Ngành chăn nuôi Đông Nam bộ có nguy cơ phá sản

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TP - Ngày 28/7, tại thành phố Biên Hòa (Đồng Nai), Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam bộ tổ chức buổi hội thảo để tìm giải pháp ngăn chặn nguy cơ phá sản ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm của toàn vùng. Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp chăn nuôi của các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Lâm Đồng…

Theo báo cáo của Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam bộ, nhiều năm trở lại đây, ngoài việc chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức bằng các chính sách, ngành chăn nuôi của vùng Đông Nam bộ, mà rộng hơn là cả nước còn bị cạnh tranh thiếu bình đẳng từ sản phẩm ngoại nhập. Cơ quan chức năng chưa làm tốt vai trò quản lý Nhà nước về dựng hàng rào kỹ thuật, ngăn chặn thịt nhập. Do đó, thịt nhập không chỉ gia tăng về số lượng, chủng loại, mà giá cả nhập về năm sau rẻ hơn năm trước. Chẳng hạn, giá trung bình thịt đùi gà góc tư nhập từ Mỹ (cách đây 2 năm) giá dao động 1,2 đến 1,5 USD, thì đến những tháng đầu năm 2015 chỉ còn 0,6 đến 0,8 USD. Chưa hết, những năm trước, Việt Nam nhập rất ít thịt heo, nhưng năm nay, thị trường bắt đầu xuất hiện loại thịt này, với giá chưa đầy 60.000 đồng/kg; còn thịt gà xay khoảng hơn 10.000 đồng (0,5 USD). Dự báo tới đây nếu tiếp tục giảm thuế, không kiểm soát mà để thịt nhập hoành hành, ngành chăn nuôi ở nước ta chưa biết đi về đâu!

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam bộ cho biết, thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu quá rẻ, mỗi năm ồ ạt nhập vào Việt Nam 100.000 tấn, đang bóp chết ngành chăn nuôi trong nước. Theo đó, mỗi kg gà xuất chuồng, người chăn nuôi ở vùng Đông Nam bộ đang lỗ 4.000 đồng đến 5.000 đồng, tương đương mỗi con gà là 20.000 đồng. Chăn nuôi heo và gà đẻ cũng bấp bênh, không ổn định. Câu hỏi đặt ra ở đây là có phải thực tế giá thịt nhập rẻ như vậy không, hay có vấn đề về chất lượng, bán phá giá? Sản lượng thịt nhập giá rẻ hiện chiếm khoảng 1/3 thị trường Việt Nam.

Hiệp hội theo dõi từ đầu năm 2015 đến nay, mỗi tuần toàn bộ ngành chăn nuôi gà trắng công nghiệp thả nuôi 2,3 triệu con (tổng cộng 1 tháng là 9 triệu con), mỗi con lỗ 10.000 đồng. Bình quân 1 tháng lỗ 90 tỷ đồng. Nếu cứ đà này, đến cuối năm nay sẽ phá sản 3.000 trang trại chăn nuôi. Với mức đầu tư 2 tỷ đồng/trang trại, như vậy sẽ có khoảng 6.000 tỷ đồng nợ ở các ngân hàng trong nước. Nông dân không trả nợ được sẽ thành nợ xấu cho xã hội.

Hiện nay, gà trong nước thì bán không được, xuất khẩu thì nước ta chưa thông quan với ngành thú y các nước cho nên không xuất khẩu được, sản phẩm chăn nuôi làm ra bán lỗ. Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam bộ đề nghị Nhà nước và các bộ, ngành Trung ương nhanh chóng vào cuộc tháo gỡ những khó khăn của ngành chăn nuôi, điều tra chống bán phá giá.

MỚI - NÓNG
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
TPO - Kết thúc kỳ nghỉ lễ 5 ngày, chứng khoán trong nước sẽ trở lại giao dịch vào ngày mai (2/5). Dù VN-Index đã lấy lại mốc 1.200 điểm, nhưng chuyên gia cho rằng nhịp điều chỉnh chưa xác nhận kết thúc. Thị trường sẽ có các nhịp rung lắc, nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể tranh thủ nhịp hồi phục sắp tới để cơ cấu, hạ tỷ trọng về mức an toàn.