn của Bộ Y tế trong điều kiện còn có rất nhiều khó khăn, thách thức”, TS Nguyễn Minh Lợi thông tin, đồng thời cho rằng với số hồ sơ hiện còn đang tồn đọng và số hồ sơ mới sẽ nộp, cần tiếp tục có nhiều biện pháp tích cực để đảm bảo tiến độ giải quyết dứt điểm trước 31/12/2024 theo đúng cam kết với Chính phủ.

Hà Minh

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.