Ngành giáo dục một năm vượt khó

0:00 / 0:00
0:00
TP - Năm 2024, ngành Giáo dục đã có những tín hiệu mới trong hoạt động dạy học và thi cử, tạo niềm tin, hy vọng cho phụ huynh, học sinh.

Trong năm 2023, lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn mở cuộc đối thoại với hơn 700.000 giáo viên, nói về nhiều vấn đề đội ngũ đang quan tâm, băn khoăn.

Ngành giáo dục một năm vượt khó ảnh 1

Phụ huynh chen lấn, xô đẩy nhau giành suất học cho con ở Hà Nội trong thời gian vừa qua

Bộ GD&ĐT cũng đã công bố được phương án thi Tốt nghiệp từ năm 2025 với 4 môn thi, trong đó 2 môn bắt buộc 2 môn tự chọn nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều giáo viên, học sinh và phụ huynh.

Ngành giáo dục cũng có những điều chỉnh các vấn đề bất cập nảy sinh trong thực tế sau thời gian triển khai. Đơn cử, sau 3 năm giao quyền lựa chọn SGK cho các tỉnh, thành phố thành lập hội đồng chọn một bộ sách cho toàn bộ trường học sử dụng vấp nhiều ý kiến trái chiều, thì mới đây Bộ GD&ĐT đã có thông tư điều chỉnh, trả lại quyền chọn sách cho các giáo viên, trường học.

TS Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng, năm qua, ngành giáo dục đã nỗ lực, đạt nhiều thành tựu, trong đó để nâng cao chất lượng dạy và học, đội ngũ nhà giáo được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ. Bên cạnh đó, vẫn còn những vấn đề nhức nhối, là nỗi lo của cha mẹ học sinh như: bạo lực học đường, áp lực thi cử... “Đất nước có hơn 20 triệu học sinh ở hàng chục nghìn nhà trường, khó có thể tránh được những xung đột, xích mích. Tuy nhiên, đổi mới toàn diện giáo dục, chúng ta có quyền kỳ vọng thầy cô, các nhà trường và cả phụ huynh cùng thay đổi để có môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, trẻ được hạnh phúc hơn”, ông nói.

Năm 2024, TS Hòa kỳ vọng, trường học hạnh phúc sẽ được xây dựng và lan tỏa nhiều nơi. Mô hình này kỳ vọng làm thay đổi quan niệm giáo dục, thay đổi cách nhìn nhận về học sinh. Đó là giáo dục phải bao dung, hướng dẫn học sinh thay đổi, chứ không phải đặt vấn đề kỷ luật, nghiêm trị lên hàng đầu. “20 năm trước, trường tôi cũng áp hình thức kỷ luật khắt khe và rồi không ít học sinh xé rào, vi phạm. Dần dần tôi nhận ra cần phải thay đổi phương pháp, lấy học sinh làm trung tâm, chia sẻ, đồng hành, bao dung thay vì đe nẹt và mọi thứ đã ổn định, giảm thiểu bạo lực học đường.

Bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối, là nỗi lo của gia đình, nhà trường và xã hội. Ngay tại Hà Nội, năm 2023, em Vũ Văn Tuấn K, học sinh lớp 7, Trường THCS Đại Đồng, Huyện Thạch Thất (Hà Nội) bị bạn đánh hội đồng trong một thời gian dài dẫn đến trầm cảm. Từ một đứa trẻ nhanh nhẹn, hoạt bát, bạo lực học đường đã biến K. thành một người “không bình thường”, nhiều lúc bị rơi vào trạng thái mất ý thức.

Đó chỉ là một trong những vụ việc đau lòng. Còn nhớ vụ việc học sinh Trường THCS Văn Phú (Tuyên Quang) quây, dồn giáo viên bộ môn Âm nhạc vào tường có những lời lẽ, hành động thách thức, đe dọa gây hoang mang dư luận xã hội.

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, từ tháng 9/2021 đến tháng 11/2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường liên quan đến 2.016 học sinh, trong đó có 854 học sinh nữ. Bình quân, cứ 50 cơ sở giáo dục xảy ra 1 vụ bạo lực học đường. Trong đó, số vụ bạo lực có nhiều học sinh tham gia và số học sinh nữ tham gia bạo lực học đường nhiều hơn.

Bữa ăn học đường bị bớt xén, thực phẩm chưa đảm bảo an toàn vệ sinh cũng là vấn đề “nóng”, để lại nhiều bức xúc cho phụ huynh. Tháng 10, phụ huynh Trường THCS Yên Nghĩa, quận Hà Đông phản ánh bữa ăn có giá 32.000 đồng/ học sinh chỉ có ít rau, một miếng giò và vài ba miếng chả cá. Phụ huynh bất bình lên tiếng, nhà trường buộc phải tổ chức buổi đối thoại các bên. Tháng 12/2023, hiệu trưởng Trường PTDT bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1 (Lào Cai) có đơn xin từ chức vì liên quan đến việc bớt xén bữa ăn của học sinh. Thông tin 11 em học sinh bán trú phải ăn 2 gói mì tôm chan cơm trắng gây bức xúc trong dư luận. Ngoài ra, nhiều học sinh ở các trường học vẫn bị ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn bán trú.

Cũng tại Hà Nội, số lượng học sinh tăng nhanh, thiếu trường, lớp dẫn đến sĩ số học sinh/lớp cao. Mỗi mùa tuyển sinh, nhiều trường học cả khối công và tư thục chịu áp lực rất lớn. Phụ huynh cũng hoang mang, mệt mỏi khi phải xếp hàng xuyên đêm chen lấn, xô đẩy để giành bằng được suất học cho con.

Thống kê của ngành giáo dục cho thấy, trong vòng 3 năm học kể từ năm 2020 đến năm 2023, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông nghỉ việc, bỏ việc lên đến hơn 40.000 người. Năm học 2022-2023, ngành thiếu hơn 118.000 giáo viên ở các cấp trong khi tình hình tuyển dụng giáo viên ở các địa phương đang gặp nhiều khó khăn.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, năm 2024, các địa phương sẽ được giao bổ sung 27.800 biên chế giáo viên, góp phần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên ở các trường mầm non, phổ thông.

MỚI - NÓNG